Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia lo sợ 2.000 người tị nạn ở thánh đường tâm dịch vẫn mất tích

Chính quyền Malaysia gặp nhiều thách thức trong nỗ lực truy dấu khoảng 2.000 người Rohingya trong số 16.000 người tham dự lễ Hồi giáo ở thánh đường nay đã thành "tâm dịch" cả nước.

Giới chức Malaysia đang truy tìm thông tin của khoảng 2.000 người đàn ông Rohingya từng tham dự lễ Hồi giáo ở thánh đường Sri Petaling. Lễ cầu nguyện từ 27/2 - 1/3 ở thánh đường đã khởi đầu một đợt bùng phát lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) ở Malaysia, lan ra cả Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nhiều nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters nỗ lực tìm kiếm của chính phủ đang đối diện nhiều thách thức. Hiện có hơn 100.000 người Rohingya sống ở Malaysia, bị xem là những người nhập cư bất hợp pháp sau khi đã chạy trốn khỏi Myanmar.

Họ đến từ Myanmar, nhưng phần lớn là người nhập cư trái phép. Thân phận ngoài pháp luật sẽ khiến nhiều người Rohingya từng có mặt ở Sri Petaling không trình diện, khai báo sức khỏe với cơ quan chức năng hay xét nghiệm, thậm chí dù họ có xuất hiện triệu chứng bệnh.

Cuộc tìm kiếm người Rohingya có mặt ở tâm dịch Malaysia phần nào thể hiện thách thức mà chính phủ các nước đối mặt khi nỗ lực rà soát người nhiễm, đặc biệt trong các cộng đồng dân cư không có giấy tờ và e dè chính quyền.

nguoi ti nan o thanh duong tam dich anh 1

Bên trong một buổi lễ cầu nguyện tại thánh đường Sri Petaling. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát điều tra hình sự vào cuộc

Theo xác nhận của một nguồn tin, lễ Hồi giáo tại Sri Pelating, diễn ra ở ngoại ô Kuala Lumpur, có khoảng 16.000 người tham dự. Trong số này, khoảng 2.000 người được xác định là người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar.

Ngoài người Rohingya, lễ cầu nguyện kéo dài 4 ngày còn có sự tham gia của gần 1.500 tín đồ Hồi giáo từ khắp châu Á. Tính đến ngày 19/3, các nước Đông Nam Á đã phát hiện gần 600 ca bệnh Covid-19, do virus SARS-CoV-2 gây nên, có liên hệ với thánh đường này. Riêng với Malaysia, trong 790 ca nhiễm trên toàn quốc thì đến 513 ca có liên hệ với Sri Pelating.

Giới chức Malaysia đã ráo riết truy tìm thông tin và liên lạc với các thành viên lễ cầu nguyện. Còn khoảng 4.000 người chưa thể xác định tung tích. Đã có một tín đồ từng đến Sri Petaling tử vong và xét nghiệm dương tính với virus corona.

"Họ đã trở về với gia đình ở những địa phương khác ở Malaysia. Việc liên lạc họ rất khó. Nhiều người sợ thừa nhận đã đến dự lễ cầu nguyện. Họ không muốn gặp rắc rối với chính quyền", một nguồn tin, làm việc với cộng đồng người tị nạn Myanmar, cho biết.

Trong khi đó, chính phủ Malaysia lo sợ việc những tín đồ Hồi giáo người Rohingya giấu thân phận, không trình báo sức khỏe sẽ khiến dịch bệnh ngày một lan rộng.

Một nguồn tin an ninh tiết lộ chính phủ đã nhờ cơ quan cảnh sát điều tra hình sự tìm kiếm những tín đồ đang mất tích. Đến ngày 19/3, cảnh sát Malaysia vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này.

Một số nhóm bảo vệ quyền lợi người Rohingya lại cho biết "có vài trăm" người thuộc sắc tộc này tham dự buổi lễ Hồi giáo. Con số 2.000 người có thể bao gồm một số cộng đồng tị nạn khác, trong đó có người theo Hồi giáo đến từ Myanmar.

"Chúng tôi đang nâng cao nhận thức và khuyến cáo người Rohingya đi xét nghiệm", Bo Min Naing, Chủ tịch Hội Rohingya ở Malaysia, nói có khoảng 400-600 người đồng hương của ông đến Sri Petaling.

Ông nói đã chủ động tuyên truyền về virus corona cho cộng đồng Rohingya thời gian qua, kêu gọi những ai từng tham dự lễ cầu nguyện tại Kuala Lumpur nên trình diện và xét nghiệm.

nguoi ti nan o thanh duong tam dich anh 2

Cảnh sát kiểm tra thông tin người dân tại một chốt chặn giao thông ở Kuala Lumpur sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 18/3. Ảnh: Reuters.

Đưa người tị nạn vào chiến lược chống dịch

Malaysia ban bố Lệnh Hạn chế Di chuyển và đặt cả nước dưới tình trạng phong tỏa kể từng ngày 18/3 sau khi số ca bệnh Covid-19 liên quan đến Sri Pelating tăng đột biến. Biên giới đóng cửa. Nơi kinh doanh không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động. Người dân không ra khỏi nhà trừ công việc thật sự cần kíp (công vụ, y tế, thực phẩm ...).

Thông thường, tín đồ dự lễ cầu nguyện dành phần lớn thời gian ở trong thánh đường Sri Petaling, chen chúc trong cảnh người đông nghịt. Tuy nhiên, phỏng vấn từ các nhân chứng và đăng tải trên mạng xã hội cho thấy vẫn có tín đồ ra khỏi thánh đường, tham quan trung tâm mua sắm, tòa tháp đôi Petronas và đến nhà hàng ăn uống.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) ở Malaysia cho biết họ cũng nghe thông tin có người tị nạn và người xin tị nạn hợp pháp có mặt tại buổi lễ. Cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế Malaysia để đảm bảo tất cả người tị nạn và cộng đồng người xin tị nạn hợp pháp nằm trong các biện pháp ứng phó dịch bệnh của chính phủ.

"Người tị nạn và người xin tị nạn hợp pháp được khuyến cáo liên hệ chăm sóc y tế nếu họ xuất hiện triệu chứng bệnh Covid-19, bất kể họ có hiện diện ở những sự kiện như lễ tôn giáo được mọi người nhắc đến", UNHCR Malaysia cho biết.

"Như các bạn có thể thấy, với tình trạng hệ thống chăm sóc y tế bị căng kéo nguồn lực như hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ xác nhận nào về người tị nạn hay người xin tị nạn hợp pháp nhiễm bệnh hoặc đã được xét nghiệm", UNHCR Malaysia cho biết.

Một người đàn ông Rohingya, 39 tuổi, giấu tên, sống tại bang Penang, tiết lộ anh đã có mặt tại thánh đường Sri Petaling trong nhiều ngày. Anh đi cùng hơn 20 người bạn cùng cộng đồng. Đến nay, chưa ai trong số họ xuất hiện triệu chứng. Cá nhân anh đã đến bệnh viện khám sức khỏe nhưng không cần xét nghiệm.

"Mọi thứ đều ổn. Tôi không sốt hay gặp bất kỳ vấn đề gì", người đàn ông làm nghề xây dựng, có 4 người con, chia sẻ.

Salman, gốc Bangladesh, một thợ xây sống gần thánh đường Sri Petaling, cũng tiết lộ ông và nhiều người đồng hương đã có mặt tại thánh đường vào những ngày lây nhiễm xảy ra. Ông xét nghiệm âm tính với virus corona rồi được cho về nhà. Bệnh viện vẫn gọi điện thường xuyên để kiểm tra xem ông có xuất hiện triệu chứng mới.

"Khi tôi đến xét nghiệm, họ không yêu cầu trình hộ chiếu, giấy phép lao động hay bất kỳ giấy tờ nào khác. Họ chỉ hỏi tên, tuổi và địa chỉ", Salman chia sẻ.

Mexico sản xuất lớp cách ly cho bệnh nhân bị lây nhiễm Covid-19 Các kỹ sư Mexico nghiên cứu và chế tạo ra lớp vỏ bọc sử dụng để di chuyển bệnh nhân, nhằm tránh lây nhiễm cho các nhân viên y tế.

Malaysia phong tỏa - hỗn loạn, lo âu hay là lúc thử hẹn hò trực tuyến?

Malaysia ra lệnh phong tỏa toàn quốc, sẵn sàng phạt tù bất kỳ ai vi phạm các quy định cấm ra khỏi nhà để ngăn chặn dịch virus corona lan rộng. Dù vậy, người dân vẫn lạc quan.

Ca nhiễm tại Malaysia tăng lên 900, Thái Lan ghi nhận kỷ lục ngày

Malaysia báo cáo 110 ca nhiễm mới hôm 19/3, một ngày sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực. Thái Lan cũng có thêm 60 ca nhiễm mới, kỷ lục ngày tại nước này.

Đông Nam Á chạy đua chống dịch sau 'quả bom' lây nhiễm ở Malaysia

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang phải nhanh chóng áp đặt các biện pháp mạnh sau khi xem nhẹ những tác động của virus corona.

Bạn có thể quan tâm