Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Quang Diệu - người anh lớn của đất nước Singapore

Bài viết về bộ hồi ký của ông Lý Quang Diệu đăng trên tờ New York Times của tác giả Nicholas D. Kristof được đánh giá là đầy đủ và khách quan về bộ sách và nhân vật đặc biệt này.

Lý Quang Diệu là một trong những nhân vật lãnh đạo gây nhiều hiếu kỳ nhất và cũng gây nhiều phiền toái nhất trong kỷ nguyên hậu Thế chiến thứ hai.

Lý do không phải vì ông là người xuất sắc và bộc trực nhất, hay vì ông đã kiến thiết toàn bộ đất nước mình theo đúng những gì ông hình dung. Cũng không phải vì quốc gia mà ông đã tạo dựng nên, Singapore, từ vị trí một thuộc địa nghèo của Anh đã có những bước phát triển vượt bậc về chỉ số thịnh vượng trên đầu người, trở thành một mô hình được cả giới Cộng sản Trung Quốc lẫn giới tư bản phương Tây nghiên cứu.

Nhà chuyên chế thuyết phục nhất trên thế giới

Điều lý thú nhất nằm ở chỗ, Lý Quang Diệu – người đã dẫn dắt Singapore từ năm 1959 cho tới khi ông nghỉ hưu (tạm gọi như vậy) vào năm 1990 – là ông là một vị quân vương - triết gia được hưởng nền giáo dục phương Tây nhưng lại nổi danh vì đã đứng lên thách thức những tri thức đã được chấp nhận của phương Tây.

Các nhà dân chủ thân phương Tây thì nhiều vô số kể, nhưng Lý Quang Diệu là nhà chuyên chế có sức thuyết phục nhất trên thế giới ngày nay.

Có lẽ nói như vậy chưa hẳn là công bằng, bởi đảng của ông Lý đã giành được nhiều chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử ở Singapore. Nhưng Lý Quang Diệu đạt được điều đó một phần nhờ vào những biện pháp dập tắt những tiếng nói phê bình như đánh vào kinh tế của những người phê bình thông qua các phán quyết của tòa án hoặc bỏ tù họ mà không qua xét xử.

bien tap vien cua Times viet ve hoi ky Ly Quang Dieu anh 1
Lý Quang Diệu - nhà chuyên chế có sức thuyết phục nhất trên thế giới. Ảnh: tư liệu.

 

Lý Quang Diệu sở hữu một đầu óc siêu việt, nói thứ tiếng Anh chuẩn mà ông đã trau dồi tại Đại học Cambridge và bảo vệ những chính sách đàn áp với một sự cẩn trọng và kiên quyết khiến các nhà dân chủ phương Tây phải lúng túng.

“Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, người Mỹ đã trở nên giáo điều và nhiệt thành như những người Cộng sản,” Lý Quang Diệu than thở trong cuốn sách mới của mình, với một giọng điệu quanh quen thuộc. “Họ muốn truyền bá dân chủ và nhân quyền khắp nơi rên thế giới, ngoại trừ những nơi mà họ có thể bị thiệt hại như bán đảo Ả-rập với nguồn dầu mỏ dồi dào.”

Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất

Tập hai trong bộ hồi ký của Lý Quang Diệu, Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất, bắt đầu từ khoảng thời gian Singapore giành được độc lập vào năm 1965. Lúc này, ông đã trở thành người đứng đầu Singapore, nhưng ngay từ đầu ông đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, và báo giới nước ngoài tỏ ra bi quan về khả năng sinh tồn của quốc đảo nhỏ bé này.

bien tap vien cua Times viet ve hoi ky Ly Quang Dieu anh 2
Bộ hồi ký của ông Lý Quang Diệu gồm 2 tập vừa ra mắt ấn bản tiếng Việt vào trung tuần tháng 3/2017.

Khi Nghị viện đầu tiên của Singapore khai mạc vào tháng 12/1965, ông đã buộc phải chấp nhận sự hộ tống của quân đội Malaysia, những người tự coi mình là người cai trị thực sự. Lý Quang Diệu tức giận song không dám từ chối, và một chủ đề xuyên suốt cuốn sách này của ông là về những nỗ lực của ông nhằm khẳng định Singapore là một khu vực gồm chủ yếu người Trung Quốc trong một biển người Malaysia và Indonesia.

Một thách thức lớn nữa là kinh tế, vốn phụ thuộc vào các căn cứ quân sự của Anh lúc này đang sắp đóng cửa. Chiến lược cơ bản của Lý Quang Diệu là kêu gọi các công ty nước ngoài thành lập các xưởng “vắt mồ hôi” ở Singapore.

Vào thời điểm mà nhiều quốc gia đang phát triển đều lên án các đế quốc kinh tế, Singapore lại sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ đế quốc nào có tiền. Trong quá trình đó, Lý Quang Diệu – tuy xuất thân là một luật sư cho các công đoàn lao động – đã làm suy yếu các công đoàn vì sợ rằng họ sẽ cản trở hoạt động đầu tư.

Ông cho rằng thời điểm “bước ngoặt trong lịch sử công nghiệp của Singapore” là thời điểm một liên minh công đoàn hùng hậu thách thức ông vào năm 1967. Lý Quang Diệu đã thẳng tay đàn áp: bắt giữ 15 lãnh đạo công đoàn, giải tán các công đoàn và tuyên bố những công nhân tham gia biểu tình bị đuổi việc.

Về cơ bản, Lý Quang Diệu đã đè bẹp phong trào công đoàn độc lập và đạt được sự hòa bình yên ổn với công đoàn trong một thời gian dài – một trong những nguyên nhân giải thích cho sức phát triển dài lâu của Singapore.

Có những lãnh tụ khác cũng kiến tạo quốc gia – như Kemal Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lenin ở Nga, Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc – nhưng hiếm có ai để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng dân chúng như Lý Quang Diệu.

Ông thậm chí còn thay đổi cả quốc ngữ của người dân nơi đây. Các trường học chuyển sang dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, và Lý Quang Diệu còn khiến phần đông dân chúng người Trung Quốc phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình (như tiếng Quảng Đông hay Phúc Kiến) ngay ở trong gia đình để chuyển sang dùng tiếng quan thoại.

Lý Quang Diệu không chỉ tham gia vào mọi quyết định của chính phủ mà còn xây dựng nên một “nhà nước vú em” thúc giục sinh viên đại học sinh con, cấm kẹo cao su, phạt người nào không xả nước bồn cầu, và – trong những năm đầu – buộc nam thanh niên để tóc dài phải cắt tóc.

Ông đã tạo ra được nhà nước có tình trạng tham nhũng thấp nhất châu Á với những trường công lập có lẽ được xếp hạng tốt nhất thế giới và hệ thống lương hưu được nhiều học giả coi là mẫu mực.

Tuy nhiên, ở Lý Quang Diệu còn có một mặt khác mà nhiều người phương Tây cảm thấy khó có thể chịu đựng. Chẳng hạn, ông không hề tỏ ra hối tiếc về những biện pháp đàn áp đã áp dụng với những người có cảm tình với Cộng sản, mối đe dọa ban đầu đối với chính phủ Singapore. Ông nêu vấn đề: “Liệu chúng ta có thể đánh bại được họ không nếu chúng ta cho họ quyền bảo thân và bãi bỏ quyền giam giữ mà không cần xét xử? Tôi nghi ngờ điều đó.”

Đối với nhiều người chúng ta đã từng tới thăm và ngưỡng mộ đất nước Singapore, chúng ta vẫn chưa khỏi băn khoăn làm sao quốc gia này lại có thể vừa hiện đại như thế về kinh tế lại vừa lạc hậu như thế về chính trị.

Đa phần chúng ta đều có cảm giác rằng danh tiếng của Lý Quang Diệu trên trường quốc tế ngày nay sẽ còn cao hơn nữa nếu ông chịu chấp nhận những ý kiến phê bình nhỏ nhặt, chấp nhận tỷ lệ áp đảo thấp hơn trong các cuộc bầu cử, và đừng cố gắng đè bẹp các đối thủ một cách tàn nhẫn như vậy với tất cả những công cụ trừng phạt mà nhà nước có trong tay.

Một định danh rõ ràng về người Singapore

Thành tích lớn nhất của Lý Quang Diệu là gây dựng được một tầng lớp trung lưu có học thức và có lợi ích trong hệ thống, một định danh rõ ràng về người Singapore.

Trong cuốn hồi ký này, ông đã kể lại cách thức ông thực hiện những điều đó – chẳng hạn như khuyến khích sở hữu nhà tư nhân – nhưng điều then chốt ở đây là ông đã tạo dựng được một thế hệ cử tri có lý trí hơn những gì ông vẫn ca ngợi về họ.

bien tap vien cua Times viet ve hoi ky Ly Quang Dieu anh 3
Ông Lý Quang Diệu luôn được người dân Singapore kính trọng. Ảnh: AFP.

Bản thân Lý Quang Diệu dường như cũng dần dần mới đi đến quan điểm này. Khi cả ông và Singapore đều cùng trưởng thành hơn và dần dần trở nên bao dung, cởi mở và dân chủ hơn, Lý Quang Diệu ngày càng nhận ra rằng ông có thể đặt niềm tin vào người dân Singapore, rằng họ có thể tự đưa ra quyết định cho mình, và ông là một trong số ít vị hoàng đế theo Nho giáo tình nguyện bước xuống bệ rồng.

Trong cuốn hồi ký, Lý Quang Diệu có đề cập thoáng qua về một số cuộc chiến giữa ông với báo giới phương Tây về những chính sách độc đoán của mình. (Nổi tiếng nhất là vụ đánh một thiếu niên người Mỹ vì tội phá hoại công trình công cộng.)

Có lẽ độc giả Mỹ sẽ cảm thấy lý thú hơn nếu ông biện luận cho quan điểm của mình một cách mạnh mẽ hơn và đối diện với những lời phản biện một cách trực tiếp hơn. Có thể sẽ có người không đồng ý với ông, nhưng sự không khoan nhượng và chủ nghĩa độc đoán chưa bao giờ có được một người phát ngôn lưu loát và thú vị như vậy.

Bộ hồi ký của ông Lý Quang Diệu gồm 2 cuốn với hai tựa đề riêng: Câu chuyện Singapore và Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất

Gần 2.000 trang hồi ký khắc họa đầy đủ cuộc đời của Lý Quang Diệu từ những ngày ông du học ở Anh tới thời điểm trở thành chính trị gia kiệt xuất. Đó đồng thời là hành trình Singapore chuyển mình từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu thành một trong những trung tâm tài chính, khoa học, giáo dục lớn nhất thế giới trong vòng vài chục năm.

Bộ sách vừa chính thức ra mắt ấn phẩm tiếng Việt nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu (23/3/2015).

Lý Quang Diệu: Người đưa Singapore hóa rồng

Qua bộ hồi ký 2 tập của ông Lý Quang Diệu, người đọc hiểu được tầm vóc và những gì vị thủ tướng này đã làm được cho đất nước Singapore.

Lê Anh (dịch)

Bạn có thể quan tâm