Sau 5 tuần áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm tại TP.HCM có xu hướng đi ngang. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận xu hướng giảm số ca mắc ở TP.HCM của TP.HCM không bền vững, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, TP tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến 15/9.
Ủng hộ quyết định này, chuyên gia và lãnh đạo một số quận, huyện cũng cho rằng hiện nay, TP.HCM chưa nên nghĩ tới việc gỡ giãn cách xã hội.
"Vùng xanh" chưa muốn hạ mức giãn cách
Toàn TP.HCM hiện chỉ có 2 quận, huyện "xanh” là huyện Cần Giờ và quận Phú Nhuận. Không chỉ có số ca nhiễm thấp nhất, 2 địa phương này còn thuộc nhóm có độ phủ vaccine cao nhất trên toàn TP.HCM. Đây là những yếu tố quan trọng giúp Cần Giờ và Phú Nhuận sớm quay trở lại với “bình thường mới”.
Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng đánh giá tình hình dịch bệnh tại huyện cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn rất cao do tiếp giáp với khu vực “đỏ” khác. Dân số ít nhưng địa bàn rộng cũng là yếu tố khiến Cần Giờ lo lắng.
Huyện đang xây dựng phương án cụ thể tới 31/8 để có thể kiểm soát hoàn toàn bệnh dịch. Trước mắt, quan điểm của Cần Giờ là tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau 15/8.
TP.HCM hiện chỉ có 2 vùng xanh là huyện Cần Giờ và quận Phú Nhuận. Bản đồ Covid-19. |
Ba giải pháp căn cơ được huyện Cần Giờ đặt ra là: Siết chặt Chỉ thị 16, mở rộng vùng xanh; tiêm phòng và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Đối với hướng chuyển sang Chỉ thị 15, ông Dũng cho biết phải làm sao đảm bảo "xanh hóa" nơi nào thì giữ nguyên nơi đó, sau đó mới tính tới giảm giãn cách.
Huyện đánh giá vẫn còn nguy cơ lây nhiễm ngay trong nội bộ cũng như từ bên ngoài. Có phà Bình Khánh ngăn cách với phần còn lại của TP.HCM nhưng ông Dũng cho rằng không thể hình dung đây như “cánh cửa”. Bởi lẽ phà cũng là phương tiện giao thông và người được phép đi lại, làm việc ở ngoài huyện vẫn được ra vào bình thường, chưa kể đến việc nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm.
Chúng tôi thực sự chưa làm sạch được trong huyện, nếu nới lỏng ra ngay thì nguy cơ rất cao
Bí thư Cần Giờ Lê Minh Dũng
“Chúng tôi thực sự chưa làm sạch được trong huyện, nếu nới lỏng ra ngay thì nguy cơ rất cao”, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ nói.
Chiến lược của huyện là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, từng bước "xanh hóa" những vùng còn "đỏ" và "vàng" như xã Bình Khánh, xã Long Hòa, giải tỏa dần các khu phong tỏa. Song song với đó là giữ chặt bền vững những vùng còn xanh.
Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, cũng có nhận định tương tự. Quận Phú Nhuận hiện đã phủ 98% vaccine cho người dân (1 mũi) và cũng có tỷ lệ F0 gần thấp nhất thành phố. Tuy nhiên, địa phương này chưa sẵn sàng giảm mức giãn cách sau 15/8. Ông Tùng cho biết mục tiêu cuối cùng của quận là giảm giãn cách bởi không thể giãn cách mãi, nhưng phải chọn thời điểm thích hợp.
Quận Phú Nhuận tuy nhỏ nhưng mật độ dân số rất đông, với hơn 30.000 người/km2. Là "vùng xanh" nhưng bao quanh quận đều là các "vùng đỏ" gồm quận Gò Vấp, Tân Bình,1, 3, Bình Thạnh. Mức độ giao thương giữa các vùng tiếp giáp cao nên nguy cơ với quận cũng rất lớn.
Thời gian tới, quận vẫn tập trung giãn cách tối đa, mở rộng vùng xanh, đồng thời, cải thiện năng lực điều trị Covid-19 cho người dân.
TP.HCM hiện tập trung vào công tác điều trị để hạn chế ca tử vong. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bày tỏ sự ủng hộ với việc TP.HCM kéo dài việc siết chặt Chỉ thị 16, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế, cho rằng khi số ca nhiễm vẫn cao như hiện nay, thành phố chưa nên vội gỡ bỏ các biện pháp giãn cách.
Ông Phu đánh giá TP.HCM lúc này chọn chiến lược không xét nghiệm diện rộng mà tập trung vào điều trị và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine là hợp lý so với tình hình. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng để xác định số ca nhiễm đã thực sự giảm hay chưa, thành phố nên thiết kế lại công tác xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch theo vùng đại diện, chia làm 2 giai đoạn 15/8-31/8 và 1/9-15/9.
Chuyên gia nhấn mạnh để đánh giá cần chuyên gia dịch tễ, chuyên gia xét nghiệm và cơ quan quản lý lên phương án dựa trên số liệu thực tế. Từ đó, thành phố sẽ có cơ sở để tính toán giảm mức độ giãn cách.
"Về nguyên tắc, nới cũng phải nới từ từ cho các hoạt động, vùng nào tiếp tục, vùng nào nới bỏ và nới bỏ những hoạt động nào phải dựa vào nguy cơ", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.
Miễn dịch cộng đồng chỉ giảm được sự nguy hiểm của Covid-19
Những ngày giãn cách tới, TP.HCM đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số trên 18 tuổi trong tháng 8 và có độ phủ tối đa trước 15/9, nếu có đủ vaccine và sự ủng hộ của người dân. Nỗ lực này nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng để từng bước quay trở lại bình thường mới. Do đó, một tháng giãn cách sắp tới không chỉ để kiểm soát dịch mà còn để đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết các vaccine hiện nay chưa khẳng định được việc giảm sự lây nhiễm mà chỉ giảm triệu chứng nặng của những bệnh nhân mắc Covid-19 và giảm số người nhập viện, từ đó giảm số tử vong. Và chỉ khi tiêm vaccine đạt tỷ lệ tối thiểu 70% dân số và sau một thời gian nhất định mới có miễn dịch cộng đồng.
TS Phu nhấn mạnh miễn dịch cộng đồng có thể không làm giảm được số ca mắc, chỉ giảm được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Để giải quyết tình hình dịch bệnh hiện nay, vấn đề tiếp tục giãn cách, thực hiện tốt 5K để giảm số mắc và công tác điều trị vẫn phải quyết liệt thực hiện.
Chuyên gia nói miễn dịch cộng đồng chỉ giảm được sự nguy hiểm của dịch bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Miễn dịch cộng đồng là cuộc chạy đua mà nhiều nước theo đuổi trong suốt 2 năm qua, kể từ khi đại dịch bùng phát. Với chủng SARS-CoV-2 đầu tiên từ Vũ Hán, các nhà khoa học ước tính khoảng 60-70% người có thể miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm tự nhiên. Tuy nhiên, biến chủng Delta khiến nhiều thứ thay đổi.
Chúng ta không có bất kỳ thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus
GS Andrew Pollard
GS Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm vaccine Oxford, hôm 10/8 đã chỉ ra rằng miễn dịch cộng đồng là điều không khả thi với biến thể Delta. Ông phân tích các vaccine hiện tại hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, tuy nhiên, một người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2.
Delta đẩy ngưỡng miễn dịch lên tới 80-90% dân số hoặc cao hơn. Đáng nói, hiện chưa có vaccine Covid-19 phổ biến cho người dưới 18 tuổi, đẩy nguy cơ nhiễm bệnh về cho nhóm này kể cả khi đạt được độ phủ vaccine tối đa.
“Biến thể Delta vẫn có thể lây nhiễm cho những người đã được tiêm chủng. Chúng ta không có bất kỳ thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus”, GS Pollard chỉ ra vấn đề.
Cũng với mục tiêu tiêm phủ vaccine nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, Israel là một hình mẫu mà TP.HCM có thể tham khảo.
Israel có khoảng 9 triệu dân, gần bằng dân số của TP.HCM. 60% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm khoảng 80% số người trưởng thành. Dù đạt tỷ lệ tiêm chủng tối đa, quốc gia này đang phải đối mặt với đợt lây nhiễm thứ 4 do biến thể Delta. Trong 400 ca mắc ghi nhận tính tới 12/8, có tới 240 bệnh nhân đã được tiêm vaccine Covid-19. Bệnh nhân trên 50 tuổi chiếm 90% ca bệnh nặng.
Kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước cho thấy ngay cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng tối đa, TP.HCM cũng chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách xã hội. Điều tốt nhất có thể hy vọng là nhờ vaccine, tỷ lệ nhập viện và tử vong sẽ ở mức thấp hơn.