Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đang cân nhắc tất cả lựa chọn đối với Hãng hàng không Malaysia Airlines, trong đó có cả khả năng đóng cửa.
Malaysia Airlines đã nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh sau hai thảm họa hàng không năm 2014.
Tương lai u ám sau hai thảm họa hàng không
Chuyến bay MH370 chở 239 người (bao gồm cả phi hành đoàn) đã biến mất ở Ấn Độ Dương vào ngày 8/3/2014 và trở thành vụ việc bí ẩn nhất của ngành hàng không dân dụng hiện đại.
Tiếp theo đó, vào ngày 17/7 cùng năm, chiếc máy bay mang số hiệu MH17 cũng của hãng này bị bắn hạ ở không phận miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 283 người cùng 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
|
Malaysia Airlines đối diện nguy cơ đóng cửa. |
Mất mát từ thảm kịch MH17 đã tiếp tục kéo giá cổ phiếu của Malaysia Airlines trên sàn chứng khoán xuống thấp hơn nữa, giảm 18% trong chốt phiên giao dịch ngày 18/7/2014. Và tính riêng từ đầu năm 2014 tới thời điểm đó, cổ phiếu của Malaysia Airlines đã bị mất giá tới 35%.
Thực tế, từ trước khi xảy ra vụ chuyến bay MH 370 mất tích hôm 8/3/2014, hãng hàng không này đã công bố năm thứ ba liên tiếp thua lỗ với tổng thiệt hại 1,3 tỷ USD. Khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 vẫn chưa được tìm thấy, khách hàng đã quay lưng lại với Malaysia Airlines sau khi chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine.
Trong nỗ lực giúp Malaysia Airlines vượt qua khủng hoảng, quỹ đầu tư nhà nước Khazanah Nasional Bhd - sở hữu 69% cổ phần trong hãng hàng không Malaysia Airlines, đã thâu tóm hoàn toàn doanh nghiệp này và đầu tư thêm 6 tỷ ringgit (1,5 tỷ USD) vào hãng bay.
Tuy nhiên, 5 năm sau thảm họa, hãng hàng không này vẫn chật vật hồi phục trong lúc cố gắng đem về lợi nhuận. Báo cáo tài chính của Khazanah Nasional Bhd năm 2018 cho thấy quỹ này bị lỗ hơn 6,27 tỷ ringgit (hơn 1,5 tỷ USD), trong đó một nửa là do Malaysia Airlines.
Chính phủ sẽ quyết định tương lai của Malaysia Airlines
Người đứng đầu chính phủ Malaysia tuần qua đã nói với báo giới rằng ông đang nghiên cứu phương án tối ưu nhất dành cho hãng hàng không Malaysia Airlines, bao gồm tái cấp vốn, bán đứt hoặc đóng cửa hoàn toàn.
“Việc đóng cửa hãng hàng không quốc gia là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ do Chính phủ quyết định. Chúng tôi phải quyết định sớm”, Bloomberg dẫn lời ông Mahathir cho biết.
Những cân nhắc của chính phủ Thủ tướng Mahathir được đưa ra trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu đang bị rúng động bởi vụ tai nạn ở Ethiopia ngày 10/3 khiến 157 người thiệt mạng. Chiếc máy bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh.
|
Malaysia lao đao vì thảm họa hàng không năm 2014. |
Mặc dù Malaysia Airlines hiện chưa có máy bay Boeing 737 Max nào trong phi đội bay của mình, nhưng họ dự kiến sẽ nhận được giao hàng các máy bay này vào năm 2020.
Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Mohamed Azmin Ali nói rằng, quỹ đầu tư nhà nước Khazanah Nasional BHD cần phải xem xét lại thỏa thuận mua 50 máy bay 737 Max (trị giá 5,5 tỷ USD) với Boeing năm 2016 của hãng hàng không quốc gia Malaysia sau thảm họa xảy ra tại Ethiopia cuối tuần trước.
Theo ông Azmin Ali, vấn đề nói trên rất cấp bách và cần được Khazanah Nasional Bhd xem xét nhằm đảm bảo an toàn cho các khách hàng của hãng hàng không này. Vị bộ trưởng nhấn mạnh thêm rằng, chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ cuộc điều tra về các tai nạn máy bay Boeing 737 Max.
“Các kịch bản được vạch ra cho hãng hàng không Malaysia Airlines đang được thảo luận tại nhiều cuộc họp, bao gồm lãnh đạo của hãng hàng không và quỹ Khazanah Nasional Bhd”, ông Azmin Ali nói với các phóng viên ngày 12/3.
Ông cũng nói rằng hãng có thể khám phá các thị trường mới từ Indonesia và Thái Lan để hỗ trợ chiến lược phục hồi.