Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý giải ngày sinh 32/13/1936 trên CMND của nhà văn Nhất Lâm

"Thực sự ngày sinh của tôi là ngày 04/12/1936 chứ không phải 32/13/1936. Nhưng tôi có một thẻ CMND đặc biệt, đặc biệt bởi vì ngày tháng năm sinh ghi trên đó… không giống ai".

Trong buổi gặp gỡ nhà văn Nhất Lâm chiều 24/11 tại trụ sở Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế (TP. Huế), những câu chuyện về thơ văn, về cuốn truyện ký “Người tù thông minh” vừa mới ra mắt bạn đọc và gây được sự quan tâm lớn của giới trí thức Huế vào giữa tháng 11 vừa qua, cũng không đủ "nóng" bằng chuyện nhà văn sở hữu một tấm CMND với ngày sinh đặc biệt: 32/13/1936. 

Trần tình về vấn đề này, nhà văn Nhất Lâm cho biết: "Thực sự ngày sinh của tôi là ngày 04/12/1936 chứ không phải 32/13/1936. Nhưng tôi có một thẻ CMND đặc biệt, đặc biệt bởi vì ngày tháng năm sinh ghi trên đó… không giống ai. 

Nguyên do là vào hồi năm 1979 khi tôi còn hoạt động cách mạng tại vùng biên giới phía Bắc, lúc đó, để đảm bảo bí mật quốc gia, chúng tôi được cấp một CMND riêng. CMND này có tác dụng là nếu chúng tôi bị bắt hoặc bị phát hiện là hoạt động cách mạng thì giấy tờ tùy thân (lẽ ra là quan trọng nhất này) cũng không có hiệu lực pháp lý vì cái sự sai sót đó. Cái sai đó vì vậy mà trở nên hợp lý là vì vậy.

Trên thực tế, từ sau khi hòa bình được thiết lập giữa hai miền Nam – Bắc, mọi người cũng có khuyên tôi là nên làm lại CMND cho “phổ thông” hơn, nhưng tôi nghĩ mình già rồi, cũng không cần thiết phải làm lại làm gì cho mất công, nên vẫn để như vậy”.

Hình ảnh CMND với ngày sinh "vô lý" của nhà văn Nhất Lâm.

Nhà văn cũng cho biết thêm rằng, vì mang CMND với ngày sinh “độc” như vậy cho nên những lúc giao dịch tại ngân hàng hay làm những giấy tờ liên quan khác cũng gặp không ít trắc trở. 

“Tôi cũng đã phải giải thích cho họ rất nhiều, và đưa những giấy tờ tùy thân khác có liên quan ra để chứng minh và người ta cũng hiểu cho mình. Đến bây giờ thì họ đã quá quen với ông nhà văn tóc bạc Nhất Lâm với ngày sinh đặc biệt nên cũng không gặp nhiều phiền toái”, ông nói.

Được biết, từ sau sự kiện nhà văn Nhất Lâm ký giấy xác nhận sau khi chết sẽ hiến xác cho y học được báo chí quan tâm và bạn bè đăng tải, chia sẻ hình ảnh, mọi người mới biết đến ngày sinh có một không hai này của ông nhưng ai cũng nghĩ rằng đây là lỗi thiếu trách nhiệm của những người làm hộ tịch. 

Đặc biệt, khi hình ảnh CMND của nhà văn Nhất Lâm được chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều người đã đưa ra bình luận liên hệ với vụ việc năm sinh của cầu thủ Công Phượng gây ầm ĩ truyền thông trong thời gian gần đây.

Chân dung nhà văn Nhất Lâm.

Tuy nhiên, nhà văn chia sẻ: “Cuộc sống của tôi bây giờ hết sức giản đơn, chỉ mong có sức khỏe để đi nhiều và viết nhiều hơn nữa. Đến khi mất, tôi cũng không muốn vướng bận đến ai, kể cả con cái. Hy vọng rằng việc tự nguyện hiến xác cho y học này của tôi sẽ giúp thêm cho các con, các cháu có thêm nhiều kiến thức thực tế, từ đó nâng cao tay nghề, trở thành những bác sĩ giỏi để chữa bệnh cứu người, nghĩa là tôi cũng có ích cho xã hội.

Riêng về CMND của tôi, tôi đã quá quen với sự “vô lý đến mức hợp lý” này rồi. Đó là một phần ký ức về chiến tranh của tôi, là kỷ vật thiêng liêng mà tôi vô tình sở hữu”.

Nhà văn Nhất Lâm tên thật là Đoàn Việt Lâm, sinh ra tại An Tiêm, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị. Là Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Những tác phẩm đã xuất bản:

Văn xuôi: Kinh thành bỏ ngỏ, Trăng viễn du, Đồi không tên, 12 con giáp, Đêm phù thủy, Đất quê hương, Xa Hà Nội, Người tù thông minh.

Thơ: Thức với mùa trăng, Tiếng khóc và lời ru, Vú đá, Tiếng mưa, Nhật thực.

Giữ chứng minh thư hay đổi thẻ căn cước?

Tuần qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau về chuyện thay chứng minh thư bằng thẻ căn cước.

http://infonet.vn/ly-giai-ngay-sinh-vo-ly-32131936-tren-cmnd-cua-nha-van-nhat-lam-post152118.info

Theo Ngọc Bích / Infonet

Bạn có thể quan tâm