Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Mặc niệm cho…"quân ta"

(Blog BLV Anh Ngọc) - Viết trong thời gian ngồi thở, giữa 2 việc rửa bát, và quét nhà…

(nhân ngày của "quân địch")

Mặc niệm cho…"quân ta"

(Blog BLV Anh Ngọc) - Viết trong thời gian ngồi thở, giữa 2 việc rửa bát, và quét nhà…

Rốt cục cái ngày ấy cũng đã đến, ngày của phụ nữ (chứ không phải “ngày phụ nữ”- hai cái này khác nhau nhiều lắm nha), ngày của những nỗi thống khổ tưởng như không bao giờ chấm dứt trong suốt cuộc đời chúng ta dồn lại trong 24 giờ, và khi tôi viết những dòng này, đã được rút ngắn xuống chỉ còn mười-mấy-giờ (ơn Trời, nhưng vẫn trách Trời là tại sao lại sắp lịch để cái ngày ấy rơi đúng vào hôm nay, không cho anh em chúng ta được nghỉ ngơi sau 2 đêm mệt mỏi vì vừa xem vừa cá độ Champions League?).

Mặc niệm cho…`quân ta`

Vừa mới 14/2 xong, đã lại 8/3 và 20/10 đến nhanh lắm. Thấy tội nghiệp cái thân mình. Đấy, nhìn xem thế giới người ta có kỉ niệm chi đâu, mà ở nước mình, cái gì cũng hoắng hết cả lên, đau hết cả đầu, nỗi lo này chưa qua, nỗi lo kia lại ập đến như cơn lốc làm tê tái cả đời ta!

Bỗng nhiên thấy tủi thân, chợt ước mình sao sinh ra không là họ, để suốt ngày được hôn hít, tặng hoa (và vô số thứ khác), được vỗ về, bế bồng như đứa trẻ (bạn đã phải bế một cô nào nặng trên 50 cân leo lên hoặc xuống cầu thang chưa?) và để mỗi ngày thời tiết thay đổi vài lần theo màu quần áo, màu tóc hay kiểu son môi. Không tủi thân sao được khi ta hầu như là thiểu số (cứ nhìn số quần đùi nhọn phơi ngoài hiên với số quần đùi rách rưới và ít ỏi đứng khép nép ở đó là đủ hiểu), ta to xác mà nông nổi, ta nhẹ dạ và điên rồ. Nhà văn hài hước Aziz Nesin, người hiểu về sự khốn khổ của cánh đàn ông nhất và cũng là người hiểu phụ nữ nhất, đã viết trong cuốn “Những người thích đùa”: “Thế rốt cục, cuộc đời là cái quái gì nhỉ?”. Sau này mới biết, ông viết câu ấy sau một ngày 8/3 khốn khổ khốn nạn với chuyện muối mắm dưa cà! Nếu ông còn sống, hãy kết nạp ông vào hội của chúng ta!

Sự bất trắc và phức tạp của cuộc sống không phải là bản tính của chúng ta, mà là của họ. Nếu Eva không cho Adam ăn trái cấm (đồ lừa đảo), nếu bà Rosa Luxemburg không nghĩ ra cái ngày này, nếu Chúa trời thương tình tặng cho chúng ta một ngày cụ thể cho đàn ông trong năm cho nó bình đẳng với nữ giới trong khi một điều vô lý là các ngày khác không quan trọng tí nào, như ngày cúm gà, cũng được kỷ niệm (sic), thì chúng ta không đến nỗi khổ sở như thế này. Tại sao lại khổ sở? Là tại vì ngày hôm nay chúng ta vừa phải trổ hết công lực để đi chợ buổi sáng, tay xách nách mang đủ mọi thứ rau củ thịt thà mua ở chợ mà chúng ta cũng không biết phân biệt loại rau này với rau kia thế nào, mặc cả cũng không biết nốt (đàn ông mà lại đi làm cái trò đàn bà ấy…), mang về băm chặt xào nấu đủ cả để rồi bị phê bình lên xuống là không biết làm thế nào cho dễ nuốt (nhưng ta lại không dám mở mồm chê các vị ấy một chút nào dù có khi hôm nào ăn cũng không ngon). Là vì chưa bao giờ ta phải xách xuống cầu thang nhiều rác (đi thành mấy lần) như thế, là vì ta phải quét nhà, phải giặt và phơi đủ thứ quần áo và làm trăm thứ việc bà rằn không tên khác trong lúc ta đã mệt mỏi với biết bao công việc (và thú vui) khác ngoài cuộc sống rồi.

Và rồi sáng hôm sau, ta đi làm, cố gắng nở nụ cười với các đồng nghiệp nhưng đôi môi thì đã thâm sì vì lạnh và mệt, mắt đen quầng vì 2 giờ đêm còn chưa được ngủ, ra sức tập trung vào công việc nhưng đầu óc vẫn còn để trong những mớ rau, cân thịt và chồng bát chưa kịp rửa cũng như những băn khoăn không dứt về việc ta có bị quở mắng vì rửa bát vẫn còn dính xà phòng, nhà quét còn bụi, cơm nấu hơi khô thay vì băn khoăn cho việc nước. Ta gắng gượng sống sót qua ngày vì tấm thân đau như dần, nhưng đến tối về lại làm cho Oshin cho quân địch một lần nữa trong khi đã khổ sở biết bao ở chốn quan trường đầy gian nan, vất vả, đố kị chuyện áo cơm! Biết bao nhiêu là nỗi thống khổ trút lên hết mình chúng ta trong ngần ấy thời gian ngắn ngủi, biết bao nhiêu là mệt mỏi, khắc khoải, băn khoăn, day dứt về thể xác và tâm hồn khi chúng ta bị chà đạp, biết bao nhiêu là cô đơn khi phải…cọ nhà vệ sinh và phơi quần áo một mình (mà toàn là quần áo của họ)! Than ôi…

(tặng anh em một bài thơ được lén lút sưu tầm khi quân địch còn đang ngủ. Còn bây giờ, tớ quay lại rửa bát và quét nhà đây, hic)

Nhớ ....

Nhìn những vẻ ngậm ngùi trong ánh mắt,

Của đoàn người chen lấn đứng mua hoa,

Thương cánh đàn ông trong đó có cả ta

Đang xớn xác chọn mua quà "kính biếu".

Trong phút chốc "mạnh" bỗng thành ra "yếu"

Chỉ biết phục tùng mà không hiểu tại sao

Chẳng phân biệt sang hèn sướng khổ thấp cao,

Đều hỉ hả lao vào cơn vấn nạn.

Như những con suối khô oằn mình trong mùa cạn,

Chưa hết tháng 10 nhoằng cái tới tháng 3,

Nỗi khổ này thượng đế mới sinh ra

Chắc để thử chúng ta, ôi phái mạnh!!!

Ta sống mãi trong niềm kiêu hãnh,

Của ngàn năm lịch sử đứng sau lưng,

Nơi phái mạnh ta thủa ấy chưa từng:

Dọn dẹp, thổi cơm, quét nhà, đong gạo.

Nào đâu sáng thanh bình bên tờ báo,

Nhâm nhi trà ta dạo chút tin nhanh.

Đâu những đêm gió mát trăng lành,

Ta tiên tửu để dành cho họ dọn.

Đâu những trận cầu khuya ta thức trọn,

Tụ tập anh em ta cổ vũ hét hò,

Đâu những hôm ta oai vệ ra trò,

Chỉ đạo chống tay hô quét này dọn nọ,

Để đến giờ đây một mình ta lọ mọ,

Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu...?!?

Mong ngày xưa trở lại chắc còn lâu,

Và mãi mãi chẳng thể nào thay đổi,

Khi phái yếu họ đã thành một khối

Cũng lập ra hiệp hội, cũng liên đoàn,

Họ lập ra ngày kỉ niệm liên hoàn

Hòng bắt những anh hùng phải lao tâm khổ tứ.

Họ quên hết rằng phái ta trong quá khứ

Họ luôn phải yêu chiều thách kẹo dám ra oai

Hỡi Adam ngài có biết chăng ngài?

Khi quân tử bị chân dài khuất phục,

Khi dọn dẹp phải cười như hạnh phúc,

Khi vinh quang là lục cục chảo niêu,

Hỡi tháng 3 ngày 8 đáng yêu...

BLV Anh Ngọc

Bạn có thể quan tâm