Tuy nhiên, ông vẫn sẽ đóng vai trò cố vấn cấp cao cho công ty.
Tuyên bố được đưa ra sau khi 4 công ty của ông, CK Hutchison, CK Asset, CK Infrastructure Holdings Ltd và Power Assets Holdings Ltd. – đều báo lãi cao trong năm 2017.
Với tài sản 34 tỷ USD, Lý Gia Thành trở thành người giàu nhất Hong Kong trong nhiều năm liền. Ông cũng là người tiên phong trong thời kỳ mà một số người nhập cư Trung Quốc đã gây dựng nên những đế chế rộng lớn khắp châu Á.
Theo ông Joseph P.H. Fan, giáo sư tại đại học Trung Hoa ở Hong Kong, “Việc ông Lý nghỉ hưu đánh dấu sự khép lại của một thời kỳ huy hoàng. Không ai có thể thay thế vị trí của Lý Gia Thành, nhà sáng lập huyền thoại của tập đoàn lớn nhất Hong Kong”.
Lao động chăm chỉ từ khi còn trẻ
Câu chuyện “làm giàu từ tay trắng” của Lý Gia Thành nổi tiếng khắp châu Á bởi tính lan tỏa mạnh mẽ của nó. Sinh năm 1928 tại Quảng Đông, Trung Quốc, gia đình ông chuyển tới Hong Kong trong những năm 1940. Đây là giai đoạn diễn ra chiến tranh Trung – Nhật.
Tỷ phú Lý Gia Thành. Ảnh: Bobby Yip/ Reuters . |
Ông buộc phải nghỉ học sau khi cha mất. 16 tuổi, ông làm việc tại một nhà máy sản xuất nhựa và gánh trên vai nguồn sống của cả gia đình. Sự nhọc nhằn này đã giúp ông trở thành doanh nhân nhiều kinh nghiệm khi còn khá trẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes năm 2010, ông chia sẻ: “Điều tồi tệ nhất trong tuổi thơ của tôi là tận mắt thấy cha mình chịu đựng rồi cuối cùng qua đời vì bệnh lao. Gánh nặng nghèo khó, nỗi cay đắng bất lực và cả sự cô đơn đã khắc ghi trong tim tôi những câu hỏi đến tận ngày hôm nay. Liệu người ta có thể thay đổi được vận mệnh? Liệu khó khăn có ít đi khi chúng ta giảm bớt những chuyện phức tạp? Và chúng ta có thể thành công nhờ hoạch định tỉ mỉ hay không?”
Trong suốt những năm tháng làm việc tại nhà máy, Lý Gia Thành đã làm việc cật lực 16 tiếng 1 ngày, không có lấy một ngày nghỉ. Ngay cả khi trở thành tỷ phú, ông vẫn giữ nhịp độ làm việc như vậy.
“Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì hồi trẻ đã rất ham học”
Năm 1950, với số tiền 6.500 USD tích góp và vay mượn từ họ hàng, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nhà máy sản xuất nhựa đầu tiên của mình, Cheung Kong Industries. Tên công ty “Cheung Kong” được lấy cảm hứng từ dòng sông Trường Giang, nơi hàng loạt dòng suối, nhánh sông cùng hòa vào một. “Cheung Kong” thể hiện niềm tin của Lý Gia Thành về tinh thần đoàn kết đồng lòng và sức mạnh của nỗ lực tập thể.
Năm 1972, công ty chính thức lên sàn chứng khoán Hong Kong, mở rộng đế chế của mình ra hơn 50 quốc gia với khoảng 300.000 nhân viên.
Ông Lý điều hành một trong những công ty khai thác container lớn nhất thế giới, Hutchison Port, cùng hãng bán lẻ mỹ phẩm và dược phẩm Watsons.
Tính đến năm 2015, toàn bộ việc kinh doanh của ông Lý được chia ra ở hai công ty chính: CK Asset Holdings phụ trách kinh doanh bất động sản, và CK Hutchison phụ trách những lĩnh vực khác. Cả hai công ty có tổng vốn hóa thị trường lên tới hơn 80 tỷ USD.
Bắt đầu từ những lần đầu tư nhà đất tại địa phương, Lý Gia Thành dần gây dựng đế chế kinh doanh của mình, bao gồm các công ty bán lẻ, năng lượng, cảng, viễn thông, truyền thông và công nghệ sinh học trên khắp thế giới. Ngoài ra, công ty của ông Lý cũng nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Vương quốc Anh.
Tỷ phú Lý Gia Thành sẽ nghỉ hưu ở tuổi 70. Ảnh: Tyrone Siu/ Reuters. |
Khi được phóng viên Bloomberg hỏi làm thế nào ông có thể học về kinh doanh khi phải nghỉ học từ rất sớm, ông cho biết: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn vì hồi trẻ đã rất ham học. Tôi đã phải vừa học vừa làm vì vậy đó luôn là một cuộc đua với thời gian để có thể học được nhiều hơn”.
Ông cho rằng thành công của mình đến từ việc tự học và đọc nhiều sách. Từ những ngày đầu thành lập, ông đã tự mình hoàn thành sổ sách kế toán công ty dù chưa qua một trường lớp nào. Tất cả đều là do ông tự học qua sách vở.
Ông chia sẻ: “Nếu có một ngành nào mới, tôi sẽ mua sách đọc và tìm hiểu về ngành đó. Như khi tôi mở nhà máy sản xuất nhựa, tôi đã đọc tạp chí nổi tiếng của Mỹ là 'Modern Plastics', có rất nhiều thông tin bổ ích tôi có được nhờ cách học này”.
Kết hợp chính trị với kinh doanh
Thời cơ đến, Lý Gia Thành đầu tư vào bất động sản khi những người khác ra sức bán đi. Nhất là vào năm 1967, hỗn loạn xảy ra do cuộc Cách mạng Văn hóa được phát động đã khiến giá nhà đất ở Hong Kong giảm mạnh.
Phi vụ thành công nhất trong sự nghiệp kinh doanh của ông là vào năm 1979, khi ông mua lại Hutchison Whampoa từ Ngân hàng Hongkong và Thượng Hải (nay gọi là HSBC Holdings Plc). Ông đã lặng lẽ đàm phán với ngân hàng, mua lại cổ phần của Hutchison với giá thấp hơn 50% giá trị của công ty này. HSBC đồng ý, và Lý Gia Thành trở thành người gốc Trung Quốc đầu tiên sở hữu một công ty được người Anh gây dựng. Công ty này từng chiếm lĩnh nền kinh tế Hong Kong từ khi thành lập vào năm 1841.
Danh tiếng của thương vụ này giúp mở đường cho ông Lý đầu từ vào Đại lục Trung Quốc. Tại đây, ông kết hợp quan hệ chính trị với lợi ích tài chính. Ông từng là cố vấn cấp cao cho chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Anh trao trả Hong Kong vào năm 1997. Ông cũng làm việc tại hội đồng bàn thảo Luật cơ bản, hiến pháp của Hong Kong dưới sự cai quản của Trung Quốc.
Tỷ phú châu Á và chiếc đồng hồ Seiko 50 USD
Trong suốt 20 năm liền, ông được tạp chí Forbes bình chọn là người giàu nhất Hong Kong. Trong nhiều năm, ông là người giàu nhất châu Á. Giá trị tài sản ròng hiện tại của ông đạt khoảng 35,3 tỷ USD.
CK Hutchison hoạt động tại hơn 50 quốc gia trên thế giới . |
Ông được truyền thông mệnh danh là “Superman” nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh của mình. Ngoài ra, theo tờ CNBC, ông được cho là đã góp phần giúp Hong Kong trở thành trung tâm tài chính và kinh tế sôi động như hiện nay.
Giống như tỷ phú người Mỹ Warren Buffet, Lý Gia Thành cũng nổi tiếng là đại gia có lối sống tiết kiệm, dù sở hữu nhiều thành tựu và tài sản khổng lồ. Nếu như sự giản dị của ông Buffet gắn liền với hình ảnh chiếc điện thoại nắp trượt Samsung, thì đối với ông Lý thì đó là chiếc đồng hồ đeo tay.
Trong một thời gian dài, ông Lý vẫn đeo chiếc đồng hồ Seiko trị giá 50 USD. Chỉ mới gần đây ông mới chuyển sang dùng loại đồng hồ khác hiệu Citizen có giá 500 USD, vì tính tiện dụng và hiệu quả của nó.
“Là tỷ phú nhưng tôi không thấy hạnh phúc”
Cũng giống như nhiều tỷ phú khác, ông Lý là một nhà thiện nguyện rất tích cực. Dự định sau khi nghỉ hưu của ông là dành nhiều thời gian hơn cho quỹ từ thiện của mình.
Chia sẻ với Bloomberg vào năm 2016, ông nói: “Trước tuổi 30, tôi đã kiếm đủ tiền để lo cho gia đình sống thoải mái đến cuối đời mà chẳng cần làm gì nữa. Hồi đó việc kinh doanh của tôi rất tốt, công ty tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng dù rất giàu có, tôi không thấy hạnh phúc.
Sở hữu tài sản kếch xù không mang lại niềm vui, nhưng bạn lại chẳng thể làm gì nếu không có tiền. Rồi một ngày tôi nghĩ đến việc thành lập quỹ riêng, dành 1 phần 3 tài sản của mình vào đó. Tôi coi quỹ này như người con thứ 3 của mình và đầu tư tiền cho nó làm ăn. Điều này khiến tôi hạnh phúc và hào hứng trở lại.”
Quỹ Lý Gia Thành được thành lập vào năm 1980. Từ đó đến này, quỹ đã trao nhiều khoản, trợ cấp, học bổng về giáo dục, y tế và nhân quyền.