Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Màn trình diễn rắn hổ mang của chiến đấu cơ PAK FA T-50

Tại triển lãm hàng không MAKS 2013 tổ chức tại Nga, chiến đấu cơ PAK FA T-50 đã trình diễn động tác bay kinh điển rắn hổ mang Pugachev.

Rắn hổ mang Pugachev là động tác bay mà ở đó, máy bay có thể tạo được một góc dựng rất lớn so với phương di chuyển, sau đó trở lại trạng thái hành tiến trên không trong một khoảng thời gian ngắn.

Về lý thuyết, động tác này tạo ra một lợi thế lớn khi chiến đấu. Đó là máy bay có thể tạo ra một cú "phanh gấp" trên bầu trời. Trong các cuộc quần chiến trên không (dogfight), động tác này có thể chuyển phi công và máy bay từ trạng thái bị săn đuổi trở thành kẻ săn đuổi.

Động tác bay rắn hổ mang Pugachev.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, động tác này chỉ mang tính thao diễn. Trong lịch sử các cuộc không chiến, động tác này chưa được thực hiện. Dù sao, đây cũng là một động tác đẹp mắt và khó thực hiện bởi phụ thuộc vào kinh nghiệm của phi công lẫn thiết kế máy bay.

Động tác bay này được đặt theo tên Anh hùng Liên Xô, phi công lái máy bay thử nghiệm Viktor Pugachev, người đầu tiên thực hiện trên máy bay Su-27, tại triển lãm hàng không Le Bourget tổ chức tại Pháp, vào năm 1989.

Trên thực tế, động tác kiểu này đã được phi công người Mỹ thực hiện trên máy bay F-14. Tuy nhiên, người Mỹ chỉ điều khiển được cho máy bay ngửa ra ở góc hơn 90 độ, còn các phi công người Nga với tiêm kích dòng Su-27/30 thường xuyên đạt được góc ngửa hơn 110 độ.

Trong lần bay thao diễn lần này, việc PAK FA T-50 thực hiện được động tác bay rắn hổ mang Pugachev kinh điển thực sự gây ngạc nhiên bởi thiết kế bên ngoài của mẫu này khác hoàn toàn so với thiết kế của dòng máy bay Su-27/30. Điều đó chứng tỏ, động cơ điều khiển vector lực đẩy đa chiều trang bị cho PAK FA T-50 đã mang lại khả năng cơ động đáng kể cho máy bay.

Dưới đây là hình ảnh PAK FA T-50 thực hiện động tác bay rắn hổ mang Pugachev:

An Dương

Bạn có thể quan tâm