Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng qua, xuất khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng dương trừ mực và bạch tuộc. Nhiều thị trường có dấu hiệu tăng trưởng tốt, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào dịp cuối năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn gặp không ít khó khăn.
Nhiều chuyên gia cho rằng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường lớn vẫn gặp không ít khó khăn. Ảnh: Phương Diệp. |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, đánh giá có thể trong 3 tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ chững lại do mới đây Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá tôm cuối cùng trong đợt xem xét hành chính POR10 khá cao, gấp 5 lần so với mức thuế sơ bộ. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp xuất khẩu và phía khách hàng.
Với cá tra, ông Hòe cho rằng rào cản thuế chống bán phá giá cao và tâm lý lo ngại về chương trình thanh tra cá da trơn vẫn đè nặng lên các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Tại thị trường châu Âu (EU), tiêu thụ cá tra vẫn tăng trưởng khá chậm và đang phải cạnh tranh gay gắt với một số sản phẩm cá thịt trắng, như cá Alaska Pollock tại các thị trường chính Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Đức…
Tại Hội thảo “Yêu cầu chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu” mới đây, TS Siegfried Bank, chuyên gia Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên (EU-MUTRAP) khuyên các doanh nghiệp Việt muốn vào EU ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc như GlobalGAP, ASC (nhãn của người tiêu dùng), MSC (thân thiện với đại dương), BRC (an toàn thực phẩm)… nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn)…
“Ngoài ra các doanh nghiệp Việt cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm vào thị trường này, không vì chạy theo số lượng mà ảnh hưởng tới chất lượng”, TS Siegfried Bank nhấn mạnh.
Cách đây không lâu, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết cơ quan thẩm quyền EU đã quy định đưa các doanh nghiệp Việt Nam có lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm ra khỏi danh sách được phép xuất khẩu vào thị trường này.
Giới chức Hàn Quốc cũng đã thông báo kế hoạch kiểm tra tăng cường các chỉ tiêu nhóm Nitrofurans đối với các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Điều đó cho thấy ngoài các lưu ý từ chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp Việt nếu không kiểm soát chặt chẽ vấn đề trên sẽ gặp khó trong việc xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.