Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do nữ giới đối phó tốt hơn với Covid-19

Không chỉ với Covid-19, nhiều bệnh ở động vật có vú khác cũng xuất hiện thực trạng giống đực dễ mắc và chết hơn giống cái.

Zing lược dịch từ bài viết của tác giả Jenny Graves, đăng trên Science Alert.

Tại những quốc gia Covid-19 bùng phát mạnh mẽ như Mỹ, Italy, Trung Quốc, thống kê cho thấy tỷ lệ đàn ông tử vong vì dịch bệnh cao hơn phụ nữ. Đâu là nguyên nhân? Có phải gen, nội tiết tố (hormone), hệ thống miễn dịch hay thói quen sinh hoạt khiến đàn ông dễ mắc bệnh hơn?

Tôi thấy đó là sự cộng hưởng của tất cả yếu tố kể trên. Không chỉ với virus SARS-CoV-2, nhiều bệnh ở động vật có vú khác cũng xuất hiện thực trạng giống đực dễ mắc và chết hơn giống cái.

Những con số nghiệt ngã

Ở Italy và Trung Quốc, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của nam giới cao gấp đôi phụ nữ. Con số này tại New York (Mỹ) là 61%. Australia cũng có xu hướng tương tự, mặc dù các ca tử vong chủ yếu rơi vào nhóm tuổi 70-79 và 80-89.

tu vong vi Covid-19 anh 1

Đàn ông tử vong vì Covid-19 cao hơn phụ nữ. Ảnh: Getty Images.

Một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tử vong của người mắc Covid-19 là độ tuổi. Tuy nhiên, điều này không giải thích sự chênh lệch về giới tính.

Sự xuất hiện của các bệnh mạn tính - đặc biệt là bệnh tim, tiểu đường và ung thư - cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là các bệnh phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Do đó, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ mà chúng ta đang quan tâm.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao đàn ông dễ mắc các căn bệnh này?

Sự khác biệt về sinh học

Đàn ông và phụ nữ khác nhau về nhiễm sắc thể giới tính cùng các gen nằm trên chúng. Phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể cỡ trung bình (được gọi là X). Đàn ông chỉ có một nhiễm sắc thể X và nhiễm sắc thể Y nhỏ chứa ít gen.

Một trong những gen Y này (SRY) điều khiển phôi trở thành nam bằng cách kích thích sự phát triển của tinh hoàn trong phôi chứa nhiễm sắc thể XY. Tinh hoàn tạo ra nội tiết tố nam, làm cho đứa trẻ phát triển thành cậu bé. Trong trường hợp không có SRY, buồng trứng hình thành và tạo ra nội tiết tố nữ.

Hormone kiểm soát hầu hết sự khác biệt giữa nam và nữ, từ bộ phận sinh dục, ngực, tóc đến hình dáng cơ thể, đồng thời ảnh hưởng lớn cả hành vi.

Nhiễm sắc thể Y và hormone

Nhiễm sắc thể Y hầu như không mang bất kỳ gen nào ngoài SRY nhưng nó chứa đầy các chuỗi di truyền lặp lại, được gọi là DNA rác. Có khả năng một "Y độc hại" nào đó bị mất kiểm soát trong quá trình lão hóa. Điều này đẩy nhanh sự lão hóa ở nam giới và khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn.

tu vong vi Covid-19 anh 2

Nhiễm sắc thể Y là nguyên nhân gây rắc rối cho nam giới. Ảnh: Nature Genetics.

Nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất đối với nam giới là nội tiết tố nam do SRY sinh ra. Nồng độ testosterone có liên quan đến nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh tim và ảnh hưởng tuổi thọ. Đồng thời, đàn ông cũng bị thiệt thòi bởi nồng độ estrogen thấp, yếu tố bảo vệ phụ nữ khỏi nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh tim.

Nội tiết tố nam cũng tác động đến hành vi. Nồng độ testosterone cao được ghi nhận trong những người có hành động nguy hiểm như hút thuốc, uống quá nhiều rượu, không nghe các chỉ dẫn y tế và ít đến cơ sở khám chữa bệnh.

Điển hình là tỷ lệ hút thuốc ở Trung Quốc. Gần một nửa số nam giới hút thuốc trong khi tỷ lệ ở nữ chỉ 2%. Hút thuốc không chỉ là yếu tố dẫn đến các bệnh về đường hô hấp, mà còn gây ra ung thư phổi, nguyên nhân khiến cho người bệnh có nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19.

Ưu thế của 2 nhiễm sắc thể X

Nhiễm sắc thể X mang hơn 1.000 gen với các chức năng quan trọng, bao gồm quá trình trao đổi chất hàng ngày, sự đông máu và phát triển não.

Sự hiện diện của hai nhiễm sắc thể X ở con cái cung cấp cơ chế dự phòng, nếu một gen X bị đột biến, gen còn lại sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Con đực với bộ XY thiếu bản sao lưu nhiễm sắc thể X. Đó là lý do các bé trai dễ mắc bệnh liên quan đến di truyền theo giới tính, ví dụ như máu khó đông.

Con cái không chỉ có gấp đôi gen X, mà còn hưởng lợi từ hai phiên bản khác nhau của mỗi gen. Điều này là nguyên nhân sâu xa cho việc tỷ lệ nam giới tử vong cao hơn nữ ở mọi lứa tuổi ngay từ khi sinh ra.

Và một vấn đề khác của người đàn ông là hệ thống miễn dịch.

tu vong vi Covid-19 anh 3

Nhiễm sắc thể giới tính ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Ảnh: Science Alert.

Đã từ lâu, giới khoa học biết rằng phụ nữ có hệ thống miễn dịch mạnh hơn nam. Điều này không phải lúc nào cũng tốt, bởi nó làm cho họ dễ mắc các bệnh do chính hệ miễn dịch tạo ra như lupus ban đỏ và đa xơ cứng. Nhưng nhờ vậy, phụ nữ ít bị nhiễm virus, nhiều nghiên cứu trên chuột và người đã chứng tỏ điều này.

Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng nam giới dễ bị nhiễm virus hơn trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước, bao gồm cả SARS và MERS.

Có ít nhất 60 gen miễn dịch trên mỗi nhiễm sắc thể X. Dường như liều lượng cao hơn và hai phiên bản khác nhau mang lại cho phụ nữ một phạm vi phòng vệ rộng lớn.

Một phần tất yếu của tự nhiên

Sự khác biệt về tần suất nhiễm bệnh, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả điều trị trên bệnh nhân nam và nữ đã được ghi nhận từ lâu. Covid-19 chỉ là một phần của mô hình đã biết. Thậm chí điều này còn đúng với hầu hết động vật có vú.

Người ta cho rằng động vật có vú đực truyền gen của chúng bằng cách giành chiến thắng trong các cuộc tranh giành bạn tình, vì vậy, hormone kiểm soát hành vi nguy hiểm là một ưu thế tự nhiên. Ở chiều ngược lại, động vật có vú cái phát triển những đặc điểm giúp tăng cường khả năng chăm sóc con non, do đó hệ thống miễn dịch mạnh hơn.

Như vậy, sự chênh lệch giới tính trong các ca tử vong do Covid-19 có thể xem là một phần của bức tranh rộng lớn và đã biết từ lâu. Chính khác biệt trong gen, nhiễm sắc thể và hormone dẫn đến phản ứng khác nhau giữa con đực và con cái đối với các loại bệnh.

Đoạn video cho thấy một cơn ho phát tán virus xa hơn bạn nghĩ Đoạn video mô phỏng người mắc Covid-19 khi ho có thể lây lan virus qua không khí đến những người xung quanh ở các quầy hàng trong siêu thị.

Phát hiện triệu chứng mới ở bàn chân người mắc Covid-19

Ngoài những triệu chứng về hô hấp, một số người mắc Covid-19 tại châu Âu còn có biểu hiện ở bàn chân.

Nguyễn Hiếu

Theo Science Alert.

Bạn có thể quan tâm