Rạng sáng 15/2 (giờ Hà Nội), truyền thông Anh đồng loại đưa tin Man City chính thức bị Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cấm tham dự các giải đấu cấp câu lạc bộ tại lục địa già trong 2 mùa giải liên tiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không thể thi đấu tại Champions League hoặc Europa League ở 2 mùa 2020/21 và 2021/22, bất chấp vị trí trên bảng xếp hạng Premier League.
Bên cạnh đó, đội bóng này phải nộp số tiền phạt là 30 triệu euro. Nguyên nhân được đưa ra là Man City vi phạm luật công bằng tài chính.
Quả bóng Champions League hay Europa League sẽ không thể lăn trên thảm cỏ Eihad trong 2 mùa tới. Ảnh: Reuters. |
Luật công bằng tài chính là gì?
Tháng 9/2009, Financial Fair Play (FFP, luật công bằng tài chính) chính thức được thông qua với mục đích ngăn các câu lạc bộ chuyên nghiệp chi tiêu vượt mức họ có thể kiếm ra. Nói cách khác, FFP giúp tình trạng "dùng tiền để mua danh hiệu" không thể xảy ra. Việc chi tiêu nhiều cũng sẽ đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của đội bóng. Đến mùa giải 2011/12, FFP được áp dụng.
Mỗi năm, các đội bóng buộc phải công khai tài khoản ngân hàng cũng như sổ sách tài chính với UEFA. Ngoài ra, UEFA còn yêu cầu họ nêu rõ số tiền hoa hồng cho người đại diện.
Nếu một đội bóng thâm hụt 100 triệu euro ở mỗi kỳ thị trường chuyển nhượng, UEFA sẽ đặt họ vào tình trạng báo động. Khi tình trạng này liên tiếp xảy ra, đội bóng đó sẽ bị phạt tùy theo mức độ vi phạm. Các hình phạt là tài chính, cấm chuyển thượng hoặc cấm dự cúp châu Âu.
Ông Sheikh Mansour liên tục rót tiền vào Man City, bất chấp FFP. Ảnh: Getty Images. |
"Quá nửa các đội bóng đang chi tiêu quá nhiều và nó đang trở thành xu hướng. Chúng tôi cần ngăn chặn việc này lại. Họ tiêu nhiều tiền hơn số kiếm được và không trả được nợ. Một hội đồng mới sẽ được thành lập để đánh giá các đội bóng có vi phạm luật hay không", Michel Platini, cựu chủ tịch UEFA phát biểu về FFP.
Man City vi phạm như thế nào?
Tháng 11/2018, một tạp chí ở Đức có tên Der Spiegel đăng tải các email và tài liệu liên quan đến việc Man City vi phạm FFP. Đó đều là những bằng chứng rõ ràng bị hack bởi Rui Pinto, một người Bồ Đào Nha từng phạm 147 tội hình sự liên quan đến đánh cắp thông tin.
Theo đó, kể từ khi tiếp quản Man City vào năm 2008, ông Sheikh Mansour, thành viên hoàng gia Abu Dhabi, đổ không ít tiền của để biến đội bóng này thành một thế lực mới.
Theo chuyên trang Transfermarkt, ở 5 mùa giải gần nhất, Man City lỗ 667 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng, vượt xa các đối thủ tại Premier League như Man United (lỗ 538 triệu euro), Arsenal (lỗ 297 triệu euro) hay Liverpool (lỗ 119 triệu euro).
Kevin De Bruyne nhận mức lương hậu hĩnh 350.000 bảng/tuần tại Man City. Ảnh: Getty Images. |
Bên cạnh đó, Man City cũng thu hút các ngôi sao bằng việc trả lương cho họ thật hậu hĩnh. Theo báo cáo tài chính hồi tháng 11/2019, nửa xanh thành Manchester trở thành đội bóng có quỹ lương lớn thứ 3 thế giới với 315 triệu euro. Con số này cao gấp đôi mặt bằng chung tại Premier League.
Theo những email và tài liệu bị rò rỉ, số tiền mà nửa xanh thành Man City chi vào việc chuyển nhượng và trả lương cho cầu thủ chênh lệch quá nhiều so với những gì họ kiếm được. Phần lớn ngân sách hoạt động của đội bóng đến từ công ty riêng của ông Mansour cũng như các tập đoàn khác ở Abu Dhabi.
Tháng 3/2019, UEFA chính thức mở cuộc điều tra. Hai tháng sau, Man City phủ nhận mọi cáo buộc về việc vi phạm FFP. Họ cho rằng những cáo buộc đó là kết quả của sự ganh ghét, thù địch và điều tra không đúng quy trình dù những bằng chứng IC (cơ quan điều tra của UEFA) đưa ra đều rất rõ ràng. Thậm chí, Man City còn không thể trả lời những câu hỏi mà IC đặt ra.
Man City chưa bao giờ giấu giếm tham vọng giành chức vô địch Champions League và trở thành một đội bóng "có số có má" ở châu Âu. Điều đó thể hiện qua việc họ lỗ 180 triệu bảng, vượt mức cho phép 45 triệu bảng trong 2 mùa 2012/13 và 2013/14. Những con số này được IC đưa ra nhưng đều bị phía Man City phủ nhận. Không chỉ vậy, họ còn dọa sẽ thuê luật sư để kiện ngược lại UEFA.
De Buyne, Benjamin Mendy và Raheem Sterling đều là những bản hợp đồng bom tấn của Man City. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng cuối cùng, UEFA quyết định đưa ra các hình phạt dành cho Man City. Đội chủ sân Etihad không những vi phạm FFP mà còn có các hành vi lách luật và cư xử không đúng mực với cơ quan điều tra. Việc bị cấm tham dự các giải đấu tại châu Âu là cái giá quá đắt với đội bóng lắm tiền này.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ngay sau khi UEFA tuyên bố về các hình phạt, Man City cho biết họ sẽ gửi đơn lên Tòa án Trọng tài thể thao để kháng án. Họ không ngạc nhiên trước quyết định của UEFA và cho rằng đội bóng phải nhận những định kiến từ trước.
"Man City thất vọng nhưng không ngạc nhiên trước thông báo của UEFA. Câu lạc bộ sẽ tìm kiếm một cơ quan độc lập để xem xét, điều tra toàn diện và công bằng nhất có thể.
Đây là trường hợp do UEFA khởi xướng, điều tra và ra quyết định. Với quy trình đầy định kiến này, Man City sẽ chuẩn bị các thủ tục tố tụng sớm nhất để gửi lên Tòa án Trọng tài thể thao sớm nhất", trích thông báo trên trang chủ Man City.
Nếu không giành chức vô địch Champions League vào mùa giải này, Man City phải đợi thêm 2 năm. Ảnh: Getty Images. |
Man City thể hiện sự quyết liệt nhưng nhiều nguồn tin của nước Anh như Guardian, Sky Sports... đánh giá rằng việc kháng án có tỷ lệ thành công không cao.
Bên cạnh đó, việc Man City không thể góp mặt tại Champions League mùa giải tới sẽ mở ra cơ hội cho các đội ngoài top 4. Hiện tại, những ứng viên có khả năng thay thế "The Citizens" tranh tài ở giải đấu danh giá nhất châu Âu là Sheffield United (thứ 5 - 39 điểm), Tottenham (thứ 6 - 37 điểm)...
Ngoài ra, nhiều cổ động viên tin rằng sẽ có một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi Etihad của HLV Pep Guardiola và những ngôi sao đình đám.