Người ta gọi một loài bướm đêm chuyên hút máu ở vùng Siberia của Nga là "bướm ma cà rồng". Mỗi khi đậu lên cơ thể động vật, chúng nhanh chóng thọc chiếc lưỡi vào da để hút máu. Ngạnh và móc trên lưỡi giúp chúng chọc thủng da.
Kết quả của nhiều cuộc quan sát cho thấy chỉ bướm ma cà rồng đực hút máu, còn bướm cái không thực hiện hành vi đó. Vì thế nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bướm cái nhận muối (một thành phần của máu) từ cơ thể bướm đực trong quá trình giao phối. Họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy máu mang tới lợi ích cho bướm đực - như tăng tuổi thọ hay sức khỏe, Livescience cho biết.
Một con bướm ma cà rồng. Ảnh: Livescience. |
"Tôi nghĩ máu là món quà mà bướm đực dành cho bạn tình của chúng", Jennifer Zaspel, một nhà nghiên cứu côn trùng của Đại học Florida tại Mỹ, phát biểu.
Nhận máu từ bướm đực là cách để bướm cái bổ sung dưỡng chất cho con của chúng. Lá cây là thức ăn chính của ấu trùng bướm, song lá lại không chứa nhiều natri, nguyên tố mà chúng rất cần. Ngược lại, máu động vật có thể cung cấp natri cho ấu trùng bướm.
Bướm ma cà rồng chưa có tên khoa học chính thức bởi giới nghiên cứu chưa thể xác định chúng là một loài mới hay một loài mà con người đã biết. Chúng rất giống Calyptra thalictri - một loài bướm ăn quả ở châu Âu. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai loài là vài chi tiết trên cánh. Vì thế Jennifer Zaspel cho rằng có thể chúng đã tiến hóa từ loài Calyptra thalictri.
Nếu quả thực bướm ăn trái cây là tổ tiên của bướm ma cà rồng, chúng sẽ giúp giới khoa học tìm hiểu nguyên nhân khiến một số loài bướm sống bằng máu. Một số chuyên gia từng lập luận rằng thói quen hút máu ở côn trùng và thú bắt nguồn từ hành vi ăn nước mắt, phân, mủ (từ vết thương) của loài khác.