Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lý do Kpop từng thất bại ở Mỹ

Trước BTS, Kpop từng có nhiều nghệ sĩ như Seven, BoA, CL, Wonder Girls... nuôi ước mơ tiến vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tất cả đều phải chịu thất bại cay đắng.

Phân tích

Nhiều tờ báo lớn của châu Á từng ví showbiz Mỹ như miếng bánh lớn mà ai cũng muốn có phần. Không thể bác bỏ sự thật rằng bất kỳ ca sĩ nào, từ châu Âu đến Mỹ Latin, đều mong muốn đặt chân đến Mỹ - thị trường âm nhạc lớn nhất hành tinh. Kpop không phải ngoại lệ.

Từ năm 2006-2007, các công ty giải trí lớn mạnh nhất Hàn Quốc đã rục rịch chuẩn bị cho "gà nhà" Mỹ tiến, từ những nghệ sĩ lớn như BoA, Seven đến những nhóm thần tượng được xứ kim chi ưu ái gọi là "nhóm nhạc quốc dân" như SNSD, Wonder Girls. Tuy nhiên, tất cả đều chịu cảnh thất bại.

Hơn một thập kỷ trôi qua, BTS - đại diện vốn ít được kỳ vọng nhất - lại trở thành người mở cánh cổng hy vọng cho Kpop một lần nữa tiến đến "giấc mơ Mỹ".

Thất bại ê chề của những đại diện quốc dân

Seven từng là nam ca sĩ hàng đầu YG Entertainment nói riêng và showbiz Hàn nói chung. Anh được coi là đối thủ xứng tầm của Bi Rain khi hai người cùng có ngoại hình điển trai, vũ đạo đẹp và giọng hát biến hóa tốt trong nhiều thể loại âm nhạc.

kpop my tien anh 1

Seven hợp tác Lil' Kim trong sản phẩm Mỹ tiến Girls. Ảnh: Pinterest.

Điểm khác biệt là Bi Rain tấn công thị trường Mỹ qua phim ảnh - phương pháp an toàn và dễ mang lại hiệu quả hơn, còn Seven lại bước chân sang Mỹ với khát vọng chinh phục Billboard.

Giọng ca sinh năm 1984 là một trong những nghệ sĩ Kpop đầu tiên Mỹ tiến. Từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, YG Entertainment đã liên hệ với Lil' Kim để hỗ trợ Seven trong ca khúc Girls, đồng thời mở họp báo rầm rộ để tạo thanh thế cho nam ca sĩ.

Tuy nhiên, sau 2 năm, Seven lặng lẽ trở về Hàn Quốc vì bị chính công ty quản lý bỏ rơi khi không cho thấy triển vọng phát triển trên xứ sở cờ hoa.

Sau Seven, năm 2009, BoA - người được coi là biểu tượng của Kpop, là công chúa nhạc pop châu Á - cũng lập kế hoạch tấn công "miếng bánh Mỹ". SM Entertainment không tiếc tiền đầu tư cho nữ ca sĩ tổ chức họp báo, mini fanmeeting và các buổi diễn chào sân ở thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới. BoA miệt mài biểu diễn ở Mỹ trong 2 năm, sau đó cô trở về Hàn Quốc và không bao giờ nhắc lại chuyện Mỹ tiến.

Tiếp nối đàn anh, đàn chị, Wonder Girls được đưa sang Mỹ. JYP hy vọng bản hit Nobody với tạo hình cổ điển, âm nhạc retro có thể giúp "các cô gái diệu kỳ" tạo nên điều kỳ diệu. Ca khúc đã hạ cánh ở vị trí 76 bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vào ngày 31/10/2009. Người hâm mộ xứ kim chi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho công cuộc Mỹ tiến của nhóm.

Nhưng thực tế, Nobody đã rơi khỏi bảng xếp hạng ngay sau đó. Những cô gái người Hàn cũng không có cơ hội xuất hiện tại các sân khấu uy tín. Họ chỉ được biểu diễn tại các sự kiện nhỏ, một lần duy nhất được diễn "lót" cho Jonas Brothers.

Cả JYP và Wonder Girls đều phải chấp nhận sự thật rằng họ đã thất bại trong công cuộc đưa Kpop tiến vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cái giá Wonder Girls phải trả lớn hơn bất kỳ nghệ sĩ Hàn nào từng ôm mộng Mỹ tiến. Khi trở về, nhóm đã đánh mất vị thế nhóm nhạc nữ số một Kpop vào tay SNSD sau 2 năm lăn xả ở Mỹ.

kpop my tien anh 2

Wonder Girls lựa chọn hit Nobody làm ca khúc tấn công thị trường Mỹ. Ảnh: JYP Entertainment.

Chính SNSD cũng từng mơ đến việc ghi tên vào bảng vàng Billboard cũng như vững bước tiến vào xứ sở cờ hoa. So với các đại diện Kpop trước đó, SNSD có nhiều lợi thế hơn.

Sau thất bại của BoA, SM Entertainment đã biết lựa chọn đơn vị hợp tác để giúp SNSD quảng bá trên đất Mỹ. Nhóm được xuất hiện trên hai chương trình talk show có tiếng là Live! With Kelly và The Late Show With David Letterman. SNSD có hai thành viên quốc tịch Mỹ là Tiffany và Jessica nên không gặp trở ngại khi giao tiếp với người bản xứ.

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để giúp "nhóm nữ quốc dân" làm nên chuyện. SNSD vẫn được liệt kê vào danh sách những "cú ngã đau" của Kpop trên con đường chinh phục nước Mỹ.

Nguyên nhân ngã ngựa

BoA đã phát hành 3 single tiếng Anh là Eat You Up, I Did It For LoveEnergetic. Cô hát hay, màu giọng đẹp và có khả năng vũ đạo thuộc hàng "thượng thừa" trong giới ca sĩ Hàn Quốc. Với những ưu điểm đó, khán giả Hàn Quốc từng cho rằng BoA có đủ hành trang để Mỹ tiến.

Giới chuyên môn cho rằng nguyên nhân khiến BoA thất bại là ngoại ngữ kém. Nữ ca sĩ bị chê "hát tiếng Anh như tiếng Hàn", "phát âm không ai nghe được", "không thể tự trò chuyện với khán giả"... Bên cạnh đó, ngoại hình mảnh mai, nhỏ nhắn (chỉ cao khoảng 1,6 m) của cô không phù hợp với hình tượng gợi cảm, sexy thị trường Mỹ ưa chuộng.

kpop my tien anh 3

BoA có vốn ngoại ngữ kém, ngoại hình không phù hợp gu khán giả Mỹ. Ảnh: SM Entertainment.

Wonder Girls mắc phải sai lầm ở lựa chọn của Park Jin Young - ông chủ JYP Entertainment. Thay vì hợp tác với một hãng đĩa hoặc công ty giải trí danh tiếng để hỗ trợ "gà nhà", Park Jin Young quyết định tự lực cánh sinh.

Nhìn lại quá trình Mỹ tiến 11 năm trước, Sunmi - cựu thành viên Wonder Girls - chia sẻ trên chương trình Radio Star hôm 12/8: "Chúng tôi đi vòng quanh nước Mỹ trên một chiếc xe buýt. Khi nhóm tự giới thiệu bản thân trước mỗi buổi diễn, thầy Park Jin Young đi vòng quanh nỗ lực phát tờ rơi cho khán giả". Cô cho biết ông chủ JYP và 5 thành viên phải ngủ giường tầng ngay trong xe buýt để tiết kiệm chi phí.

Trái ngược với sự quan tâm của SM dành cho BoA hay JYP dành cho Wonder Girls, YG Entertainment có xu hướng bỏ quên nghệ sĩ. Seven từng thừa nhận anh bị bỏ bơ vơ ở Mỹ, không được hỗ trợ hoạt động. Sau đó, nam ca sĩ tự trở về Hàn Quốc, xông thẳng vào phòng làm việc của chủ tịch công ty quản lý để giải quyết vấn đề.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với CL - cựu thành viên 2NE1. Nữ rapper giao tiếp ngoại ngữ như người bản xứ, có mối quan hệ rộng trong giới giải trí, là bạn của nhiều nghệ sĩ Âu Mỹ như Diplo, RiFF RAFF, OG Maco, Will.i.am (Black Eyed Peas), Jeremy Scott, Ariana Grande, Justin Bieber... Cô còn có ngoại hình đầy đặn, gợi cảm và cá tính âm nhạc độc đáo hợp gu khán giả quốc tế.

Tuy nhiên, YG một lần nữa "đem con bỏ chợ", bỏ CL ở Mỹ suốt 3 năm mà không có kế hoạch hỗ trợ hoạt động âm nhạc của cô.

Sau chuỗi thất bại ê chề trên, PSY trở thành điểm nhấn đáng nhớ, đồng thời mở ra con đường đến với nước Mỹ mới cho các nghệ sĩ Kpop.

Từ PSY đến BTS, giấc mơ Mỹ không còn quá xa vời

Gangnam Style - siêu hit toàn cầu giúp PSY lọt vào BXH Billboard - được viết hoàn toàn bằng tiếng Hàn. Ca khúc cũng giữ nguyên tinh thần nguyên bản của PSY, âm nhạc vui nhộn, bắt tai và lyric nhiều tầng nghĩa, châm biếm thực trạng xã hội Hàn.

kpop my tien anh 4

Gangnam Style gây bão toàn cầu, mở ra hy vọng mới cho sự nghiệp Mỹ tiến của nghệ sĩ Kpop. Ảnh: Naver.

Thực tế, khán giả toàn cầu "phát cuồng" Gangnam Style nhờ điệu nhảy ngựa và giai điệu bắt tai, ít người hiểu rõ ca từ của PSY nói về điều gì. Nhưng không ít người cho rằng đây chính là điểm mấu chốt giúp rapper 43 tuổi tránh được sự chê bai của người bản xứ.

Các đại diện Kpop từng xuất hiện ở thị trường Mỹ trước đó thường cố gắng hát tiếng Anh dù khả năng phát âm, nghe hiểu đều hạn chế. Khán giả bản xứ nhiều lần chê bai thẳng rằng không hiểu ca sĩ Hàn Quốc hát gì dù đã cầm lyric trên tay.

BTS cũng học hỏi theo con đường của PSY: Giữ nguyên bản sắc trong ngôn ngữ và âm nhạc thay vì cố gắng chạy theo thị hiếu người Mỹ. Bảy chàng trai vẫn hát tiếng Hàn, tập trung vào vũ đạo bài bản, phức tạp. Các ca khúc của BTS tiếp tục truyền tải thông điệp yêu đời, yêu người và vượt lên khỏi định kiến xã hội.

Trước khi được vinh danh ở Billboard Music Awards năm 2017-2018, BTS chưa từng có ý định Mỹ tiến. Với sự nổi tiếng bùng nổ từ năm 2018, chính các ngôi sao quốc tế mới là người ngỏ lời hợp tác với bảy chàng trai người Hàn. Từ Steve Aoki, Lil Nas X, Halsey, Becky G đến Nicki Minaj, những ngôi sao US-UK hàng đầu lần lượt góp mặt trong MV của BTS và mang lại sự chú ý không nhỏ cho nhóm.

Không chỉ BTS, BlackPink, SuperM, Monsta X hay Ateez cũng sử dụng chiến lược trung thành với bản sắc riêng của Kpop và dần được thị trường số một thế giới mở rộng cửa chào đón. Không cần hát tiếng Anh hay từ bỏ vũ đạo đồng đều, không cần làm nhạc theo lối "rất Mỹ", các nhóm nhạc trên vẫn được mời diễn ở các show truyền hình lớn, được tham dự, biểu diễn và nhận giải thưởng tại các lễ trao giải uy tín.

kpop my tien anh 5

Dynamite của BTS đứng đầu BXH Billboard Hot 100, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của Kpop. Ảnh: Pinterest.

Và sau khi đã vững chân ở thị trường quốc tế, BTS mới tung ra sản phẩm hát tiếng Anh đầu tiên có tên Dynamite. Có được nền tảng người hâm mộ và mức độ phủ sóng rộng rãi từ trước, Dynamite đã lập nên kỳ tích cho Kpop nói riêng, thị trường âm nhạc châu Á nói chung.

Ca khúc giành được vị trí số 1 BXH Billboard Hot 100 ngay trong tuần đầu tiên ra mắt. Thành tích trên không chỉ một lần nữa khẳng định vị thế nhóm nhạc nam hàng đầu thế giới hiện nay của BTS mà còn chính thức mở ra kỷ nguyên mới cho nghệ sĩ Kpop sau nhiều năm bị "giấc mơ Mỹ" chối từ.

Vì sao BTS đánh bại kỷ lục của 'Gangnam Style'?

"Dynamite" chưa xuất sắc về giai điệu, ca từ. Tuy nhiên, bài hát mang năng lượng tích cực, lạc quan và tiếp thêm sức mạnh cho người nghe.

Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm