Sở GTVT Hà Nội đã ra quyết định không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nào bán bánh trung thu trên các tuyến phố chính do đơn vị này quản lý trong mùa trung thu năm nay. Sở Công Thương cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, không chấp thuận việc trưng bày và bán bánh trên vỉa hè, để đảm bảo an toàn giao thông và sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Nhưng thời điểm này, trên một số tuyến phố như Trần Đại Nghĩa, Kim Giang, Mễ Trì, Kim Mã,... các hàng bánh vẫn đua nhau mọc lên. Phần lớn các gian hàng được dựng dưới khu vực thuộc phần đất của toà nhà hoặc khu đất trống bỏ hoang. Tuy nhiên, vẫn có đơn vị chiếm một phần vỉa hè dành cho người đi bộ, để kinh doanh bánh trung thu.
Nhiều chủ gian hàng chia sẻ, họ chưa biết về thông tin không được dựng hàng bán bánh ở vỉa hè. Ảnh: Ngọc Lan. |
Một gian hàng bán bánh trung thu ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) vẫn chiếm một phần vỉa hè để dựng ki-ốt. Quản lý gian hàng này cho biết, họ không hề biết thông tin cấm bán bánh trung thu ở vỉa hè của ngành chức năng. Chị cũng khẳng định, việc dựng hàng đã được sự cho phép của UBND phường.
"Chúng tôi đã làm thủ tục xin cấp phép bán bánh trung thu tại địa điểm này và hoạt động được 2 tuần nay. Chi phí đầu tư ban đầu lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu thời điểm này ngành chức năng mới đưa thông tin không cấp phép cho doanh nghiệp bán bánh trung thu vỉa hè là quá muộn, chúng tôi phải chịu thiệt thòi, vì không thể xoay sở kịp", chị chia sẻ.
Cũng không rõ về thông tin trên, chị Lan, quản lý một ki-ốt bán bánh trung ở Phạm Hùng cho biết, chị đã bán được gần 1 tuần nay. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, gian hàng sẽ duy trì bán đến hết trung thu. Hiện tại, khách mua chưa đông nên cửa hàng chỉ cung ứng những sản phẩm giá bình dân và bán buôn. Các dòng cao cấp sẽ được tung ra vào thời điểm cận kề rằm tháng 7.
Năm nay, TP Hà Nội không cấp phép cho các đơn vị kinh doanh bán bánh trung thu trên vỉa hè khiến giá thuê mặt bằng thuộc phần đất của các toà nhà, trung tâm thương mại, nhà dân trở nên đắt đỏ. Theo anh Hưng, chủ đầu tư gian hàng bánh trung thu tại một toà nhà đầu đương Lê Văn Lương, giá thuê năm nay tăng vọt. Anh đang thuê một gian hàng 30 m2 với giá 30 triệu đồng. Trong khi đó, cùng diện tích và vị trí, năm trước chỉ 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, khẳng định, năm nay, Sở không cấp phép bất cứ trường hợp nào bán bánh trung thu trên vỉa hè. Ông cho rằng: “Hè phố phải dành cho người đi bộ chứ không được buôn bán, kinh doanh kiếm lời. Còn đã buôn bán, thì phải có cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở giao dịch để cơ quan chức năng quản lý”.
Ông Tân cũng yêu cầu Thanh tra Sở GTVT, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện bất cứ giấy phép nào cho bán bánh trung thu trên vỉa hè thì phải xem rõ ai ký, để xử lý trách nhiệm.
“Những trường hợp không có giấy phép vẫn bán thì đương nhiên phải xử lý. Còn những ki ốt, trong quá trình kiểm tra mà họ có giấy phép do quận, huyện cấp thì phải xác nhận rõ địa chỉ, tập hợp báo cáo thành phố cho phép giải tỏa”, ông nêu rõ quan điểm.
Theo khảo sát, giá bán bánh trung thu năm nay tăng nhẹ 2-5% so với năm trước. Theo đó, các loại bánh nướng, bánh dẻo dao động 40.000-80.000 đồng được mua đông. Mặt hàng cao cấp có giá 2-3 triệu đồng cũng bắt đầu được tung ra.
Theo một chủ hàng trên đường Trung Kính, loại bánh vị phổ biến như đậu xanh lá dứa, vị sữa dừa hạt dưa, đậu đỏ kiểu Nhật (2 trứng, 250 gr) có giá dao động 84.000-85.000 đồng được khách đặc biệt ưa chuộng. Ngoài ra, những vị cao cấp như vi cá hải sản, gà quay sốt, nấm đông cô sốt rượu (2 trứng, 210 gr), giá khoảng 102.000-120.000 đồng thường được chọn để làm quà biếu.