Màn sửa chữa nghẹt thở bên ngoài trạm vũ trụ quốc tế
Các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vừa phải liều mình đi bộ ra ngoài không gian nhằm sửa chữa hệ thống máy chuyển hóa điện từ các tấm pin mặt trời bị hư hại trong quá trình sử dụng.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, 2 trong số các phi hành gia có mặt trên ISS phải bước ra ngoài khoảng không vũ trụ nhằm sửa chữa hệ thống chuyển hóa điện năng bị hỏng. Theo đó, phi hành gia Sunita Williams người Mỹ và Akihiko Hoshide người Nhật Bản phải đối mặt với lượng lớn bức xạ cực tím.
Màn sửa chữa nghẹt thở bên ngoài khoảng không vũ trụ. |
Nhiệm vụ sửa chữa kéo dài tới hơn 6 tiếng đồng hồ, kết thúc lúc 17h34’ hôm qua giờ GMT (0h34’ sáng nay giờ Việt Nam). Thiết bị chuyển hóa điện năng của ISS đã được khôi phục và cung cấp điện năng từ 2 cánh pin mặt trời cho trạm vũ trụ. Trên thực tế, ISS có 8 tấm pin năng lượng mặt trời với 4 cụm chuyển hóa điện năng nặng 100kg. Đây là nguồn cung điện năng chính cho toàn bộ trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Việc khôi phục lại các nguồn phát cho ISS giúp các phi hành gia không phải ngắt những thiết bị không cần thiết. Việc sửa chữa hoàn tất giúp ISS có thể hoạt động với 100% công suất thiết kế. Ngay sau đó, 2 phi hành gia thực hiện nhiệm vụ đã trở về trạm vũ trụ mà không xảy ra bất kể sự cố lớn nào.
Đây không phải lần đầu tiên các phi hành gia phải liều mình đi bộ ra ngoài không gia để sửa chữa các chi tiết của ISS. Ngày 20/8, 2 phi hành gia người Nga là Gennady Padalka và Yury Malenchenko cũng phải bước ra ngoài khoảng không vũ trụ và làm việc trong gần 6 giờ để sửa chữa tấm chắn bảo vệ một phần ISS khỏi các thiên thạch siêu nhỏ. Họ cũng thay đổi vị trí một kính viễn vọng trên ISS để dọn đường cho phòng thí nghiệm mới của Nga được ráp nối vào cuối năm 2013.
Video: Màn sửa chữa nghẹt thở bên ngoài khoảng không vũ trụ. |
Hồng Duy
Theo Infonet