Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về việc kênh YouTube Bếp trên đỉnh đồi bị cho rằng đã sao chép ý tưởng của “Tiên nữ đồng quê” Trung Quốc Lý Tử Thất. Nội dung thảo luận xung quanh đề tài này lọt top 1 từ khóa tìm kiếm trên Weibo.
Cụ thể, một blogger Trung Quốc đã đăng video có độ dài hơn 5 phút, phân tích những điểm giống hệt nhau như bối cảnh rừng núi, các góc quay, âm nhạc được sử dụng trong video đến cả trang phục hoặc cách lựa chọn món ăn trong video của 2 YouTuber.
Rập khuôn sao chép kịch bản quốc tế
Làn sóng chỉ trích kênh YouTube Bếp trên đỉnh đồi xuất phát từ người dùng Internet Trung Quốc và lan sang Việt Nam.
Bên cạnh một số bình luận cho rằng YouTuber người Việt có sự khác biệt khi truyền tải những nét đặc trưng của ẩm thực Việt, một số khác tỏ ra thất vọng vì kênh này đã sao chép ý tưởng của kênh Lý Tử Thất.
"Bếp trên đỉnh đồi đã giúp quảng bá phong cảnh miền núi Việt Nam trong video ẩm thực, nhưng mình thất vọng vì video đã nhại lại không hơn không kém", tài khoản Huỳnh Ngọc Anh Thư bình luận.
Điểm tương đồng nội dung ở 2 kênh là bối cảnh cuộc sống phố núi, nữ diễn viên chính tay thực hiện những món ăn đồng quê với hình ảnh nhẹ nhàng, âm thanh bình yên. Tuy nhiên, khó để khẳng định Bếp trên đỉnh đồi đã sao chép nội dung từ kênh Lý Tử Thất.
Sự giống nhau từ góc quay, trang phục đến cách lựa chọn món ăn dân dã của cả 2 kênh YouTube. |
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng sáng tạo nội dung YouTube Việt bị gắn mác "đạo nhái ý tưởng". Cuối năm 2018, “chủ tịch và cái kết" trở thành một trào lưu mà hàng loạt các kênh YouTube Việt sao chép ý tưởng.
Trào lưu xuất phát từ những clip giải trí trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) do các diễn viên hài thủ vai. Mô-típ là một người xuất hiện trong hoàn cảnh khó khăn, có ngoại hình xấu xí không sạch sẽ để thử phản ứng của những người xung quanh, kết quả là nhân vật chính rất giàu, dạy cho người khác bài học về đối nhân xử thế.
Kịch bản này bị sao chép y hệt bởi hàng loạt kênh YouTube Việt, có khoảng 3,4 triệu kết quả về nội dung tương tự khi tìm kiếm với cụm từ "chủ tịch giả danh và cái kết".
Lấy trường hợp kênh YouTube SVM *** với hơn 3,5 triệu người theo dõi, trong danh sách phát "Đừng bao giờ xem thường người khác" có 512 video được thực hiện theo mô-tip kịch bản "chủ tịch và cái kết".
Nội dung ban đầu xuất hiện với từ khóa "chủ tịch", về sau đa dạng hơn thành "nữ chủ tịch", "em trai chủ tịch", "em gái chủ tịch". Gần đây, kênh YouTube này đã bổ sung những video có tựa đề mới như "giám đốc giả nghèo", "đại gia chân đất" nhưng cách xây dựng câu chuyện vẫn theo kịch bản cũ.
Từ khóa "chủ tịch giả danh và cái kết" có hơn 3,4 triệu kết quả, cho ra những video có mô-típ kịch bản giống nhau. |
Cuối năm 2018, YouTube Việt xuất hiện hàng loạt nội dung sao chép “giang hồ mạng anh Hải” của Trung Quốc. Trào lưu này bị chỉ trích vì ăn cắp kịch bản lộ liễu và nội dung cổ xúy bạo lực.
Trong phiên bản gốc Trung Quốc, “anh Hải” thường mở đầu câu chuyện bằng việc trò chuyện với nạn nhân của những vụ ức hiếp, cho vay nặng lãi, lừa đảo... Phần còn lại của video là “anh Hải” cùng đàn em sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn cho các nạn nhân kể trên, không thấy sự tham gia của bất kỳ cơ quan chức năng nào.
Các kênh YouTube giang hồ phiên bản Việt cũng có cách xây dựng câu chuyện tương tự: mở đầu bằng việc trò chuyện với nạn nhân, giăng bẫy kẻ phạm tội và dùng vũ lực để đàn áp những nhân vật phản diện.
Những đoạn nội dung có tình tiết bạo lực như đánh nhau, đập phá đều được làm mờ để tránh vi phạm chính sách của YouTube. Đáng chú ý, những video có nội dung cổ xúy bạo lực của “giang hồ YouTube” lại đạt lượng người xem khủng.
Ví dụ như kênh Thắng *** đã có hơn 1,26 triệu người theo dõi sau khi đăng tải 26 video. Trong đó, video tường thuật câu chuyện “giang hồ YouTube” này đòi lại công bằng cho một nữ nhân viên bán quần áo đạt hơn 11 triệu lượt xem và hơn 12 nghìn bình luận.
Sản xuất nội dung theo trào lưu để có lượt xem cao
Theo nghiên cứu hành vi của công ty Pew Research công bố tháng 7/2019, một video YouTube có những từ khóa đang thịnh hành sẽ giúp lượt xem của video đó có thể tăng gấp 5 lần. Công ty này gợi ý các chủ tài khoản YouTube hãy sản xuất nội dung có yếu tố ăn theo xu hướng để tiếp cận được lượng người xem lớn hơn.
Anh Quang Vinh (Đăk Lak), quản trị viên một nhóm cộng đồng sáng tạo nội dung trên YouTube, cho biết một số kênh YouTube được xây dựng với định hướng bám trend (những nội dung thịnh hành) như trào lưu “chủ tịch và cái kết” để tối ưu hóa lượng người xem nội dung.
“YouTuber sẽ phải bỏ rất nhiều tiền để tạo trend, hoặc sẽ bám trend để tăng nhiều lượt người xem nhất có thể. Một người đã xem nội dung tương tự sẽ tiếp tục được YouTube gợi ý nội dung cùng chủ đề, lượng view từ đó cũng được tăng lên”, anh Vinh nói.
Anh Vinh chia sẻ những kênh phát triển theo cách này luôn đạt được lượng người xem ổn định, “tuy nhiên phải luôn luôn đổi mới theo trend, người xem nhiều quá sẽ thành bội thực nội dung”.
Những kênh Youtube tạo nội dung theo chủ đề thịnh hành nhằm mục đích tăng tối đa người xem. Ảnh: Loop. |
Cùng quan điểm về việc bám theo các chủ đề hot để tăng lượng người xem, anh Nguyễn Thắng (Hà Nội), trưởng phòng quản lý sản xuất video YouTube, cho biết các kênh YouTube chạy theo những nội dung thịnh hành ở Trung Quốc, không đầu tư phát triển bản sắc riêng sẽ dễ bị đào thải khỏi thị trường.
"Việc biết nắm bắt trào lưu thịnh hành là điều cần thiết nếu muốn trở thành một YouTuber. Nhưng cũng cần sự đầu tư về mặt nội dung, thể hiện được cá tính riêng thay vì chỉ bắt chước 1 cách đơn thuần nội dung video thịnh hành của Trung quốc, nếu muốn phát triển lâu dài".
Ngoài ra, nếu kênh YouTube bị “xác định là cổ xúy bạo lực và vi phạm chính sách của YouTube có thể bị giới hạn kiếm tiền, giới hạn độ tuổi, tắt kiếm tiền và nặng nhất là xóa kênh”, anh Thắng chia sẻ thêm.