Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ma trận mỹ phẩm, khăn giấy ướt

Sức khỏe người tiêu dùng đang bị đe dọa hằng ngày bởi các loại mỹ phẩm, khăn giấy ướt không được kiểm soát với nhiều thành phần độc hại.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Mỹ phẩm, khăn giấy ướt và sức khỏe người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) tổ chức ở TP HCM ngày 14/7.

Lợi nhuận rất khủng khiếp

PGS-TS Lê Ngọc Diệp (ĐH Y Dược TP HCM) cho biết, thời gian gần đây, nổi lên thực trạng phụ nữ thích làn da trắng nên có hàng loạt sản phẩm được quảng cáo có tính năng trắng cấp tốc. Sản phẩm được bán tràn lan ngoài vỉa hè, trong cửa hàng, trên mạng xã hội; từ hàng trôi nổi cho đến hàng có đăng ký với cơ quan chức năng.

Cùng với đó là số chị em “nhiều khủng khiếp” đến các phòng khám da liễu để điều trị, với các biểu hiện như phát ban, mụn trứng cá, mặt mẩn đỏ, sạm da, nám da, giãn mao mạch, teo da… Đây là dấu hiệu của việc bệnh nhân đã bôi chất corticoid, dù trên nhãn sản phẩm không ghi. Corticoid là chất khi mới sử dụng làm da mịn, trắng, nhưng về lâu dài sẽ có các tác dụng phụ.

“Sản xuất mỹ phẩm kiểu như vậy đem lại lợi nhuận rất khủng khiếp, có trường hợp sản xuất ở Lạng Sơn, bán trên mạng dưới mác Hàn Quốc với giá 2-3 triệu đồng/hộp, trong khi giá thành chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/hộp. Vì thế, cơ quan chức năng cần kiểm soát những nơi sản xuất mỹ phẩm chui không đăng ký, tăng cường hậu kiểm đối với các doanh nghiệp có đăng ký, vì nhiều trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo, cho vào các thành phần độc hại.

Với người tiêu dùng, cần hiểu rõ không có loại mỹ phẩm làm đẹp cấp tốc mà an toàn. Ngay cả những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, giá cao cũng không thể cho hiệu quả nhanh như vậy để tránh tiền mất tật mang”, PGS-TS-BS Diệp khuyến cáo.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt khăn giấy ướt thật - giả.

Cơ quan chức năng hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt khăn giấy ướt thật - giả.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinatas, cho biết, có trường hợp người tiêu dùng mua mỹ phẩm qua mạng về sử dụng bị dị ứng, sau đó nhờ Vinatas hỗ trợ nhưng không tìm được người bán. “Hiện có nhiều người tiêu dùng còn quá dễ dãi khi mua mỹ phẩm, tin lời quảng cáo qua mạng mà mua hàng không rõ nguồn gốc, không lấy hóa đơn, đã tạo đất sống cho những người làm ăn bất chính”, ông Tuấn cảnh báo.

Lạm dụng chất bảo quản

Theo ông Lê Quang Được, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ quốc tế Việt Australia, nhu cầu sử dụng khăn giấy ướt đang tăng mạnh để thay thế khăn lạnh bằng vải thường được tái sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên gần đây, sản phẩm chính hiệu bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm giả, nhái, khiến công ty mất thị phần ở thị trường truyền thống.

“Các sản phẩm giả, nhái được sản xuất thủ công, rất mất vệ sinh nên thường phải lạm dụng chất bảo quản, kể cả chất cấm để chống nấm, mốc, với giá thành chỉ bằng 1/3 nhưng giá bán bằng hàng thật, để người tiêu dùng không nghi ngờ”, ông Được nói.

Theo PGS-TS Diệp, khăn giấy ướt ít gây phản ứng liền trên da, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, nhất là khả năng gây ung thư vú. Hiện nay, đã có quy định về lộ trình cấm 5 chất Paraben (chất để bảo quản) độc hại nhất, chỉ được lưu hành đến hết ngày 30/7/2015 theo quy định của Cục Quản lý Dược. Đáng nói, đây là những chất không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ được xác định qua kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, theo ông Vương Ngọc Tuấn, hiện các phòng thí nghiệm trong nước vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện các xét nghiệm này. “Vinatas đã gửi công văn đến Trung tâm Tiêu chuẩn Kỹ thuật Đo lường Chất lượng 1 và Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, 2 cơ quan đầu ngành về kiểm nghiệm, nhưng đều trả lời chưa có chất 'chuẩn' nên chưa thể thực hiện xét nghiệm tìm ra những chất cấm mới trong sản phẩm”, ông Tuấn nói.

Được biết, Vinatas đang chuẩn bị thực hiện một cuộc khảo sát chất lượng các sản phẩm mỹ phẩm, khăn giấy ướt theo quy định mới của Cục Quản lý dược, để công bố rộng rãi đến người tiêu dùng và đánh động với cơ quan quản lý.

Phân biệt hàng thật - giả

Theo ông Lê Quang Được, khăn giấy ướt giả, kém chất lượng được sản xuất thủ công có các góc bao bì vuông vức (do được in sẵn, hở một đầu), mép dập 2 bên xấu, không đồng đều. Khi mở gói ra xài, sản phẩm làm thủ công nên các tờ giấy xếp riêng rẽ, người dùng phải moi từng tờ ra, không có tờ tiếp theo chờ sẵn như hàng sản xuất từ các công ty lớn.

Đối với mỹ phẩm, các chuyên gia khuyên nên mua và sử dụng những sản phẩm từ các công ty có uy tín, và nhớ rõ nguyên tắc không có mỹ phẩm làm đẹp cấp tốc an toàn.


Khăn ướt, khẩu trang giá rẻ giành nhau xuống đường

Tâm lý ham rẻ của người dùng đã tạo cơ hội cho những sản phẩm khăn giấy ướt, khẩu trang kém chất lượng tung hoành.

http://nld.com.vn/kinh-te/ma-tran-my-pham-khan-giay-uot-20150714225045352.htm

Theo Ngọc Ánh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm