Ngày 12/5, một video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh 3 người bị sét đánh trong cơn mưa lớn khiến nhiều người sợ hãi. Những nạn nhân này sau đó được xác định ở huyện Thái Thụy và huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Cùng ngày, địa phương này ghi nhận thiệt hại hơn 200 con lợn chết sau khi sét đánh trúng trang trại ở thôn Trần Phú, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà. Sét đánh khiến toàn bộ phần mái bị cháy và sập, nhiều vật dụng, đồ đạc trong trang trại cũng bị hư hỏng.
Với tác động có thể gây chết người và làm hư hỏng tài sản, loại hình thiên tai này trong vài năm gần đây đang khiến nhiều người lo lắng.
Sét hình thành thế nào?
Theo chuyên gia của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, miền Bắc đang trong thời điểm chuyển mùa nên thường xuyên xuất hiện những cơn mưa lớn kèm theo dông, sét, gió giật. Điều này xảy ra do sự xáo trộn giữa luồng không khí nóng, lạnh ở các tầng khí quyển.
Dông là hiện tượng khí quyển phức tạp, bao gồm sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất, tạo ra hiện tượng chớp và sấm, thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Trường hợp sự phóng điện xảy ra giữa đám mây và mặt đất được gọi là sét.
Ngày 12/5, sét đánh làm chập đường dây điện một hộ dân ở Thái Nguyên, gây cháy nhiều vật dụng trong nhà. Ảnh: Báo Thái Nguyên. |
Về nguyên lý hình thành sét, chuyên gia cho biết hai đám mây tích điện trái dấu nằm gần nhau có thể tạo ra hiệu điện thế lên đến 126 triệu vôn. Giữa hai đám mây này có một đường dẫn, hiểu tương tự như cáp dẫn điện bằng không khí. Sau đó, tia sét sẽ phóng ra từ đám mây và đi qua đường dẫn này, đánh thẳng xuống.
Đồng thời, khi gặp những khu vực cao và trống như ngọn cây, bãi đất trống, tia sét có thể phóng ra tia lửa điện. Đó là lý do người dân được khuyến cáo không nên trú ẩn ở gốc cây hay đứng ở trên bãi đất cao, trống trải khi mưa dông, sấm sét xuất hiện.
"Với nhiệt độ cao lên tới 15.000 độ C, sét có thể làm chết người, cháy nhà, hoặc làm gián đoạn và hao hụt sự truyền điện năng trên các đường dây dẫn", chuyên gia giải thích.
Thời điểm xảy ra dông, sét thường xuyên là giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 và khoảng tháng 9, tháng 10. Do đó, trong giai đoạn này, người dân cần lưu ý các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xuất hiện đi kèm khi mưa lớn.
Cách ứng phó khi có sét
Nói về cách để phòng chống sét an toàn, Viện Vật lý địa cầu cho biết khi mưa dông xuất hiện và có hiện tượng sấm chớp, người dân nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, tắt hết các đồ dùng điện, không dùng điện thoại trừ trường hợp cần thiết để tránh tạo đường dẫn cho sét.
Nếu ở ngoài trời, người dân tuyệt đối không trú mưa ở gốc cây, tránh xa vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, cuốc, xẻng, hàng rào sắt... và tìm chỗ khô ráo để tránh trú, ở vị trí càng thấp càng tốt. Đồng thời, không đứng thành nhóm người gần nhau.
Đáng lưu ý, nếu thấy lông tay, tóc dựng lên nghĩa là đang có nguy cơ bị sét đánh. Trường hợp này, người dân phải lập tức chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân). Sau khi nghe tiếng sét khoảng 7-10 phút thì có thể trở về trạng thái bình thường.
Với các công trình chuồng trại, nhà cửa, người dân cần lắp cột thu lôi đạt chuẩn để tránh thiệt hại về tài sản khi sét đánh xuống.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 2 triệu tia sét đánh xuống đất và nằm trong "tâm dông" của châu Á. Dông sét thường xảy ra từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa.
Miền Bắc đang trải qua đợt mưa lớn cực đoan dù mới ở giai đoạn đầu mùa hè. Liên tục trong các ngày 9-12/5, mưa dông xuất hiện nhiều địa phương kèm hiện tượng lốc, sét đã gây ra thiệt hại nặng nề.