Ngày 26/4, tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bắt đầu bước đi cuối cùng của hành trình khám phá các vành đai Sao Thổ.
Tàu thăm dò không người lái Cassini, thành quả hợp tác giữa cơ quan hàng không Mỹ và Italy, được phóng lên vào ngày 15/10/1997 và đã tới quỹ đạo của Sao Thổ 13 năm trước, sau khi thực hiện hành trình qua Sao Kim và Sao Mộc.
Từ đó, Cassini đã bay quanh Sao Thổ để chụp ảnh bề mặt của nó, giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về khí quyển, từ quyển và các vệ tinh băng giá của hành tinh này.
Sau 13 năm quay quanh Sao Thổ, trải qua quãng đường 5,3 tỷ km vào sâu trong không gian, Cassini sắp cạn kiệt nhiên liệu và đi đến hồi kết. NASA đã chuẩn bị cho phi thuyền của họ một màn kết hoành tráng.
Màn trình diễn cuối cùng của Cassini
Ngày 26/4, tàu thăm dò của họ đã thực hiện thành công lần “ngụp lặn” vào khoảng không bí ẩn giữa các vành đai Sao Thổ. Trong vài tháng tới, Cassini sẽ bay qua khu vực chưa từng được biết tới này khoảng 22 lần.
Trên đường đi, nó sẽ thu thập những dữ liệu mới để trả lời những câu hỏi quan trọng về bên trong Sao Thổ, các cơn bão bí ẩn, tuổi của các vành đai và độ dài một ngày.
Đó là kết thúc vinh quang sau một hành trình dài. Cuối cùng, con tàu vũ trụ sẽ lao mình xuống Sao Thổ, nơi nó sẽ bị bốc hơi chỉ trong vài phút giữa bầu khí quyển khắc nghiệt của hành tinh này.
Tàu vũ trụ Cassini của NASA thăm dò mặt trăng Enceladus của Sao Thổ. Ảnh: NASA. |
“Chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua khu vực độc nhất mà chưa có tàu vũ trụ nào từng đi qua”, Thomas Zurbuchen của Ban điều hành Nhiệm vụ Khoa học phát biểu từ trụ sở của NASA ở Washington DC.
“Những điều đạt được từ quỹ đạo cuối cùng của Cassini sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về các hành tinh khổng lồ và các hệ hành tinh ở khắp nơi hình thành và tiến hóa như thế nào. Đây thực sự là một cuộc thám hiểm đến phút chót”, ông nói.
Trong quá khứ, các nhà thám hiểm không gian từng ngần ngại khám phá khu vực này của hệ thống Sao Thổ vì nó quá nguy hiểm.
Ở tốc độ di chuyển của Cassini, ngay cả một hạt bụi nhỏ cũng có thể làm hỏng thiết bị đo lường. Vùng hẹp giữa vành đai và Sao Thổ được cho là không có bụi nhưng giả thuyết này cũng có thể sai. Đây là điều mà các dụng cụ của Cassini sẽ kiểm chứng.
Trong lần “lặn” đầu tiên, Cassini đã sử dụng đĩa ăng-ten lớn của nó làm tấm khiên bảo vệ các thiết bị. Tỷ lệ thành công là 97% nhưng chỉ 3% rủi ro cũng khiến các nhà khoa học NASA bất an.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm thực hiện nhiệm vụ này ở bất cứ thời gian nào khác ngoài giai đoạn cuối của sứ mệnh”, Earl Maize, quản lý Dự án Cassini tại Phòng Thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) ở California, cho biết.
Chuyến đi lịch sử của nhân loại trên Sao Thổ
Tàu vũ trụ đã đến hệ thống Sao Thổ vào tháng 7 năm 2004 và thu thập dữ liệu trên hành tinh, vệ tinh và các vành đai của nó từ đó đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi cốt lõi về Sao Thổ chưa được giải đáp.
Ví dụ, các nhà khoa học tin rằng sâu bên dưới bầu khí quyển của hành tinh là một khối đá, tuy nhiên khối đá này lớn đến đâu vẫn còn là điều bí ẩn.
"764 Trái Đất có thể nhét vừa trong Sao Thổ", Linda Spilker, nhà khoa học thuộc Dự án Cassini tại JPL, cho biết. "Vậy hãy tưởng tượng một Trái Đất duy nhất với khối lượng gấp 764 lần đang nằm trên đó", Spilker nói.
Tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp lại hình ảnh Trái đất như là một chấm sáng giữa các vành đai băng giá của Sao Thổ
. Ảnh: NASA. |
Biết khối lượng của lõi sẽ giúp các nhà khoa học xác định được khối lượng của các vành đai Sao Thổ. Nhờ đó, họ có thể xác định tuổi đời của chúng.
“Nếu các vành đai lớn hơn dự đoán thì có thể chúng cũng già như Sao Thổ vì chúng có khối lượng đủ lớn để qua được sự bắn phá và xói mòn của các thiên thạch nhỏ. Mặt khác, nếu có khối lượng nhỏ hơn thì có thể chúng còn rất trẻ và chỉ mới được hình thành từ khoảng 100 triệu năm trước”, Spilker cho biết.
Các dữ liệu thu thập được trong màn kết này có thể giúp giải đáp các bí ẩn còn lại bao gồm các thành phần tạo nên khí quyển Sao Thổ, độ sâu bên dưới bề mặt hành tinh và tốc độ quay của vùng lõi.
Dữ liệu mới cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về dòng xoáy hình lục giác kỳ lạ ở cực bắc Sao Thổ.
Ngoài ra, Cassini cũng sẽ gửi về các hình ảnh có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay của Sao Thổ và các vành đai.
Mặc dù nhóm thực hiện nhiệm vụ Cassini đang háo hức chờ đợi màn trình diễn sắp tới của con tàu, một số thành viên bắt đầu cảm thấy tiếc nuối khi thời gian của họ trên Sao Thổ sắp kết thúc.
“Chúng ta, nhân loại, thông qua sứ mệnh này, đã ở trên Sao Thổ trong 13 năm. Đáng tiếc là sẽ không có sứ mệnh nào thay thế nó trong một thời gian dài sắp tới”, Maize cho biết. “Dù sao, đây cũng đã là một cuộc hành trình để đời”, ông xúc động nói.
Cassini sẽ hoàn thành sứ mệnh vào ngày 15/9. Điều này có nghĩa con tàu này còn thời gian 142 ngày kể từ khi bắt đầu “thả mình” xuống Sao Thổ cho đến khi bị đốt cháy hoàn toàn, chính thức khép lại sứ mệnh đầy tham vọng của con người ở một trong những góc bí ẩn nhất trong dải ngân hà.