Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do món kẹo đường trong 'Squid Game' gây sốt

Sự quan tâm đến món ăn vặt đường phố của Hàn Quốc tăng vọt kể từ khi bộ phim “Squid Game” ra mắt trên Netflix.

Một trong những ký ức đầu tiên của Maddy Park (28 tuổi) về ẩm thực đường phố là cảnh người bán hàng bật bếp gas mini bên ngoài trường tiểu học của cô ở Seoul, Hàn Quốc, để làm chiếc kẹo dalgona với giá rất rẻ. Đó là một phần của trò chơi, theo The New York Times.

Park nhớ người làm kẹo đun chảy đường rồi đánh tan với một chút muối nở (baking soda). Sau đó, họ ép phẳng hỗn hợp và thêm hình tròn, tam giác, vuông, ngôi sao hoặc chiếc ô vào giữa.

Bạn cùng lớp của Park cố gắng dùng kim để tách hình được định sẵn mà không làm vỡ kẹo. Trò chơi này có tên là ppopgi. Nếu thành công, đám trẻ sẽ giành được phần thưởng miễn phí.

Keo duong trong Squid Game anh 1

Lee Jung-jae, đảm nhận vai nam chính Seong Gi-hun trong Squid Game, cố gắng tách hình chiếc ô khỏi miếng kẹo trong trò chơi ppopgi.

Park, hiện sống ở trung tâm quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ, cho biết: “Dalgona là món ăn vặt rẻ nhất, không tốt cho sức khỏe nhưng có sức gây nghiện đối với đứa trẻ 7 tuổi như tôi hồi đó”.

Park là một trong số nhiều người Hàn Quốc có ký ức về kẹo dalgona (còn được gọi là ppopgi) nổi lên nhờ bộ phim Squid Game phát hành trên Netflix tháng trước. Nội dung phim kể về nhóm người túng quẫn, sẵn sàng liều mạng để tham gia các trò chơi thơ ấu nhằm giành giải thưởng 45,6 tỷ won (38,5 triệu USD). Tập 3 nói về ppopgi.

Món quà tuổi thơ

JinJoo Lee (55 tuổi), blogger ẩm thực Hàn Quốc, nói về ppopgi: “Trò chơi có yếu tố may rủi giống như trong Squid Game, nhưng không có sự sống hay cái chết”.

Bài viết về công thức làm kẹo dalgona của Lee, được đăng tải năm 2018, có lưu lượng truy cập tăng 30% trong vài ngày qua. Cô cho biết có nhiều loại kẹo tương tự phổ biến trên khắp thế giới, nhưng chúng có tên gọi khác nhau.

Albert Park, phó giáo sư chuyên về lịch sử Hàn Quốc tại ĐH Claremont McKenna, bang California, Mỹ, cho biết kẹo dalgona đã lấp đầy khoảng trống ngọt ngào ở Hàn Quốc thời hậu chiến cho những đứa trẻ quen với socola do lính Mỹ tặng. Loại kẹo này rất rẻ và dễ mua.

Ban đầu, những người bán hàng sử dụng glucose vì đường thô rất đắt. Họ có thể bắt đầu chuyển sang đường cát sau Chiến tranh Triều Tiên, khi các công ty bắt đầu chế biến đường từ dạng thô. Món kẹo đường trở nên phổ biến vào những năm 1960 và được bán bên ngoài các trường tiểu học, cửa hàng đồ chơi.

Keo duong trong Squid Game anh 2

Nhờ sức nóng của bộ phim, kẹo dalgona trở thành món ăn vặt nổi tiếng bên ngoài Hàn Quốc.

Theo ông Park, những người bán kẹo dalgona dần biến mất vào đầu những năm 2000, khi hình thức mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn và các cửa hàng đồ chơi bắt đầu đóng cửa. Một khả năng khác là ngành công nghiệp kẹo bùng nổ của Hàn Quốc, cùng sự gia tăng các loại kẹo rẻ tiền khác, đã khiến nhiều nhà sản xuất kẹo dalgona ngừng kinh doanh.

Gần đây, nhờ sức nóng của Squid Game, loại kẹo này đã trở lại như một món ăn vặt hoài cổ.

“Đối với một số thanh niên Hàn Quốc, đó là cách để kết nối với lịch sử mà không nhất thiết phải học từ sách vở”, vị phó giáo sư nói.

Cơn sốt toàn cầu

Các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp kẹo dalgona trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Thực tế, cái tên “dalgona” trở nên quen thuộc hơn với người Mỹ giữa đại dịch Covid-19 vì sự phổ biến của cà phê bọt biển (còn được gọi là dalgona).

Món đồ uống này trở nên nổi tiếng vào tháng 1/2020, sau khi nam diễn viên Jung Il-woo tiết lộ trong một gameshow rằng anh từng có cơ hội thưởng thức loại cà phê đặc biệt ở Macau, có hương vị thơm ngon như kẹo đường xốp dalgona nổi tiếng tại Hàn Quốc. Sau đó, cà phê dalgona gây sốt tại các cửa hàng cà phê ở xứ sở kim chi và cuối cùng lan đến Mỹ.

Tuy nhiên, một số người nói rằng sự lan truyền của kẹo dalgona qua mạng xã hội có thể khiến nó không còn ý nghĩa văn hóa vốn có.

Nancy Wang Yuen, nhà xã hội học kiêm chuyên gia về chủng tộc và phân biệt sắc tộc ở Hollywood, Mỹ, cho biết: “Kẹo dalgona đại diện cho sự hâm mộ âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc. Mọi người có thể nói ‘Ồ tôi có khám phá mới về văn hóa Hàn Quốc’ trong khi thực tế là kẹo, phim điện ảnh, phim truyền hình đều đã tồn tại”.

Keo duong trong Squid Game anh 3

Sau khi Squid Game lên sóng, nhiều người liên tục tìm kiếm cách làm kẹo dalgona tại nhà và mua bộ dụng cụ với giá lên tới 29,99 USD trên nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến.

Nhiều người yêu thích sự pha trộn giữa vị đắng và ngọt của kẹo dalgona.

Annie Yoo (46 ​​tuổi), hiện sống ở thành phố Düsseldorf, Đức, cho biết: “Vì lý do nào đó, hương vị vẫn in đậm trong tôi”.

Nhập cư vào Mỹ khi mới 6 tuổi, ký ức sống động nhất của Yoo về Hàn Quốc là những món ăn vặt như kẹo dalgona. Cô nhớ mình từng băng qua con đường đất để đến nơi người bán dalgona dưới tấm bạt.

“Tôi thực sự nhớ chiếc kẹo này. Với những hình thù nhận được, đám trẻ chúng tôi hầu như không thắng cuộc và nhận thêm bất kỳ món quà nào”, Yoo nói.

Chae Kyung-sun, giám đốc nghệ thuật của Squid Game, tiết lộ kẹo dalgona là đạo cụ khó khăn nhất để tạo ra. Cô cho biết khi phim bấm máy, người làm kẹo chuyên nghiệp ở hậu trường và luôn tay nấu đường.

Trong phim, những người tham gia trò chơi ppopgi tìm mọi cách để tách kẹo. Trong đó, nhân vật chính Seong Gi-hun liên tục liếm kẹo để tách hình chiếc ô từ giữa. Đây là kinh nghiệm thực tế từng được Hwang Dong-hyuk, biên kịch và đạo diễn phim, dùng khi còn nhỏ và chiến thắng nhiều lần.

Tuy nhiên, Maddy Park, người từng ăn kẹo dalgona bên ngoài trường tiểu học ở Seoul, không bao giờ giành được chiếc kẹo miễn phí.

Cơn sốt tách kẹo đường như trong Squid Game lan tới châu Âu

Tại quán cà phê ở thủ đô Paris (Pháp), nhiều du khách châu Âu được trải nghiệm trò chơi tách kẹo đường và chụp ảnh với nhân viên mặc đồ đỏ như trong bộ phim của Hàn Quốc.

Thiên Nhi

Ảnh: Netflix

Bạn có thể quan tâm