Tạo hình Tào Tháo trong phim truyền hình Tam quốc diễn nghĩa, năm 2010. |
Không phải Tào Tháo không có thực lực, điều kiện để làm hoàng đế. Nếu như nói, chí hướng ban đầu của Tào Tháo chỉ là làm một năng thần, hoặc là sau khi qua đời, có được dòng chữ trên bia mộ: “Mộ của cố Chinh tây tướng quân Tào hầu”, vậy thì, sau này Tào Tháo lại tự giác hay vô giác đi vào con đường thẳng tới ngôi vị đế vương, cuối cùng chỉ còn cách đó một bước.
Năm 196, Tào Tháo ép Hiến đế (một cách khách khí) phải dời đô về huyện Hứa, đổi hiệu thành Kiến An, bắt đầu trở thành nhân vật quyền thế nhất trong triều. Năm 208, phế bỏ tam công, Tào Tháo là thừa tướng, nắm trọn đại quyền.
Năm 213, Hiến đế xuống chiếu, đem mười quận Hà Đông sách phong Tào Tháo là Nguỵ công, ban thêm cửu tích (1). Tháng bảy cùng năm, Tào Tháo cho lập tông miếu xã tắc của Nguỵ quốc ở Nghiệp Thành; tháng mười một, Nguỵ quốc thiết lập thượng thư, thị trung và lục khanh, thực tế Tào Tháo đã trở thành vua của một công quốc.
Năm 214, Tào Tháo bắt đầu hưởng thụ đãi ngộ của tước vương. Năm 215, Hiến đế cho Tào Tháo quyền phân phong chư hầu, nắm quyền lực thái thú và quốc tướng. Năm 216, Hiến đế tiến phong Tào Tháo là Nguỵ vương, thừa tướng Nguỵ quốc đổi là tướng quốc, tập tinh kỳ của thiên tử, ra vào xưng cảnh tất (2). Về sau Tháo còn được hưởng những nghi lễ dành riêng cho thiên tử, như mũ có mười hai chuỗi ngọc. Đến đây, Tào Tháo không chỉ nắm trọn chính quyền nhà Hán, mà về hình thức đã giống như thiên tử nhà Hán, khác chăng chỉ là danh hiệu hoàng đế.
Nhưng Tào Tháo lại không cần.
Phải chăng Tào Tháo không muốn? Không. Liệu có ai không hiểu làm hoàng đế là tốt, có ai không muốn làm hoàng đế? Thời đó, đúng như lời Vương Xán nói với Lưu Tông: “Nhà nhà muốn là đế vương, người người muốn là công hầu”. Tào Tháo chưa có điều kiện chăng? Cũng không phải. Miền bắc Trung Quốc về cơ bản đã thống nhất, Hán thiên tử đã chẳng còn gì, trong ngoài, trên dưới triều đình đều là người của Tào Tháo, quân lính của Tào Tháo chỉ còn chờ Tào Tháo ra lệnh.
Tào Tháo bỏ không làm hoàng đế, tất nhiên, đó là mưu sâu chí xa của Tào Tháo và đồng thời cũng là nỗi khổ tâm của Tào Tháo. Thì ra, Tào Tháo đã dựa vào cái gọi là “hưng nghĩa binh, trừ bạo loạn, phò tá thiên tử, vương thất”.
Bắt đầu khởi binh từ năm 189, đánh Đổng Trác, Viên Thuật, giết Lã Bố, dụ hàng Trương Tú, đánh Viên Thiệu, bình Ô Hoàn, diệt Lưu Biểu, đuổi Tôn Quyền, định Quan Trung, đánh Lưu Bị, luôn với danh nghĩa tôn Hán, giương cao ngọn cờ đánh đuổi nghịch tặc. Sau khi để Hiến đế dời đô, còn là “phụng thiên tử lệnh kê không thần phục”.
Đó là vốn liếng chính trị của Tào Tháo và cũng là gánh nặng về chính trị của Tào Tháo. Tào Tháo còn phải gánh tiếp phần gánh nặng đó. Vứt bỏ gánh nặng đó cũng đồng thời là vứt bỏ ngọn cờ của mình. Không còn ngọn cờ đó, Tào Tháo sẽ dựa vào cái gì để hiệu triệu thiên hạ, thu phục lòng dân?
Đúng vậy, trong đấu tranh chính trị, ngọn cờ là quan trọng nhất. Viên Thuật mất cờ, thân bại danh liệt; Viên Thiệu giương cờ không cao, nhà tan người mất; Tôn Sách, Lã Bố, Lưu Biểu không cờ hiệu, cũng chẳng làm nên trò trống gì; Lưu Bị dựa vào danh nghĩa là hoàng thúc, giương cao cờ, để từ không thành có, từ yếu thành mạnh. Những bài học kinh nghiệm trước mắt, Tào Tháo không thể không biết.
Vì thế, Tào Tháo đã nhiều lần bộc bạch với người thiên hạ: Tào mỗ tuyệt không cướp ngôi nhà Hán! Nhiều nhất là muốn làm Tề Hoàn công, Tấn Văn công hoặc Chu công. Thành vương lúc nhỏ, nếu không có Chu công, há chẳng bị Quản Thúc, Sái Thúc thoán vị rồi sao? Như hiện nay, nếu không có Tào mỗ, thì không rõ “đã mấy người xưng đế, mấy người xưng vương”? Đó là sự thực và rất phiền hà. Vì việc không cho người khác làm, thì chính mình cũng không nên làm hoặc ít ra cũng đừng làm một cách trắng trợn. Luôn đi “bắt giặc” lại thành giặc, chẳng phải là giặc lại hô hào bắt giặc hay sao?
Việc giặc hô hào bắt giặc, không phải Tào Tháo chưa từng làm, nhưng việc cướp nước không giống như việc cướp dâu, không thể không nói tới sách lược chính trị.
Hơn nữa, trong thâm tâm Tào Tháo cũng đã rõ, Lưu Bị, Tôn Quyền và mấy người trong triều đều không chịu an phận. Trong số họ có người muốn làm hoàng đế, có người muốn làm công thần, có người muốn mượn gió lật thuyền, nhờ nước đục thả câu, chỉ là họ không nói ra, không nói ra được, họ âm thầm lặng lẽ, chờ xem Tào Tháo làm như thế nào.
Đương nhiên, cũng có những người gọi là chính nhân quân tử thực lòng thực bụng bảo vệ Hán thất. Họ luôn cảnh giác, chú ý mọi cử chỉ, lời nói việc làm của Tào Tháo. Nếu có gì sai, họ liền hợp lại để công kích. Nếu hậu viện bốc lửa thì cánh Lưu Bị, Tôn Quyền sẽ mừng rỡ, để rồi lửa đổ thêm dầu, thừa cơ làm loạn, bắt tay với phái phản đối trong triều, tìm cách chống trả. Nếu như vậy, thì thời cục sẽ rối ren, những thành quả thắng lợi sắp đến tay, bỗng dưng sẽ mất sạch.
Tào Tháo biết quá rõ lợi và hại. Tốt thôi, các người không nói, ta cũng không nói. Các người vờ vĩnh, ta cũng vờ vĩnh. Tới lúc đó, xem ai là người không nhịn được? Đấu tranh chính trị là một nghệ thuật, chỉn chu nhất sẽ là dưa chín cuống rụng, cái gì đến rồi sẽ đến. Nếu khinh suất manh động quá sớm là hành động mù quáng, bị dẫn dụ mà không lộ tài mới là cao thủ. Tào Tháo là cao thủ, biết kìm nén nhẫn nhịn.
Vì vậy, lúc Tôn Quyền dâng biểu xưng thần, thuộc hạ hết lời khuyên can, Tào Tháo mưu sâu chí xa, chỉ nói một câu thật thâm thúy: “Khổng Tử từng nói, chỉ cần có ảnh hưởng tới chính trị là đã tham chính, việc gì còn phải làm tới chức này chức nọ? Nếu thiên mệnh trao cho ta, ta làm Chu Văn vương là được rồi!
Lời nói đầy tính sách lược, rất sinh động, đầy đủ ý tứ.
Nó nói rõ, bản thân Tào Tháo không có ý tiếm ngôi, nhưng cũng không loại trừ khả năng, con cháu sau này có thể thay triều đổi đại. Còn như bọn Tào Phi có làm điều đó không, còn phải xem thiên mệnh và khả năng của chúng. Làm được, ta là thái tổ, làm không xong, ta là trung thần. Tào Tháo tính toán thật tuyệt.
Huống hồ Tào Tháo còn là người thực dụng. Tào Tháo có câu danh ngôn: “Đừng mộ hư danh mà chuốc lấy họa thực”. Chỉ cần bản thân có đầy đủ mọi thứ của thiên tử, còn cái hư danh gây tranh chấp rắc rối kia thì thiết gì!