Tại thời điểm này, không khó để tìm kiếm video dạy tiếng Anh trên YouTube nói riêng cũng như trên mạng nói chung. Đặc biệt, trong số đó, rất nhiều video do các giáo viên người Việt làm.
Ma trận video tiếng Anh online
Khi truy cập vào YouTube với từ khoá tìm kiếm “tiếng Anh”, người dùng có thể tìm thấy hàng nghìn lượt kết quả. Trong đó, đa phần là bài giảng của giáo viên người Việt với thời lượng dưới 5 phút.
Video hướng dẫn kỹ năng đọc hay ngữ pháp cũng xuất hiện trên YouTube nhưng không được nhiều người quan tâm. Trong khi đó, kỹ năng phát âm được khá nhiều người tìm kiếm và học trực tuyến. Thực tế, đây cũng là điểm yếu nhất của người Việt khi học tiếng Anh.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến những cái tên như Ms.Hoa Toeic, Elight và Dan Heuer. Những video của các kênh này thường có lượt truy cập lớn, khoảng vài trăm nghìn lượt xem cho mỗi video.
Thông thường, các kênh làm video hướng đến mục đích thương mại. Các sản phẩm này nằm trong chiến dịch marketing để thu hút học viên và quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều các kênh học tiếng Anh cũng khiến người học bị lạc giữa ma trận. Không biết lựa chọn kênh nào, hệ thống nào để học.
Hoàng Sơn, sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền cho biết “thực sự học tiếng Anh trên mạng qua video rất tiện. Tuy nhiên, có quá nhiều kênh với nhiều kiến thức đúng sai khác nhau khiến cho những bạn mất gốc bị loạn”.
Chất lượng nhập nhằng, người học hoang mang
Thực tế, video dạy tiếng Anh của người Việt đã xuất hiện nhiều trong 2 đến 3 năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ đến khi thầy Dan Heuer chỉ ra những lỗi sai lớn trong các sản phẩm này, mọi người mới “tá hoả” xem lại chất lượng của những video này.
Thầy Dan Heuer chỉ ra một số lỗi cơ bản về việc phát âm trên những video của một số kênh video dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm từ các trung tâm tiếng Anh này mắc những lỗi như sai trọng âm, nhầm hoặc thiếu âm cuối.
Trong tiếng Anh âm cuối, trọng âm rất quan trọng. Nó giúp người đối diện biết và phân biệt chính xác từ mà chúng ta muốn nói.
Trên thực tế, đây là những lỗi sai thường gặp của người Việt Nam. Tuy nhiên, đối với những thầy cô giáo dạy ngoại ngữ thì lỗi này rất cơ bản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những học viên đang theo học.
Huyền Trang, sinh viên đại học Lao động và xã hội cho biết “mình đang học theo những video trên YouTube của một kênh lớn. Mình cảm thấy hoang mang khi thầy Dan chỉ ra nhiều lỗi sai cơ bản của kênh như vậy. Không biết là những kiến thức mình thu nạp được có đúng không”.
Cô Lưu Thuỳ Hương, nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục tại Anh, giảng viên đại học Ngoại thương cho biết “Để một người tự tin nói tiếng Anh đã là điều tốt và đáng quý. Tuy nhiên, với tư cách là người dạy, những lỗi sai trên không nên có”.
Ngoài ra, cô cũng nói thêm rằng trên những video dạy tiếng Anh online, không có một quy chuẩn nào được đặt ra. Nhiều khi vì chưa có chuyên môn sâu nên chính người tạo ra video cũng không biết mình sai.
Chị Lê Diệu Hương, trung tâm tiếng Anh MsD, đồng quan điểm: “hầu hết trung tâm đều hướng tới việc làm video học online để tiếp cận học viên. Tuy nhiên, chất lượng của các video chưa cao và còn có nhiều lỗi. Nếu để học phát âm sai, sẽ rất khó để sửa”.
Giải pháp nào?
Việc video dạy tiếng Anh trực tuyến do các trung tâm tiếng Anh sản xuất không đạt chất lượng khiến nhiều người học hoang mang, không biết nên chọn nguồn học liệu nào. Tuy nhiên, trên YouTube nói riêng và Internet nói chung vẫn còn nhiều địa chỉ có thể tin tưởng được.
Người học nên lựa chọn những kênh dạy tiếng Anh online nổi tiếng trên thế giới, do người bản ngữ trực tiếp hướng dẫn. Nếu điều kiện cho phép, nên đăng ký các khoá học với người nước ngoài hoặc tìm một số giáo viên có trình độ tốt.
Học tiếng Anh với người nước ngoài là một giải pháp tốt cho việc rèn phát âm. Ảnh: QQenglish. |
Hiện tại, ở Việt Nam có một số trung tâm tiếng Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng có mức học phí khá cao so với mặt bằng chung.
"Người dạy trên mạng cần kiểm tra lại chất lượng và độ chuẩn xác của các nội dung mình chia sẻ trước khi phát tán rộng rãi. Tránh tình trạng ai cũng có thể làm video dạy ngoại ngữ cũng như tự nhận là thầy cô rồi truyền tải những kiến thức sai đến người học”, cô Lưu Thuỳ Hương chia sẻ.
Anh Nguyễn Duy Tuấn, quản lý của một trung tâm tiếng Anh có hơn 2.000 giáo viên, cho rằng cần có những quy định cao hơn về bằng cấp của giáo viên tiếng Anh nói riêng và việc mở trung tâm ngoại ngữ nói chung. Thông thường, trên thế giới, thầy cô phải đạt chứng chỉ TESOL để giảng dạy. Đây cũng là một quy định mà Việt Nam nên áp dụng".