Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Man United trước mùa giải mới

Đêm 19/9, Man United sẽ ra quân Premier League 2020/21 trên sân nhà trước Crystal Palace. Nhiều người nóng lòng muốn xem diện mạo mới của "Quỷ đỏ" sẽ như thế nào.

Bình luận

MU anh 1

Chuỗi 14 trận bất bại kể từ tháng 2 (trong đó có 5 trận trước và 9 trận sau giãn cách xã hội) đã giúp Man United giành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Premier League 2019/20 một cách đáng khen ngợi.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để huấn luyện viên Solskjaer có thể được đảm bảo sẽ vững ghế ở Old Trafford. Mùa giải này sẽ là bước ngoặt của nhà cầm quân người Na Uy. Đến hết lượt đi, nếu kết quả của Man United không sáng sủa, Ole Solskjaer hoàn toàn có khả năng phải chia tay CLB.

MU anh 2

MU chơi nổi bật trong giai đoạn cuối mùa 2019/20 nhờ sự chói sáng của Bruno Fernandes. Ảnh: Getty.

Khi Man United “kẹt cứng” trên thị trường chuyển nhượng

Man United đã khiến không chỉ người hâm mộ của họ nói riêng, mà còn cả giới quan sát bóng đá Anh nói chung vô cùng sốt ruột khi "Quỷ đỏ" tỏ ra quá chậm trễ trên thị trường chuyển nhượng.

Nhiều cái tên được đồn đoán sẽ đến Old Trafford nhưng cuối cùng, tính đến giờ này chỉ có mỗi Van de Beek là tân binh mà thôi. Trong khi đó, các đối thủ của họ đều có những bổ sung kịp thời mà đặc biệt là Chelsea, với khoản đầu tư lên tới gần 200 triệu bảng.

Điều gì đã khiến Man United chậm trễ như thế trên thị trường chuyển nhượng? Đây là câu hỏi lớn, đặc biệt là khi nó được hệ thống lại với nhiều kỳ chuyển nhượng gần đây của họ, thể hiện qua những vụ “mua hụt”, mà đáng tiếc nhất là việc để Van Dijk đến với Liverpool để từ đó trở thành nhân tố quan trọng nhất giúp Liverpool có chức vô địch sau mấy thập niên chờ đợi đằng đẵng.

MU anh 3

MU dành gần như cả mùa hè để theo đuổi Jadon Sancho nhưng thất bại. Ảnh: Getty.

Man United không thiếu tiền và không thiếu uy tín. Chắc chắn, cầu thủ tới Old Trafford sẽ được hưởng mức lương cao và cùng với danh tiếng của CLB, họ cũng có cơ hội trở thành gương mặt thu hút các nhãn hàng, giúp cá nhân có thể gặt hái những hợp đồng béo bở. Câu hỏi về cái phi lý trong chuyển nhượng của Man United càng trở nên phức tạp hơn ở hoàn cảnh như vậy.

Thực tế, vấn đề của Man United có tính lịch sử. Một đội bóng không chỉ là CLB thể thao đơn thuần, mà nó là bộ máy có thu và chi, có xác định lợi nhuận và thua lỗ.

Và lịch sử tính từ khi Sir Alex giải nghệ đã tạo ra Man United trong thế “kẹt” như hiện nay. Quá nhiều HLV đến và đi. Mỗi người đều được trang bị bằng những cầu thủ mà họ yêu cầu. Để rồi khi Solskjaer nhận việc, số lượng cầu thủ của Man United quá đông. Điều đó khiến cho việc tăng cường bị trở ngại rất nhiều.

Danh sách cầu thủ của đội một Man United hiện nay là 33 người. Muốn tăng cường thêm, chắc chắn phải giải tán bớt để giảm nhẹ quỹ lương. Song, những cầu thủ hiện thời ở Man United mà Solskjaer có thể không muốn sử dụng thực chất khó tìm bến đỗ. Không mấy CLB mặn mà với họ. Và nếu có CLB nào đó muốn chiêu mộ họ, CLB ấy không thể đáp ứng mức lương khủng mà họ đang nhận được ở Old Trafford hiện nay.

Một ví dụ điển hình là Alexis Sanchez. Man United từng trả lương cho Sanchez cao ngất khi anh tới và đến hè 2019, họ đã muốn bán anh để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, không CLB nào muốn mua Sanchez cả bởi 2 lẽ: phí chuyển nhượng sẽ không thấp và lương của cầu thủ Chile ngất ngưởng quá. Kết cục, Man United phải đợi đến hè 2020 để Sanchez ra đi tự do và rõ ràng, phi vụ đầu tư này là cú lỗ đáng nhớ của bộ sậu Ed Woodward.

Bài toán khó với Van de Beek

Trong tình thế như kể trên, rõ ràng Solskjaer phải bạc đầu vì toan tính là phải. Tuy nhiên, trong những toan tính như vậy, việc mua Van de Beek của HLV Solskjaer cũng khiến nhiều người phải băn khoăn dù cho Van de Beek là cầu thủ giàu tiềm năng để trở thành ngôi sao lớn.

“Một số 6 mang chất lượng của một số 10” là bình luận khá sắc sảo của BBC khi nói về trường hợp Van de Beek. Rõ ràng, bất kỳ ai trong giới quan sát bóng đá cũng đều biết Van de Beek đá tốt nhất ở vai trò số 10 hoặc số 8 có thiên hướng tấn công. Và cũng chưa một ai trong giới quan sát được thấy Van de Beek chơi số 6 bao giờ. Điều đó khiến dấu hỏi về bộ ba tiền vệ Bruno Fernandes - Paul Pogba - Van de Beek trở nên hoang mang hơn bao giờ hết.

MU anh 4

Van de Beek là hợp đồng nhận nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít hoài nghi của MU. Ảnh: Telegraph.

Khi nhìn vào các chỉ số đánh giá từ các mùa giải trước của Van de Beek và so sánh nó với các tiền vệ Man United, chúng ta sẽ nhận thấy rõ hơn bài toán mà Solskjaer đang phải giải lắt léo đến mức nào. Và đáng nói hơn cả là các chỉ số này bao gồm cả khâu tấn công lẫn phòng ngự với bối cảnh giải Eredivisie không khắc nghiệt như Premier League.

Trong tấn công, số lần chạm bóng trung bình mỗi trận của Van de Beek là 57,4 và số đường chuyền anh thực hiện mỗi trận cũng chỉ là 42,7. Những con số này đều thua xa các tiền vệ hiện có của Man United, mà thấp nhất trong số họ là Scott McTominay với 72 lần chạm bóng và 51,4 đường chuyền mỗi trận.

Chỉ số khá nhất của Van de Beek là sút trúng đích (0,8 lần/trận - hơn tất cả tiền vệ Man United) và cơ hội tạo ra cho đồng đội (1,9 lần/trận, thua Bruno Fernandes và Pogba với lần lượt là 2,3 và 2,2).

Trong phòng ngự, các tỷ lệ của Van de Beek cũng thua kém tiền vệ Man United, từ thu hồi bóng, cắt bóng, tắc bóng thành công và thắng trong tranh chấp tay đôi. Tỷ lệ khá nhất của anh là tắc bóng thành công (1,2 lần/trận), nhưng cũng chỉ hơn được Pogba, Fernandes và McTomminay mà thôi.

Và với những người theo dõi sâu sát lâu nay, ai cũng nhận thấy cả Bruno Fernandes, Pogba, Van de Beek đều mang tố chất chơi số 10. Với việc Solskjaer có 3 số 10 trong tay, câu hỏi đặt ra là “Ai sẽ là người xách nước trong tuyến tiền vệ Man United?”.

Khó có thể hình dung ra việc cả 3 cầu thủ trên cùng xuất trận trừ phi có phép thần kỳ nào đó để lột xác Pogba hoặc Van de Beek trở thành tiền vệ trụ xuất sắc với khả năng tạo ra sự an toàn trong phòng ngự ở khu vực đệm giữa hàng thủ và khu trung tuyến.

Trong sơ đồ 4-3-3, sân cỏ vốn vẫn được các HLV chia thành 9 lớp và lớp đệm giữa hàng thủ với khu trung tuyến là lớp tối quan trọng, với cầu thủ số 6 hiện đại có khả năng thu hồi bóng, tranh chấp, bọc lót, cầm bóng giữ nhịp tốt và “chia bài” xuất sắc.

Paul Pogba với tư chất của mình hoàn toàn có thể chơi tốt ở khu vực này, theo đúng hình mẫu của bậc đàn anh Pirlo ở Juve ngày nào. Tuy nhiên, thứ Pogba thiếu chính là tính kỷ luật. Tính tự do của Pogba luôn khiến anh tạo ra những tình thế rủi ro ở giữa sân. Trong màu áo tuyển Pháp, Deschamps không để Pogba chơi số 10, mà giao nó cho Griezmann nhưng ông cũng không dám cho anh chơi số 6. Deschamps giao nó cho Kante, một lựa chọn chuẩn xác vì độ an toàn cao.

Còn nếu Solskjaer tin tưởng Van de Beek thì sao? Phương án này có thể xảy ra và chính vì thế mới có những bình luận như trên của BBC. Và đây sẽ chính là lựa chọn “All or nothing?” (được ăn cả ngã về không) của Solskjaer. Nếu Van de Beek xuất hiện và tỏa sáng ở vị trí mới, người ta sẽ ca ngợi Solskjaer lên mây.

Ngược lại, ông sẽ bị cười nhạo bởi truyền thông Anh ưa soi mói và chỉ trích, trong đó cũng có cả chính những chuyên gia quen mặt vốn dĩ là đồng đội của ông trước kia.

HLV Solskjaer muốn tăng cường chiều sâu?

Có một điều chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng các HLV luôn muốn thử nghiệm, ghi dấu ấn sáng tạo của mình lên đội bóng, nhưng họ cũng hiểu rõ không thể đánh cược cả uy tín nghề nghiệp lẫn thành tích cá nhân và tập thể lên những thử nghiệm không có tính an toàn cao.

Và Solskjaer cũng không ngây thơ đến mức đánh cược một cách mạnh tay như vậy. Bởi thế, ta nên nghĩ đến khả năng ông mua Van de Beek để tăng cường chiều sâu nhân sự cho Man United.

MU anh 5

Vai trò của Bruno Fernandes và Pogba vẫn quan trọng với MU và gần như không thể bị thay thế. Ảnh: Getty.

Nếu nhìn lại thống kê ra sân của các cầu thủ Man United mùa giải trước, chúng ta nhận ra rất rõ là Solskjaer cực hiếm khi thay đổi đội hình xuất phát trừ trường hợp bất khả kháng như chấn thương hay thẻ phạt. Tay bút Simon Stones của BBC đã nhận xét rất sắc về tình trạng này bằng câu “Solskjaer không hề tin vào lực lượng dự bị của mình”.

Ngay như trận thua Sevilla ở Europa League cũng vậy. Phải đến phút 87 Solskjaer mới thực hiện thay người. Điều này cho thấy Solskjaer nhận ra có khoảng cách năng lực lớn đang tồn tại giữa lực lượng chính thức và lực lượng dự bị của CLB.

Và ở cuối mùa giải vừa qua, chúng ta cũng nhận ra rất rõ việc Bruno Fernandes xuống sức. Trong khi đó, Paul Pogba lại là cầu thủ dễ dính chấn thương. Như vậy, Van de Beek hoàn toàn có thể là một tăng cường để Solskjaer xoay tua ở tuyến tiền vệ tấn công, hộ công của Man United. Còn ở vị trí tiền vệ trụ, ông vẫn sẽ để Matic, McTominay, Fred thay nhau đảm nhiệm.

Matic vẫn là cầu thủ xuất sắc ở vị trí này, nhưng tuổi tác không cho phép anh cày ải nhiều trận liên tiếp với độ chính xác cao. McTominay trẻ và non kinh nghiệm, còn Fred vẫn thiếu sự ổn định cần thiết. Hai cầu thủ ấy nhiều khả năng là dự phòng cho Matic, dạng dự phòng chờ đợi họ cải thiện mình trong quá trình luyện tập cạnh tranh vị trí.

MU anh 6

MU có 33 cầu thủ ở đội hình một, nhưng không có nhiều nhân tố ở đẳng cấp cao nhất. Đồ họa: Minh Phúc.

Tuy nhiên, vấn đề chiều sâu của Man United còn nằm ở cả hàng phòng ngự. Trận giao hữu thua Aston Villa cho thấy đội hình 2 của Man United kém cỏi thế nào. Việc Dean Henderson quay lại Man United sẽ là tín hiệu tích cực để vị trí thủ thành trở nên chất lượng hơn khi De Gea có động lực cạnh tranh vị trí nhưng nên nhớ, thủ thành muốn chơi hay thì anh ta phải được an tâm bởi một hàng thủ tốt.

Vị trí trung vệ của Man United là chỗ đáng lo nhất. Solskjaer có quá nhiều cái tên cho vị trí này, nhưng không một ai ở đẳng cấp châu lục cả. Trong tay Solskjaer hiện nay có đến 9 cầu thủ đủ khả năng chơi trung vệ, nhưng chất lượng của họ chênh lệch nhau vô cùng. Phải thừa nhận từ lâu rồi Man United không có cặp trung vệ đủ để đồng đội “ra sân là tin tưởng”.

Hàng thủ chất lượng quan trọng vô cùng với đội bóng có tham vọng lớn. Còn nhớ, chính Lillian Thuram từng kể lại trước các trận tuyển Pháp đá ở thời kỳ 1998-2000, Youri Djorkaef luôn nói với Thuram câu “Hãy đảm bảo giữ sạch lưới. Nếu cậu giữ sạch lưới, tôi hứa với cậu tôi sẽ ghi bàn”. Câu nói đó cho thấy niềm tin hàng thủ tạo ra không chỉ mang lại sự vững chắc cho thủ thành, mà còn khiến hàng công tự tin hơn và say mê hơn trong việc kiếm tìm bàn thắng.

Như vậy, việc săn chữ ký Jadon Sancho của Solskjaer nếu có thành công trong thời gian tới, thì cũng chỉ là để làm giàu chất lượng cho hàng công, thu hẹp khoảng cách năng lực giữa chính thức và dự bị ở khu vực này mà thôi. Nó chưa mang lại cho Solskjaer một tập thể hoàn thiện mà ông mong đợi. Và điều đáng ngại là thời gian trên thị trường chuyển nhượng mùa hè 2020 cũng không còn bao lâu nữa. Thời hạn càng gần, quyết định mua sẽ càng thiếu tỉnh táo.

Đêm 19/9, Man United sẽ ra quân Premier League 2020/21 trên sân nhà trước Crystal Palace. Nhiều người nóng lòng muốn xem một diện mạo mới của Man United sẽ như thế nào. Nếu đó là một thắng lợi tưng bừng, có khi nó lại là khởi đầu có hại cho HLV Solskjaer và Man United nói chung.

Thà là bộc lộ ngay những khiếm khuyết từ lúc này, đặc biệt là ở hàng thủ, Ed Woodward và bộ sậu mới có thể nhận ra Solskjaer cần gì để có thể đáp ứng được kỳ vọng lớn mà họ đặt trên vai ông.

'Pogba đang bù đắp cho MU' Trước trận gặp Copenhagen tại Europa League ngày 11/8, HLV Ole Solskjaer cho biết Paul Pogba đang cố gắng thể hiện bản thân sau quãng thời gian lạc lối ở Manchester United.

Man United chi ít tiền đừng mơ vô địch

Những sự bổ sung nhỏ giọt trong kỳ chuyển nhượng mùa hè khó có thể giúp MU đua tranh với Liverpool, Man City hay thậm chí Chelsea tại Premier League.

Ferdinand thất vọng với kỳ chuyển nhượng của MU

Cựu hậu vệ tuyển Anh không hài lòng với sự chậm chạp của Man Utd trên thị trường chuyển nhượng, đặc biệt trong vụ chiêu mộ Jadon Sancho.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm