Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Manchester United sụp đổ

Erik ten Hag từng phàn nàn rằng chưa bao giờ trải qua tình cảnh như Manchester United phải chịu đựng hiện tại. Đó là đội hình bị xé nát vì những chấn thương.

Trong chuyến làm khách đến sân Selhurst Park của Crystal Palace thuộc vòng 36 Premier League rạng sáng 7/5 (giờ Hà Nội), thống kê ghi nhận có tới 10 cầu thủ MU phải ngồi ngoài vì chấn thương, tức gần đủ một đội hình. Chính vì điều này, đội bóng của Ten Hag sụp đổ, họ thảm bại với tỷ 0-4.

Ten Hag chắc chắn đổ lỗi cho chấn thương khiến mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Song, điệp khúc ấy quá nhàm chán. Tới lúc chiến lược gia người Hà Lan phải nhìn thẳng vào sự thật, rằng bản thân thất bại trong việc xây dựng bản sắc cho MU.

Sau tất cả, bản sắc của MU là gì?

Hồi tháng 12, sau thất bại 0-1 trước Newcastle, cựu hậu vệ Gary Neville nhắc tới khái niệm "phong cách chơi bóng" trong bài bình luận trên Sky Sports. Ông nhấn mạnh từ sau thời Sir Alex Ferguson, chỉ Louis van Gaal thực sự mang tới triết lý rõ nét cho "Quỷ đỏ", dù rằng có thể không phù hợp với văn hóa ở sân Old Trafford.

Trong khi đó, từ David Moyes, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer tới Ten Hag đều thất bại trong việc tạo ra bản sắc. Yếu tố thường được người hâm mộ đùa cợt rằng không cần biết ai trên sân, chỉ nhìn vào cách đá sẽ nhận ra đó là CLB nào.

Manchester United anh 1

Thời gian với Ten Hag đã cạn.

Ví dụ, Pep Guardiola xây dựng thành công triết lý kiểm soát bóng ở Man City. Jurgen Klopp định hình Liverpool bằng trường phái gegenpressing, triết lý không chỉ dừng lại ở việc dồn ép đối thủ, mà còn đòi hỏi sự tập trung cao độ, chủ động di chuyển để giành lại bóng ngay bên phần sân đối phương.

Ange Postecoglou dù mới làm việc tại Tottenham được 1 năm vẫn tạo ra "Ange-ball", theo định nghĩa của ông là chủ nghĩa bóng đá "thuần túy", tin vào kỹ năng, khả năng cầm bóng và tạo cơ hội. Cơ sở chung của triết lý này xoay quanh việc áp dụng lối chơi gây áp lực của Italy, vốn từ lâu đã phổ biến ở nhiều CLB hàng đầu châu Âu.

Ngay cả Roberto De Zerbi cũng nhào nặn thành công một Brighton chơi kiểm soát bóng, điều khiển trận đấu một cách áp đặt. Cách chơi của "Chim mòng biển" vì thế luôn sôi nổi, họ trung thành với triết lý kiểm soát bóng và dám chơi tấn công, dù cho đối thủ là ai.

Còn với MU của Erik ten Hag, tất cả xoay quanh hai khái niệm "phản công" và "khoảnh khắc". Ngạc nhiên thay, đó cũng là những gì diễn ra ở CLB dưới thời Moyes, Solskjaer hay Mourinho, bất chấp việc tất cả đều chi rất nhiều tiền để mua sắm cầu thủ.

MU không khá hơn là mấy

Một thập niên trôi qua kể từ lần cuối cùng giành chức vô địch Premier League, đội bóng thành Manchester vẫn loay hoay trên hành trình đi tìm bản sắc. Họ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn và giải pháp thay tướng sau 2 hay 3 năm đều không mang tới sự hiệu quả.

Sau trận hòa 2-2 của MU trước Tottenham hồi tháng 1, Gary Neville bình luận trên Sky Sports: "Chúng ta cần thấy sự phát triển trong phong cách chơi bóng của CLB vài tháng tới. Những gì tôi thấy là một tập hợp các đường chuyền đơn lẻ, trong đó cầu thủ khi nhận được bóng phải cố gắng tìm xem đồng đội tiếp theo đang ở đâu, thay vì biết trước họ sẽ có mặt ở vị trí nào".

3 tháng sau nhận định ấy và cũng gần 2 năm từ khi Erik ten Hag cập bến "Nhà hát của những giấc mơ", bản sắc vẫn trở thành thứ gì đó rất xa xỉ với MU. Từ các phòng họp báo, chiến lược gia người Hà Lan luôn phủ nhận việc đội bóng tụt lùi. Ngược lại, ông tin "Quỷ đỏ" đi đúng hướng và biến tình hình khởi sắc hơn.

Ten Hag cũng nói rằng bóng đá không chỉ là việc kiểm soát bóng. Phát ngôn được cựu thuyền trưởng Ajax thốt lên sau khi MU chỉ cầm bóng 27,1% trong trận gặp Man City. Tính ở Premier League, "Quỷ đỏ" đứng thứ 9 về tỷ lệ kiểm soát bóng.

Chính vì không kiểm soát được bóng, đại diện thành Manchester thường xuyên đánh mất thế trận mỗi khi dẫn bàn. Đó là bởi họ không biết phải làm gì với trái bóng, để rồi tự bắn vào chân mình với những sai lầm. Các đội hàng đầu của Premier League không chơi theo cách như vậy, tức chỉ trông chờ vào phản công và khoảnh khắc cá nhân.

Manchester United anh 2

MU thua tan nát trước Crystal Palace rạng sáng 7/5 (giờ Hà Nội).

Trong bóng đá hiện đại, tất cả đều biết các HLV giỏi luôn xây dựng phong cách chơi bóng trước khi lắp ghép các cầu thủ vào hệ thống. Điều này khiến họ có thể không giành được chiến thắng nếu thiếu những quân bài đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, đội bóng sẽ dần hình thành được "DNA riêng biệt".

Tottenham của Postecoglou còn lâu mới vô địch Premier League với dàn cầu thủ hiện tại, nhưng ít nhất "Gà trống" thành công trong việc định hình phong cách. Brighton dưới quyền Roberto De Zerbi chỉ có mãi là "ngựa ô" nếu mỗi năm để tình trạng chảy máu chất xám. Dù vậy, triết lý của họ sẽ không nhầm lẫn vào đâu được.

Ngược dòng về quá khứ, Klopp đến Liverpool vào tháng 10/2015 và được phóng viên đặt câu hỏi trước trận gặp Tottenham rằng, bản thân mong đợi điều gì sau thời gian ngắn làm việc với các cầu thủ mới. Nhà cầm quân người Đức nói: "Chúng tôi muốn trông khác biệt. Đó là những gì tôi chờ đợi".

Liverpool kết thúc trận gặp Tottenham với kết quả hòa, nhưng họ làm được điều không CLB nào trước đó nào có thể, đó là chạy nước rút nhiều hơn đối thủ. Không cần phải có IQ của thiên tài để thấy rằng các nguyên tắc được Klopp áp dụng ngay lập tức.

Với Guardiola, ông trắng tay trong năm đầu tiên dẫn dắt Man City, nhưng đưa CLB vươn lên xếp thứ năm về khả năng cầm bóng. Roberto De Zerbi cũng học hỏi rất nhiều ở chiến lược gia người Tây Ban Nha. 3 trong 7 trận đầu tiên của nhà cầm quân này tại Brighton, họ kiểm soát bóng tới 70%.

Trên sân Selhurst Park của Crystal Palace, liệu rằng bất kỳ ai nhìn thấy phong cách chơi bóng đặc trưng Erik ten Hag tạo ra cho MU? Nếu có, đó sẽ hình ảnh "Quỷ đỏ" để đối thủ tung ra vô số cú sút về khung thành. Điều ngay cả Burnley, Sheffield United Coventry hay nhiều đội bóng khác đã từng làm.

Thời gian với Erik ten Hag cạn dần. Những lời bào chữa giờ trở nên vô giá trị. Chủ mới của CLB chắc chắn không muốn đặt niềm tin vào phi vụ mà ngay từ đầu biết trước thất bại.

Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.

Man Utd thua tan nát trước Crystal Palace

Rạng sáng 7/5 (giờ Hà Nội), MU thua 0-4 trên sân nhà của Crystal Palace ở vòng 36 Premier League.

Di Cầm

Bạn có thể quan tâm