Vốn có gốc gác võ thuật trong một gia đình người Hoa di cư đến Việt Nam trong thời Pháp thuộc, NSND Lý Huỳnh chọn con đường võ thuật để khởi đầu sự nghiệp của mình.
Từ Vĩnh Long, ông cùng gia đình chuyển đến TP.HCM, mở lò võ để luyện tập, đào tạo và tỷ thí. Không chỉ luyện võ Thiếu Lâm, ông còn tập luyện võ cổ truyền Việt Nam (Tây Sơn Bình Định) và quyền anh với những võ sư hàng đầu tại TP.HCM lúc đó.
NSND Lý Huỳnh qua đời vào sáng 22/10 tại nhà riêng. |
Từ võ sư ngoài đời đến võ sư màn ảnh
Trong giai đoạn cuối thập niên 50 đến giữa thập niên 60, Lý Huỳnh nổi lên như một võ sư trẻ tuổi có khí chất dũng mãnh. Báo chí ở TP.HCM trước 1975 từng có những bài viết tường thuật mô tả những trận thượng đài quyền anh của Lý Huỳnh với các võ sư quốc tế, trong đó có trận thắng đối thủ người Pháp Lyauté Francoise và nhiều võ sư người Hoa khác. Trong tổng cộng 6 trận thượng đài quyền anh với các võ sư quốc tế, Lý Huỳnh từng thắng 3 trận và đi tỷ thí khắp miền Nam và Trung Việt Nam. Ông cũng mở lò võ để đào tào nhiều võ sĩ trẻ tiếp nối sự nghiệp của mình.
Tên tuổi của Lý Huỳnh đã vang danh ở tầm quốc tế khi ông công khai thách đấu với huyền thoại kungfu Lý Tiểu Long, dù trận đấu này không bao giờ diễn ra.
Năm 1972, khi tên tuổi của Lý Huỳnh lan xa đến tận Hong Kong, đạo diễn, võ sư Hàng Anh Kiệt -người từng chỉ đạo võ thuật và diễn xuất cho Lý Tiểu Long đến TP.HCM hợp tác với một hãng phim tư nhân bản địa để thực hiện bộ phim võ thuật Long hổ sát đấu.
Do chưa có kinh nghiệm diễn xuất, Lý Huỳnh chỉ đóng vai phụ - một võ sư người Việt thách đấu với võ sư người Hoa trong bộ phim này. Diễn viên chính của bộ phim ở phía Việt Nam là Trần Quang, một tên tuổi lừng danh lúc đó.
Trong giai đoạn cuối thập niên 50 đến giữa thập niên 60, Lý Huỳnh nổi lên như một võ sư trẻ tuổi có khí chất dũng mãnh. |
Diễn viên Trần Quang là người bằng tuổi với Lý Huỳnh nhưng được đào tạo bài bản ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và đã thành danh trước đó hỗ trợ Lý Huỳnh về mặt diễn xuất trong quá trình thực hiện bộ phim này.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Mỹ, Trần Quang vẫn ấn tượng về những màn đấu võ đẹp mắt giữa Lý Huỳnh và một võ sư, diễn viên chuyên nghiệp người Hong Kong. Trong quá trình thực hiện bộ phim này, Trần Quang gặp tai nạn gãy chân phải bó bột và Lý Huỳnh là người hỗ trợ, đóng thế cho ông nhiều cảnh cận chiến sau đó.
Bộ phim hợp tác với điện ảnh Hong Kong này đã mở ra con đường điện ảnh cho Lý Huỳnh. Từ một võ sư có số má ngoài đời, ông trở thành một võ sư với những cú đánh uy dũng trên màn ảnh khi đóng tiếp ba bộ phim hành động - võ thuật nữa là Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù và Hải vụ 709. Trong đó bộ phim cuối cùng được quay trước 1975 là Hải vụ 709, Lý Huỳnh có dịp tái ngộ Trần Quang và làm nên tình bạn khăng khít giữa hai nghệ sĩ tên tuổi của điện ảnh TP.HCM thời đó.
Tuy nhiên sau 1975, con đường của hai nghệ sĩ, hai tên tuổi này rẽ theo hai hướng khác nhau, dù vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam để hoạt động nghệ thuật.
Đóng đinh với vai phản diện nhưng thành công nhờ vai lão nông tri điền
Lý Huỳnh có một gia đình lớn là lò võ ở TP.HCM. Trần Quang nhận xét, Lý Huỳnh vốn là một người xuất thân từ võ thuật nên rất trọng nghĩa khí, cộng với sự chất phác nên ông là người dễ hòa nhập. Nhiều đạo diễn của điện ảnh cách mạng cũng tìm đến ông vì tên tuổi đã được khẳng định trước đó.
Trong bộ phim lớn đầu tiên mà ông hợp tác với đạo diễn Nguyễn Hồng Sến là Mùa gió chướng, cũng là bộ phim lăng xê một loạt tên tuổi mới của điện ảnh cách mạng là nhà văn, biên kịch Nguyễn Quang Sáng, diễn viên Thúy An, Thùy Liên… chỉ có Lâm Tới và Lý Huỳnh là hai tên tuổi đã nổi danh trước đó.
Lâm Tới đóng vai lão nông tri điền Tám Quyện, người tham gia hoạt động cách mạng; trong khi Lý Huỳnh đóng vai Đại úy Long, một tên sĩ quan khát máu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, kẻ ra sức đàn áp và bố ráp những người dân tham gia hoạt động cách mạng ở một ngôi làng. Một trong những cảnh phim gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là cảnh Đại úy Long ra lệnh chôn sống lão nông Tám Quyện trước mặt dân làng để răn đe họ.
Vai diễn này đã ghi dấu ấn một thời về khả năng diễn xuất phản diện của Lý Huỳnh. Ông tiếp tục thành danh qua một loạt vai sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa khác trong Hòn đất (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức, Hồng Sến đạo diễn), Cô Nhíp hay Con mèo nhung.
NSND Lý Huỳnh bên gia đình. |
Do có gương mặt đàn ông quắc thước, bộ râu quai nón và vẻ ngoài khá dữ tợn, tưởng như Lý Huỳnh bị đóng đinh với những vai phản diện thì một lần nữa đạo diễn Hồng Sến lại quyết định “lột xác” ông bằng cách giao vai chính - lão nông Nam bộ giàu nghĩa khí trong bộ phim Vùng gió xoáy.
Trong bộ phim kể về công cuộc hợp tác xã miền Nam sau 1975, Lý Huỳnh vào vai Hai Lúa, người được xem là “nghệ nhân trên đồng ruộng” phải đứng trước sự lựa chọn gia nhập hợp tác xã hay tiếp tục làm một lão nông thuần chất. Lối diễn xuất nhuần nhị, khẩu khí Nam bộ đậm nét của Lý Huỳnh khiến khán giả đương thời không khỏi bất ngờ vì sự thay đổi đến 180 độ của ông trên màn ảnh. Từ một võ sư với những thế võ dũng mãnh, một sĩ quan phản diện tàn ác, Lý Huỳnh lột xác trở thành một lão nông tri điền giàu nghĩa khí, dung dị, chất phác. Vai diễn này giúp ông đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 6 (1983).
Một năm sau đó, ông tiếp tục đóng một vai đậm chất nghía khí Nam Bộ khác là ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên. Đây cũng là vai diễn đáng nhớ của ông trên màn ảnh và giới thiệu thêm một gương mặt mới - Lý Hùng, con trai của ông - người kế thừa và tiếp nối sự nghiệp điện ảnh của cha mình, đồng thời trở thành một trong những ngôi sao ăn khách nhất của dòng phim “mì ăn liền” khoảng vài năm sau đó.
Ông vua giải trí phim "mì ăn liền" thập niên 90
Vào cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước, gia đình Lý Huỳnh trở thành một thế lực mới trong dòng phim giải trí ở TP.HCM. Trong khi dòng phim chiến tranh cách mạng hay những bộ phim bao cấp đã bão hòa hoặc không thu hút được khán giả đến rạp, Lý Huỳnh là một trong những nghệ sĩ, nhà làm phim nhanh nhạy nắm bắt sự thay đổi của xu hướng thị trường.
Cùng với con trai Lý Hùng - nam diễn viên trẻ đang trở thành một tên tuổi mới hút khách sau bộ phim Phạm Công Cúc Hoa (1989), Lý Huỳnh thành lập hãng phim gia đình và trở thành nhà sản xuất, chỉ đạo - cố vấn võ thuật, cố vấn đạo diễn cho nhiều bộ phim ăn khách bậc nhất đầu thập niên 90 như Nước mắt học trò, Tình nàng áo trắng, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tây Sơn hiệp khách, Tráng sĩ Bồ Đề, Sơn thần thủy quái…
Lý Huỳnh trở thành “đầu tàu”, "thủ lĩnh" của dòng phim “mì ăn liền” trong giai đoạn tư nhân hóa điện ảnh ở TP.HCM giai đoạn này. Gia tộc họ Lý sản xuất đa dạng nhiều thể loại phim ăn khách khác nhau, từ lãng mạn học đường đến dã sử, lịch sử, thần thoại cổ tích… Các bộ phim này đều thành công về doanh thu nhờ kinh phí thấp, thu hồi vốn nhanh và đào tạo được một thế hệ ngôi sao hoàn toàn mới chiếm lĩnh thị trường điện ảnh đầu thập niên 90 như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Y Phụng, Mộng Vân…
Vào cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước, gia đình Lý Huỳnh trở thành một thế lực mới trong dòng phim giải trí ở TP.HCM. |
Lý Huỳnh cũng được xem là người trọng nghĩa khí khi mời nhiều đạo diễn tên tuổi quay trở lại làm phim trong giai đoạn này như Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Lê Dân…
Không chỉ vậy, nhờ kinh nghiệm hợp tác với điện ảnh Hong Kong trước 1975, hai cha con Lý Huỳnh - Lý Hùng bắt tay hợp tác trở lại với sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng xứ Cảng thơm như Lê Tư, Mạc Thiếu Thông, Trịnh Thiếu Thu… để sản xuất nhiều bộ phim hành động trong giai đoạn này như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99- Lưới trời lồng lộng và Phi vụ Phượng hoàng… khiến đời sống điện ảnh giải trí đầu thập niên 90 phát triển rất xôm tụ, hưng thịnh.
Cuối thập niên 90, dòng phim giải trí thoái trào, điện ảnh Việt rơi vào những khó khăn, thách thức mới về khán giả. Đến năm 2008, khi thị trường điện ảnh giải trí phần nào được phục hồi trở lại với sự xuất hiện của những nhà làm phim mới như Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Phước Sang… Lý Huỳnh films quyết tâm nhảy vào thị trường điện ảnh một lần nữa với bộ phim dã sử được đầu tư quy mô lớn Tây Sơn hào kiệt, được xem là bộ phim sử thi đầu tiên kể về người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ (Lý Hùng đóng).
Lý Huỳnh giữ vai trò nhà sản xuất, tổng đạo diễn và đóng vai Nguyễn Nhạc, Lý Hùng kiêm vai trò đạo diễn và diễn viên chính cùng sự tái xuất của một loạt gương mặt tên tuổi của dòng phim "mì ăn liền" đầu thập niên 90 như Mộng Vân, Công Hậu và cả sự xuất hiện của Hoa hậu Thùy Lâm (vai công chúa Ngọc Hân)… Bộ phim được đầu tư với kinh phí lên đến 12 tỷ đồng, tuy nhiên đã không được thành công như kỳ vọng.
Tây Sơn hào kiệt là bộ phim cuối cùng mà Lý Huỳnh tham gia sản xuất, đạo diễn cũng như diễn xuất.
Lý Huỳnh được phong tặng NSND vào năm 2012 và ông gần như rút lui khỏi phim trường sau đó, dành toàn bộ thời gian cho gia đình và hoạt động thiện nguyện.
Ở từng giai đoạn lịch sử, Lý Huỳnh đều có những đóng góp lớn và những vai diễn có tính biểu tượng trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nhiều thập niên.