Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lý Tiểu Long Việt Nam' suýt bỏ mạng xứ người

Vì luyện nội công Vịnh Xuân quyền không đến nơi đến chốn, võ sư Hoàng Vĩnh Giang suýt bỏ mạng trên đất Ukraine năm 1980.

'Lý Tiểu Long Việt Nam' suýt bỏ mạng xứ người

Vì luyện nội công Vịnh Xuân quyền không đến nơi đến chốn, võ sư Hoàng Vĩnh Giang suýt bỏ mạng trên đất Ukraine năm 1980.

Kỳ 1: Võ sư Việt nổi danh hơn Lý Tiểu Long ở Liên Xô

Hoàng Vĩnh Giang ngày đó là ai? Là người biết Vịnh Xuân quyền không đến nơi đến chốn. Phải khẳng định như vậy. Nhưng bằng khả năng truyền đạt trên nền tảng ngoại ngữ rất tốt cộng thêm vốn kiến thức rộng từ nội thế của võ đến ngoại thế huyền thoại, giai thoại… đã giúp ông đủ tự tin đứng lớp.

Họ nghĩ tôi là “huyền thoại”

Lớp học võ của ông Giang ngày đầu là những lớp học kiểu mậu dịch do các học trò tự tìm phòng học rồi mời ông tới dạy. Về mặt nguyên tắc, Vịnh Xuân quyền phải được truyền dạy theo kiểu một thầy một trò. Muốn nâng cao trình độ, buộc trò phải tiếp xúc với thầy, đặc biệt là vùng tay.

Vịnh Xuân rất coi trọng linh giác, nghe gió đoán đòn. Chỉ cần nhắm mắt, động tay vào đối phương thì đối phương làm gì cũng biết, tất nhiên ở đây là nói về võ sư ở đẳng cấp đỉnh cao.

Hoàng Vinh Giang (áo đen, đứng giữa) cùng các học trò nước ngoài.

“Lớp học của tôi ban đầu không có nhiều học sinh. Tôi chủ yếu chỉ dạy cho các thầy của các môn phái khác những bài cơ bản như Tiểu niệm đầu, Hổ quyền, tề mi côn. Riêng bài 108 đánh với mộc nhân (người gỗ) của Vịnh Xuân, tôi nắm tương đối sâu về mặt nguyên tắc nên dạy rất kỹ.

Nói ra mình tôi cho đến giờ vẫn có cảm giác xấu hổ, sao các bạn Liên Xô đáng yêu và đáng kính đến thế, người ta rất tôn trọng võ thuật, tôn sư trọng đạo. Bởi vậy, dù tôi chỉ biết Vịnh Xuân vừa phải thôi, nhưng các học trò đến với tôi bằng tất cả sự chân tình, nên càng phải cố gắng truyền đạt.

Bên cạnh đó những truyền thuyết về huyền thoại Lý Tiểu Long, những chuyện về võ học biết được qua kho sách khổng lồ từ Sài Gòn nhất là tủ sách vừa có chưởng của nhà văn Kim Dung, vừa có nhiều tài liệu về y học, cổ học của thầy Kim Dao (một con nguời vô cùng uyên bác) tôi mang ra kể hết.

Thế nên có khi cả buổi học, các trò cứ bảo thầy hôm nay kể nốt những cái chuyện kia đi, thành ra học rất vui”, ông Giang kể như thể lớp học của ông năm nào đang hiện hữu trước mặt.

Chuyện dạy võ của ông sau đó lan truyền rất nhanh. Có những học trò đến từ Leningrad, họ ở lại cả tuần lễ, thuê phòng trọ bên ngoài hoặc phòng ở ký túc đại học TDTT Kiev để theo học.

Ông cũng bắt đầu tiếp nhận những môn sinh có danh tiếng của các môn phái khác như nhà vô địch đấu kiếm thế giới… hay ông nhận được những lời mời giao lưu với các kỳ tài võ học như Clemen - nhà vô địch karatedo của Conggo hay nhà vô địch tuyệt đối karate nhiều năm liền của Liên Xô, Valodia Ilarionop.

 Hoàng Vĩnh Giang và cao thủ Clemen.

“Clemen có vợ người Nga, trình độ thuộc vào loại vô địch toàn châu Phi. Anh này từng nhận được nhiều lời thách đấu và hạ nhiều đối thủ đến từ các môn phái rừng rú vùng Siberia truớc sự chứng kiến của tôi. Tôi và Clemen rất mến mộ nhau, đã từng có một cuộc giao lưu đòn thế. Có nghĩa là biểu diễn với những đòn dừng trong một khoảng cách nhất định giống kiểu Lệnh Hồ Xung kiểm chứng kiếm thuật cùng Xung Hư đạo trưởng và 2 cao đồ của ông tại chân núi Võ Đang trong "Tiếu ngạo giang hồ".
 
Bởi với Vịnh Xuân, chỉ cần tiến lại gần, lách qua lách lại, tôi có thể chọc mù mắt anh ta. Ngược lại, tôi cũng có thể ăn một cú ra đòn hung hiểm như trời giáng của Clemen mà nằm luôn. Vì thế, chỉ biểu diễn đòn dừng để hai bên hiểu về đòn thế của nhau thôi”.

Kể đến đây, ông Giang một lần nữa tái khẳng định, về trình độ so với các thầy ở Việt Nam thì ông không là gì cả nhưng so với những người mê Vịnh Xuân ở bên Liên Xô lúc bấy giờ, ông cũng được họ xếp vào hàng “huyền thoại”.

“Tôi nhớ có những lần đi các nơi, như tới Moscow chẳng hạn, hàng nghìn học sinh của môn Karatedo khi nhìn thấy thầy Hoàng Vĩnh Giang bước vào phòng tập của mình, theo khẩu lệnh bằng tiếng Nhật của võ sư trưởng tràng lập tức tất cả đồng loạt cúi đầu xuống, gập chào theo kiểu Nhật với một từ "OSS" truyền thống của những "Karateka" (tức là những nguời tập karate).

'Lý Tiểu Long' Việt Nam suýt bỏ mạng nơi xứ người

Mùa hè năm 1980, sau một trận đá bóng, ông thầy “huyền thoại” Vịnh Xuân quyền trên đất Liên Xô Hoàng Vĩnh Giang lên xe cấp cứu vào thẳng bệnh viện.

Hoàng Vĩnh Giang dự khán cùng nhà vô địch tuyệt đối Liên Xô, Valodia Ilarionop.

“Tôi nhớ như in tiếng còi hú của xe cấp cứu. Tôi được đưa tới một bệnh viện ở vùng trung tâm Kiev trong trình trạng theo dõi mạch còn hay mất. Bạn bè tôi sau đó mang giấy tờ vào phòng bệnh, đặt lên bàn và nói: Mày thích viết gì thì viết đi. Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: Làm sao mà tao phải viết?

Mãi sau này tôi mới biết, cái lúc mà đám bạn mang giấy bút vào phòng, chính là lúc tôi đang thập tử nhất sinh. Bác sĩ đã nói với họ, rằng tôi sẽ không qua khỏi được. Bấy giờ, trên Moscow, chú gấu Misa (linh vật Olympic) rơi nước mắt ở sân vận động Luzhniki khi nói lời tạm biệt Olympic. Còn tôi, rơi nước mắt trong phòng bệnh vì sắp lìa thế giới”, ông Giang bồi hồi nhớ lại.

Rút cuộc thì tôi vẫn được ngồi trò chuyện cùng ông hôm nay. Số trời đã định, nhưng sao ông cứ chẳng tin. Ông cũng không bao giờ coi cơn nguy kịch mình từng trải qua là cái giá phải trả, vì với ông, nó là điều ông không nghĩ đến mỗi khi đối diện với các học trò.

“Nếu nghĩ đến, làm sao tôi trở thành “huyền thoại” trong lòng các học trò và làm sao sau 3 năm dạy võ, tôi đã thu về  một gia tài khổng lồ khoảng 15 cây vàng”, ông Giang mở ra một câu chuyện mới!

… Còn nữa.

Kỳ 3: Dạy võ 5 năm, thu về 15 cây vàng

Nếu quy ra tiền thì sau 5 năm dạy võ ở Liên Xô, ông Hoàng Vĩnh Giang đã thu về khoảng 15 cây vàng, đủ mua được 5 căn nhà ở Hà Nội những năm 1980.

Theo VTC

Theo VTC

Bạn có thể quan tâm