PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, kiêm Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống Tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong cơ thể mỡ tồn tại ở 3 dạng khác nhau: Mỡ máu, mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ bụng bao gồm mỡ nội tạng và mỡ dưới da bụng. Trong đó, mỡ nội tạng là tổ chức mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng.
Nguyên nhân vòng bụng to
Bạn có thể tự đánh giá được mỡ bụng của mình thuộc mỡ dưới da hay mỡ nội tạng bằng cách dùng tay véo vào bụng. Nếu mỡ dưới da mỡ sẽ nằm trong tay của bạn, di chuyển được dễ dàng. Còn mỡ nội tạng thì mỡ dưới da bụng ít còn lại trong nội tạng. Vì vậy, đa số béo bụng dưới thì cả mỡ dưới da và mỡ nội tạng.
Theo PGS Tuấn, có nhiều nguyên nhân gây ra hình thành mỡ bụng:
Thứ nhất, ngồi nhiều và lười vận động. Mỡ bụng ở nhân viên văn phòng ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều người không béo nhưng ứ đọng mỡ bụng nhiều.
Thứ hai, do hormone nội tiết thay đổi theo tuổi tác và một số bệnh lý làm thay đổi vị trí hình thành mỡ.
Thứ ba, một số người do di truyền.
Thứ tư, do dư thừa năng lượng do lượng calo bạn nạp vào cơ thể cao hơn lượng năng lượng bạn tiêu thụ. Năng lượng này tích thành mỡ dưới da và bụng là nơi dễ tập trung mỡ nhất. Trung bình, một ngày bạn chỉ ăn 1.800 - 2.000 calo, khi bạn ăn nhiều hơn thì sẽ dư năng lượng.
Bụng to nguy hiểm như thế nào?
Theo PGS Tuấn, từ xa xưa người ta đã nói vòng bụng to thì vòng đời ngắn lại, bụng to không chỉ là thẩm mỹ xấu mà nó là mối nguy hiểm với sức khỏe.
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nguy hiểm của vòng eo lớn. Tăng thêm 2,5 cm vòng eo thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên 10%.
Một nghiên cứu ở trên 3.000 phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh ở Ấn Độ người ta thấy phụ nữ có vòng eo và vòng hông bằng nhau nguy cơ ung thư vú tăng 3 đến 4 lần. Vòng bụng to còn ảnh hưởng tới cả độ thông minh, sáng suốt của phụ nữ, làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Béo bụng được chứng minh tăng gấp đôi khả năng tử vong sớm dù bạn không béo phì (BMI trên 30).
Ngoài ra, béo bụng ảnh hưởng rất nhiều tới thẩm mỹ. Nhiều người tìm tới bác sĩ họ coi rằng vòng bụng là khiếm khuyết của cơ thể, ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc.
Mỡ bụng nhiều cũng ảnh hưởng tới xương khớp. Mỡ bụng nhiều tăng trọng lượng của cơ thể lên xương.
Béo bụng thường đi kèm cholesterol cao, xơ hóa mạch máu, cản trở quá trình tuần hoàn trong cơ thể làm cho cơ thể dễ bị mắc bệnh hơn, người bệnh có thể gây ra cơn đau tim, đột ngột. Người vòng bụng to dễ bị gan nhiễm mỡ để lâu có thể gây ung thư gan, xơ gan.
Mỡ bụng cũng liên quan tới bệnh tiểu đường, rối loạn nội tiết như mất ngủ, dễ cáu gắt, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, làm tăng nguy cơ ung thư cao hơn như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng, tuyến giáp. Bệnh không chỉ xảy ra với nữ giới mà ngay cả nam giới cũng bị ảnh hưởng.
Cách giảm mỡ bụng
PGS Tuấn cho rằng khi bạn béo bụng, bạn khó nhắm đích “giảm mỡ bụng” mà bạn phải giảm mỡ toàn thân. Khi giảm mỡ toàn thân thì bạn sẽ giảm được mỡ nội tạng. Cách giảm cân toàn thân là ăn uống điều độ, tăng cường trái cây, hạt ngũ cốc, protein từ cá, hạn chế sử dụng thịt đã qua chế biến. Đặc biệt, bạn cần bỏ các đồ uống có đường bằng nước lọc, uống các đồ uống ít đường.
Việc xây dựng thực đơn lành mạnh rất quan trọng chiếm 60-70%. Thực đơn ưu tiên thực phẩm tốt và calo nạp vào luôn ít hơn calo tiêu thụ. Ví dụ một ngày bạn cần 2000 calo bạn chỉ nạp 1700 calo. Lượng calo này rất ít thức ăn, một bữa lẩu cũng có thể đã nạp 2000 calo đủ năng lượng cho cả ngày hoạt động của cơ thể.
Với người chưa béo phì nhưng bụng to, bạn chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng luyện tập sẽ cải thiện. Các biện pháp cắt mỡ, hút mỡ là biện pháp thụ động nếu bạn không thay đổi thực đơn, luyện tập thì hút mỡ xong, cắt mỡ bụng xong thì mỡ vẫn tập trung lại ở vùng bụng.
Một số người dù nỗ lực giảm mỡ bụng nhưng không thành công, mỡ bụng không giảm, PGS Tuấn cho rằng có thể do tập sai kỹ thuật, người béo bụng nên tập các bài tăng cơ bụng, phối hợp bài tập toàn thân, không lệ thuộc quá nhiều bài tập cơ bụng.