Khi truyền thông Mỹ đang tràn ngập thông tin cựu Tổng thống Trump có thể sẽ sớm bị bắt, các nguồn tin cho biết ông Trump đang suy tính về cách sẽ tự giao mình cho nhà chức trách sau khi lệnh bắt giữ được công bố.
Một số bạn bè và cộng sự cho biết ông Trump muốn được dẫn giải trước sự quan sát của đông đảo báo giới. Ông Trump thậm chí còn nói về việc có nên tươi cười với cánh phóng viên hay không, ông cũng đang suy tính về phản ứng của công luận khi lần đầu tiên một cựu tổng thống bị bắt, theo New York Times.
Nhiều nguồn tin còn cho biết ông Trump đã nói với các cộng sự rằng ông muốn được còng tay khi xuất hiện trước tòa.
Tính toán của ông Trump
Ông Trump có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan vụ dùng tiền để "bịt miệng" cựu diễn viên phim người lớn Stormy Daniels. Nếu bị truy tố và kết án, cựu tổng thống có thể bị tuyên mức án 4 năm tù giam.
Trong trường hợp ông Trump bị buộc tội, hiện chưa rõ nhà chức trách Mỹ có dẫn giải ông trước sự quan sát của báo giới như vẫn thường làm với các đối tượng bị truy tố khác hay không.
Nếu cựu tổng thống bị truy tố và ông tự nguyện nộp mình cho nhà chức trách, nhiều khả năng cơ quan mật vụ, với nhiệm vụ bảo vệ ông Trump, và cơ quan thực thi pháp luật sẽ dàn xếp không để quá nhiều phóng viên tập trung khi vụ bắt giữ diễn ra.
Cựu Tổng thống Trump. Ảnh: New York Times. |
Một người giấu tên đã trò chuyện với ông Trump cho hay cựu tổng thống không quá quan tâm vụ bắt giữ sẽ diễn ra ở đâu. Điều mà ông đang tính toán là liệu ông có cơ hội cho công chúng thấy bản thân mình sẽ không ra đi trong tủi hổ.
Một số nguồn tin thường tiếp xúc với cựu tổng thống cho biết dù đang đối mặt nguy cơ bị cáo buộc phạm tội hình sự, ông Trump dường như không quá quan tâm tới mức độ nghiêm trọng mà các cáo buộc nhắm vào ông.
Ngoài cuộc điều tra liên quan tới Stormy Daniels, ông Trump đối mặt 3 cuộc điều tra khác ở Georgia, New York và Washington.
Bất chấp rủi ro về pháp lý, ông Trump vẫn tiếp tục trưng ra vẻ ngoài mạnh mẽ, tránh biểu lộ bất cứ điểm yếu nào trong hoàn cảnh hiện tại. Đây là phản ứng đặc trưng mà ông đã lặp đi lặp lại mỗi khi đối mặt các cuộc khủng hoảng chính trị, có thể kích động những người ủng hộ.
"Ông ấy muốn tỏ ra thách thức nhằm cho thế giới thấy rằng nếu ông có thể bị đối xử như vậy, bất cứ người nào khác cũng có thể trở thành nạn nhân", ông nguồn tin cho biết.
Những ngày qua, ông Trump đã thảo luận về khả năng gây sức ép nhắm vào các công tố viên, các đảng viên Dân chủ, thậm chí một số chính trị gia Cộng hòa, nhằm khiến công tố viên New York Alvin Bragg, người phụ trách cuộc điều tra, từ bỏ cáo buộc chống lại ông.
Các chuyên gia pháp lý tin rằng khả năng này là rất thấp. Tuy vậy, cựu tổng thống từ lâu mang theo niềm tin rằng bản thân ông có khả năng thay đổi các sự kiện theo ý chí mình, và đôi lúc đã thành công.
Ông Bragg từng tiến hành nhiều vụ kiện nhắm vào chính quyền cựu Tổng thống Trump. Mới đây, công tố viên New York tuyên bố quyết định pháp lý của ông sẽ không bị ảnh hưởng bởi các nhân tố chính trị.
Cơ hội của ông Trump?
Với cựu tổng thống Trump, việc bị truy tố và thậm chí kết tội dường như sẽ không quá ảnh hưởng tới các quyết sách trong tương lai của ông. Trong quá khứ, ông Trump đã nhiều lần vượt qua các vụ bê bối vốn có thể nghiền nát tương lai sự nghiệp của bất cứ chính trị gia nào khác.
Ngay cả sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol năm 2021, khi gần như toàn bộ phe Cộng hòa quay lưng, ông Trump vẫn tìm ra cách để xoay chuyển tình thế.
Từ chỗ là người thất bại trong cuộc bầu cử 2020, bị đổ lỗi là nguyên nhân chính gây ra vụ bạo loạn làm rung chuyển nền tảng của nền dân chủ Mỹ, ông Trump đã vươn lên trở thành thế lực mạnh nhất trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Các cử tri trung thành với ông Trump bên ngoài Mar-a-Lago. Ảnh: New York Times. |
Hai năm trước, cựu tổng thống tưởng như không còn cơ hội quay trở lại chính trường. Nay, ông Trump là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Dù đối mặt hàng loạt cuộc điều tra hình sự, ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.
Ông Trump và các trợ lý tự tin rằng cáo trạng chống lại cựu tổng thống có thể mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như thúc đẩy chiến dịch gây quỹ đi kèm lời kêu gọi người ủng hộ quyên góp tiền để hỗ trợ cựu tổng thống.
Ông Trump một lần nữa cho thấy ảnh hưởng của mình với các cử tri bảo thủ. Tuy nhiên, việc kích động các cử tri trung thành cũng sẽ gây tổn hại cho vốn liếng chính trị của ông, cái giá phải trả là cựu tổng thống thêm mất lòng các cử tri chưa ra quyết định hoặc cử tri ôn hòa trong đảng Cộng hòa.
Trong liên tiếp 3 kỳ bầu cử, nhóm cử tri này đã chống lại ông Trump và các ứng viên mà ông bảo trợ, mang tới những kết quả đáng thất vọng cho đảng Cộng hòa.
"Hiện tại, ông Trump dường như vẫn sẽ theo đuổi công thức xử lý khủng hoảng truyền thống của mình. Cách làm này hy sinh kế hoạch dài hạn để thu về một số lợi ích trước mắt", New York Times bình luận.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.