Những nghệ sĩ nổi tiếng biến thành nhân vật anime qua bàn tay của AI. Ảnh: Insight. |
Gần đây, những ứng dụng tạo lập hình ảnh từ trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một cơn sốt mới với giới tinh hoa công nghệ ở Thung lũng Silicon. Nhưng ở nơi khác, công nghệ này bị dè chừng và hứng chịu không ít chỉ trích vì các vấn đề liên quan đến bản quyền, đặc biệt là trong giới họa sĩ vẽ truyện tranh, anime.
Theo Rest of World, hàng loạt tranh cãi về tác phẩm nghệ thuật từ AI đã nổ ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc, yêu cầu vạch mặt những nghệ sĩ sử dụng công nghệ này.
Cướp "miếng cơm" của họa sĩ
Hôm 3/10, họa sĩ Hàn Quốc lừng danh Kim Jung Gi qua đời ở tuổi 47. Vài ngày sau, để tưởng nhớ ông, một nhà phát triển game người Pháp có nghệ danh 5you đã biến các tác phẩm của Jung Gi thành những mô hình AI, cho phép người dùng tạo ra những tác phẩm riêng theo phong cách của nghệ sĩ quá cố chỉ với một đoạn văn bản mô tả.
Tuy nhiên, phản hồi anh nhận lại không mấy tích cực. “Họa sĩ Kim Jung Gi mới chỉ qua đời và đám AI này đã bắt chước phong cách và ăn cắp tác phẩm của ông ấy. Đúng là những con kền kền bất tài”, một người dùng tỏ ra bức xúc. Họ cho rằng mô hình của 5you không phải để tưởng nhớ cố nghệ sĩ quá mà chỉ là chiêu trò ăn cắp các tác phẩm của Jung Gi. Có người hâm mộ họa sĩ thậm chí còn dọa giết 5you vì quá phẫn nộ.
Theo Rest of World, sự thịnh hành của công nghệ AI trong tạo lập hình ảnh đã xóa mờ ranh giới giữa quyền sở hữu của tác giả các tác phẩm, đồng thời đe dọa đến “miếng cơm” của những nghệ sĩ vẽ truyện tranh manga, anime.
Với AI, người dùng có thể tạo ra những bức tranh theo phong cách anime theo sở thích của mình. Ảnh: lunarmimi. |
“Có lẽ họ sợ rằng mình sẽ bị AI thay thế và sẽ không thể kiếm tiền từ những tác phẩm của mình”, 5you nói với Rest of World.
Một trong những ứng dụng AI được quan tâm nhất là Stable Diffusion với mã nguồn mở, cho phép người dùng có thể tự do chỉnh sửa và thiết kế ứng dụng dựa trên AI của riêng mình. Đơn cử như 5you đã sử dụng Stable Diffusion kết hợp với các tác phẩm của Jung Gi được đăng miễn phí trên Google Images để tạo ra mô hình trí tuệ nhân tạo của riêng mình.
Giới anime tẩy chay AI
Ngoài 5you, những start-up AI khác cũng bắt đầu tận dụng công nghệ này để tạo ra các ứng dụng tạo lập hình ảnh khác, trong đó có tác phẩm anime và manga. Radius5 là một trong những công ty đầu tiên nhận ra tiềm năng của cách làm này.
Hồi tháng 8, hãng đã ra mắt ứng dụng Mimic, có thể làm những tấm ảnh bình thường trở nên giống như vẽ, theo nhiều phong cách khác nhau. Nhưng Radius5 đã nhận phải sự phản đối gay gắt từ những họa sĩ vẽ anime, thậm chí là bị sỉ nhục, lăng mạ trên mạng xã hội vì họ cho rằng Mimic sẽ trở thành công cụ để đánh cắp bản quyền tác phẩm.
Trên thực tế, start-up AI này đã phải gỡ ứng dụng chỉ sau vài giờ ra mắt vì người dùng đăng tác phẩm của các họa sĩ khác để bắt AI bắt chước theo. Từ khóa “Nói không với AI” (AI学習禁止) cũng lọt top phổ biến trên Twitter Nhật Bản.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị AI chuyển thành nhân vật anime. Ảnh: davidsteele. |
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với NovelAI, ra mắt ứng dụng tạo lập hình ảnh từ AI vào tháng 10. Công ty này bị tố vì ăn cắp những tác phẩm của người khác trên Internet và thậm chí còn bị hack và quá tải vì lượng truy cập khổng lồ từ người dùng Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Có lẽ nhiều người Nhật xem tranh anime là một loại hàng hóa nên sự xuất hiện của công nghệ AI như Stable Diffusion và Dall-E đã khiến họ lo sợ”, Giám đốc Virginia Hilton của Novel AI, nói với Rest of World.
Sự phẫn nộ lên công nghệ AI không chỉ dừng lại ở đó. Một nghệ sĩ Nhật Bản đã bị ép phải công bố toàn bộ quy trình vẽ tranh của mình chỉ vì có người tố cô dùng AI.
Các YouTuber ảo cũng yêu cầu người hâm mộ không được dùng AI để vẽ fanart và dọa sẽ đánh bản quyền các tác phẩm vi phạm. Nền tảng chia sẻ tranh 2D Pixiv nổi tiếng tuyên bố sẽ bổ sung những bộ lọc để loại những tranh vẽ bằng AI khỏi kết quả tìm kiếm và bảng xếp hạng của họ.
Họa sĩ anime phải công khai quá trình vẽ để chứng minh rằng mình không sử dụng AI. Ảnh: Yrui596. |
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tấm ảnh bằng AI cũng khiến giới nghệ sĩ hoang mang. Họa sĩ vẽ anime và manga Haruka Fukui nói rằng trí tuệ nhân tạo đang manh nha biến chuyển cả ngành công nghiệp truyện tranh.
“Nhiều người lo sợ rằng nhu cầu mua tranh của mọi người sẽ giảm xuống”, cô nói. Một mặt, công nghệ hiện đại có ích trong việc giảm chi phí phải bỏ ra cho các tác phẩm nghệ thuật. Mặt khác, chúng đang tước đoạt công việc của các nghệ sĩ, Fukui cho biết thêm.
Theo nữ họa sĩ, cô cho rằng AI là một công cụ hữu ích nhưng vẫn không có ý định sử dụng nó trong các tác phẩm của mình. “Nếu các nghệ sĩ không đồng ý cho sử dụng tranh của họ, các ứng dụng AI này nên ngừng hoạt động”, cô nói.
Nhiều câu chuyện công nghệ chỉ được tìm thấy trong những cuốn sách, khi các tác giả dành hàng năm trời để tiếp xúc với những lãnh đạo mảng công nghệ, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Mục Công nghệ giới thiệu những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan, mang đến cho bạn đọc những thông tin ít khi được bật mí.