Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp (đường Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư năm 2001, với quy mô 37 ha và tổng mức vốn đầu tư 99 tỷ đồng.
Thế nhưng, 21 năm kể từ ngày khởi công, công viên trên chỉ có vài hạng mục được thi công. Phần lớn diện tích đất hiện nay là bụi cây rậm rạp, cỏ dại mọc um tùm.
Công viên Văn hóa Gò Vấp chiếm gần 20% diện tích của phường 6 và được xem là "lá phổi" xanh của quận Gò Vấp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trả lời Zing về vấn đề trên, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết đơn vị tiếp nhận quản lý công viên từ năm 2019 đến nay.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật không được giao làm chủ đầu tư hay xây dựng mới dự án mà chỉ có nhiệm vụ trồng thêm cây, làm đường dạo, lắp đặt cụm thể dục thể thao, chăm sóc cảnh quan công viên.
"Dự án đầu tư ban đầu để hoàn thành công viên là một dự án riêng. Sau hoàn thành, chúng tôi chỉ được phân công tiếp nhận quản lý. Tôi được biết dự án đầu tư xây dựng công viên đã kết thúc, nhưng không rõ kết thúc như thế nào", ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, một phần nguyên nhân khiến công viên dang dở vì gặp khó ở nguồn vốn và chưa có một dự án đầu tư mới để hoàn thành các hạng mục đề ra.
"37 ha mà chỉ có hơn 90 tỷ thì làm được gì. Quy mô của dự án lúc bấy giờ chỉ làm được như thế, chứ không thể hoàn thành như công viên Đầm Sen hay Tao Đàn được. Công viên muốn hiện đại thì phải cần một dự án đầu tư mới", ông Điệp lý giải.
Vào các khung giờ sáng sớm và chiều muộn, người dân đến công viên tập thể dục khá đông. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Điệp thông tin thêm thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nhưng hiện chưa có đơn vị nào tham gia.
Một trong những nguyên nhân các doanh nghiệp e dè vì luật hiện hành không cho đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư). Trong khi đó, ngân sách thì chưa có để nâng cấp, đầu tư, xây dựng công viên theo quy hoạch.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, mặc dù không đầu tư xây dựng mới, đơn vị vẫn duy tu, bảo dưỡng, cải tạo cảnh quan của công viên từ nguồn ngân sách hàng năm của thành phố.
Ông Điệp nhìn nhận dù chưa thể đầu tư theo quy hoạch, công viên cũng đang đẹp và mỗi ngày, có rất đông người dân tới đây để chạy bộ, tập thể dục, vui chơi.
Công viên Văn hóa Gò Vấp chiếm gần 20% diện tích của phường 6 và được xem là "lá phổi" xanh của quận.
Theo quy hoạch, công trình có những hạng mục như khu trò chơi, thể thao, quảng trường, hồ cảnh quan, làng hoa, vườn tượng, trung tâm thương mại... Khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng có thể phục vụ 10.000 người mỗi ngày và trong một năm sẽ có trên 3 triệu lượt khách đến vui chơi, giải trí.
Công viên chỉ có vài hạng mục được thi công như nhà điều hành, sân bóng rổ, khu tập thể dục và khu vui chơi cho trẻ em. Ảnh: Duy Hiệu. |
Năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi 37 ha đất tại phường 17 (nay là phường 6, quận Gò Vấp) giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng Công viên Văn hóa Gò Vấp sử dụng toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng hạ tầng công viên.
Năm 2007, Công ty CP Đầu tư Gia Tuệ (địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư dự án này với UBND quận Gò Vấp trên diện tích gần 37 ha.
Đến năm 2011, UBND TP.HCM có công văn chấp thuận cho Công ty Gia Tuệ làm chủ đầu tư cả 2 dự án: Đầu tư Công viên Văn hóa Gò Vấp (37 ha) và dự án chỉnh trang đô thị khu vực phía trước công viên (khu 8 ha).
Năm 2014, do vướng mắc trong các bước thực hiện đầu tư, Công viên Văn hoá Gò Vấp được chuyển về cho quận Gò Vấp quản lý đầu tư.
Đến năm 2016, công viên lại được chuyển từ UBND quận Gò Vấp về Khu 3 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) quản lý.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) được giao quản lý công viên trên.
Vị trí của Công viên Văn hóa Gò Vấp. Ảnh: Google Maps. |