Một số người căng thẳng khi nghĩ về tháng 11-12 hơn là tận hưởng nó. Lý do là gì?
Điểm chính:
- Holiday Blue thường bắt đầu vào tháng 11 và kết thúc trước năm mới.
- Ngủ ít, bận rộn với deadline và áp lực tài chính là lý do nhiều người không vui vào cuối năm.
- Khác với các chứng rối loạn cảm xúc, Holiday Blue thông thường sẽ qua đi nhanh chóng, không nghiêm trọng.
Những tháng cuối năm thường là thời điểm được mong chờ khi các kỳ sale diễn ra tới tấp, đường phố được trang trí đón lễ Giáng sinh, gia đình và bạn bè tụ tập thường xuyên,... Tuy nhiên với một vài người, đây lại là thời gian không mấy vui vẻ, đôi khi có phần áp lực, lo lắng và cô đơn.
Trạng thái đối lập với bầu không khí chung đó là Holiday Blue, hay nỗi buồn mùa lễ hội.
Vì sao chúng ta thấy lạc lõng?
Không giống với cảm giác ghét ngày lễ, ngay cả người yêu thích Giáng sinh cũng ít nhiều trải qua Holiday Blue.
Một trong những lý do lớn nhất là chúng ta bận rộn với công việc nhiều hơn khi một năm sắp kết thúc. Theo Verywell Mind, không ít người cảm thấy kiệt sức và căng thẳng trước sự nhộn nhịp bên ngoài.
Trong một cuộc khảo sát của American Psychological Association, 38% trên 1000 người tham gia thừa nhận họ mệt mỏi hơn trong tháng 11-12 bởi các nguyên nhân như quỹ thời gian hạn hẹp, lười tặng quà hay không muốn họp mặt,...
Điều đáng lưu ý là có đến 56% cá nhân cho biết nguồn cơn căng thẳng của họ đến từ công việc.
Thiếu ngủ, ăn uống không lành mạnh, áp lực tài chính, đón Giáng sinh một mình, trông đợi thiếu thực tế,... cũng là những lý do phổ biến. Ở một nhóm người, sự thất vọng đến từ việc họ không hoàn thành được các mục tiêu đầu năm đã đặt ra.
Dù không có nhiều số liệu liên quan, Psychology Today gọi đây là một hiện tượng có thực. Mỗi người sẽ cảm nhận nó theo cường độ và thời gian khác nhau: có người buồn từ đầu đến cuối lễ, có người chỉ "tuột mood" một chút và nhanh chóng trở lại bình thường.
Phân biệt Holiday Blue với trầm cảm theo mùa
Một số biểu hiện thường gặp ở người "buồn cuối năm" gồm:
- Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng.
- Nhịp sinh học thay đổi, ngủ và thức dậy thất thường.
- Tâm trạng chán nản và cáu kỉnh nhiều hơn.
- Khó tập trung làm việc.
- Cảm thấy bản thân vô dụng và có phần tội lỗi.
- Cơ thể uể oải.
- Mất cảm xúc trước trường hợp "lẽ ra phải vui" như gặp bạn cũ, nhận quà, giải trí,...
Các gạch đầu dòng trên cũng có thể báo hiệu cho SAD - chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, vì thế nhiều người có thể nhầm lẫn. Tuy vậy:
- Về thời gian: Holiday Blue bắt đầu vào khoảng tháng 11 hoặc 12 và sẽ nhanh hết trước thềm năm mới. SAD thường tồn tại đến 40% thời gian trong năm, nhiều nhất là giai đoạn thu đông (Medical News Today)
- Về mức độ: Biểu hiện của Holiday Blue thực ra không quá rõ ràng hay nghiêm trọng, trong khi SAD có thể ảnh hưởng nặng đến người bệnh và gây suy nhược.
Đúng là người sẵn có tâm lý bất ổn có xu hướng rơi vào Holiday Blue nhanh hơn khi mùa đông đến, nghiên cứu của National Alliance on Mental Illness. Nhưng điều này không có nghĩa nỗi buồn mùa lễ là một căn bệnh tâm thần.
Holiday Blue tồn tại ngắn hạn và sẽ rời đi chậm nhất là khi dịp lễ hội kết thúc. Do đó, nó không đáng ngại. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh sinh hoạt của mình để không lún quá sâu vào sự buồn chán.
Đối diện với Holiday Blue như thế nào?
Healthline gợi ý cách vượt qua cảm xúc tiêu cực như sau:
- Ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn.
- Cố gắng ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Tập thể dục khoảng 15-20 phút hàng ngày.
- Dành thời gian trống để làm điều mình thích như nấu ăn, gặp gỡ người thân thiết. Học cách từ chối các bữa tiệc xã giao, lời mời mua sắm,... khi cần.
- Lên kế hoạch tiết kiệm trong khả năng của mình.
- Hạn chế ép bản thân vào sự ồn ào, náo nhiệt trên quảng cáo hay phim ảnh. Tận hưởng dịp lễ theo cách đơn giản của mình và chấp nhận rằng không phải mùa lễ nào cũng giống nhau.
Bạn cũng có thể giúp đỡ người thân, bạn bè đang trải nghiệm Holiday Blue bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho họ, lắng nghe và rủ họ tham gia những hoạt động mà họ thấy thoải mái.