* Zing dịch lại bài phân tích của Daniel Oberhaus từ The Wired.
Vào ngày 20/4, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu giảm xuống mức âm. Khi người ta ngưng các hoạt động sử dụng dầu, nhu cầu giảm khiến giá dầu lao dốc. Sản lượng dầu hiện tại quá lớn đến mức thế giới không còn đủ chỗ chứa. Điều hợp lý nhất có thể làm lúc này là dừng khai thác dầu quá mức.
Thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga, Mỹ và một số nước khác bắt đầu giảm sản lượng xuống còn gần 10 triệu thùng/ ngày vào đầu tháng 5. Các nước hy vọng việc này sẽ giúp điều chỉnh giá dầu và giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất cũng như nhà máy lọc dầu khi họ đang tranh nhau tìm nơi dự trữ dầu.
Nhưng mức giảm này vẫn không đủ. Các nhà sản xuất phải giảm năng suất xuống gần gấp 3 lần mức này để vừa đủ cầu. Vậy tại sao họ không làm thế?
Giảm sản lượng dễ, nhưng hậu quả khó kiểm soát
“Đóng cửa một giếng khoan không phải điều phức tạp”, Eric van Oort, một kỹ sư dầu khí thuộc Đại học Texas ở thành phố Austin cho biết.
Về cơ bản chỉ là tắt một van chủ ở trên mặt đất, đơn giản như khóa một cái vòi. Tuy nhiên, các nhà khai thác dầu sẽ không làm thế nếu không bị bắt buộc, vì họ biết họ sẽ chịu thiệt hại ở những giếng đó.
Tạm dừng hay đóng hẳn một giếng khoan sẽ rất tốn kém. Nó không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu. Doanh thu hiện nay không còn là vấn đề khi giá dầu đã xuống mức âm. Điều đáng bận tâm là điều xảy ra khi giếng hoạt động trở lại.
Mỹ vẫn đang là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới suốt 2 năm qua, khai thác chủ yếu ở Texas và các giàn khoan ngoài khơi vịnh Mexico. Trong đất liền, dầu thô được khai thác nhiều ở các hồ chứa đá phiến. Nơi này chứa dầu trong đá với độ thẩm thấu không cao.
Để khai thác dầu từ đá, các công ty sử dụng công nghệ gọi là nứt vỡ thủy lực. Công nghệ này có thể hiểu đơn giản là phun chất lỏng (gồm cát, nước, hóa chất) ở áp suất cao vào đá ngầm, mở các khe nứt để chiết xuất dầu hoặc khí.
Giếng dầu đang hoạt động ở Midland, Texas. Ảnh: EFE |
Đóng cửa giếng khoan là chuyện bình thường trong việc khai thác dầu. Nhưng người ta chỉ làm xen kẽ và giới hạn với một số giếng, thường là với mục đích sửa chữa. Ông John McLennan, một chuyên gia về địa chất, Viện Năng lượng và Khoa học địa chất thuộc Đại học Utah nói từ lâu, các nhà sản xuất dầu đã biết giếng khoan đá phiến nếu đã đóng thì sẽ sản xuất được ít dầu hơn khi hoạt động lại.
Nhưng nguyên nhân của sự ảnh hưởng này thường không rõ ràng. Ông McLennan cho biết một trong những nguyên nhân được nhiều người tin là do nghẽn nước.
Một giếng thường khai thác được hỗn hợp dầu và nước. Hỗn hợp này cùng được bơm lên bề mặt nhưng nước được xem là chất thải. Khi một giếng khoan đóng, tỉ lệ dầu và nước được hiệu chỉnh lại khi không còn ống dẫn nào đâm vào các vết nứt trên đá.
Vì đá trong giếng đá phiến không dễ thấm nước, nước có thể tích tụ lại trên các khe nứt. Khi giếng hoạt động trở lại, nó có thể sản xuất nhiều nước hơn là dầu, vì nước tích tụ sẽ cản trở dòng chảy của dầu.
“Tốt nhất là cứ để giếng dầu được yên khi nó đang hoạt động”
Ông Van Oort
Ông Van Oort cũng cho biết thời gian đóng giếng không quan trọng. Một khi giếng đóng thì nó đã bị ảnh hưởng. Nếu nhà sản xuất dầu cứ phải đóng giếng khoan, bất lợi cứ tích lũy dần và ảnh hưởng đến năng suất nhiều hơn.
Tình hình có vẻ khả quan hơn với khoảng 1.000 giàn khoan ngoài khơi vịnh Mexico. Đây thường là các giếng với đường ống được khoan trực tiếp xuống dưới và dầu bơm lên như hút sữa bằng ống hút.
Một giàn khoan ngoài khơi vịnh Mexico của công ty ConocoPhillips. Ảnh: Pinterest |
Các nhà sản xuất dầu ở đây thường đóng các giếng khi có bão. Việc này không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Ông McLennan nói, vì hồ chứa ngoài khơi dễ thấm hơn, điều này cho phép dầu chảy mượt hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi không chịu nhiều thiệt hại, giếng khoan truyền thống lại khó đóng hơn.
Một số đường ống cần được bảo trì nếu dầu có chứa sáp parafin. Sáp này có thể lưu lại ở các đường ống nằm sâu dưới biển, nơi mà nhiệt độ chỉ cao hơn nhiệt độ đông một chút.
Vậy nên trước khi các giếng dầu ngoài biển đóng, có nhiều hoạt động bảo trì cần thực hiện, như việc xả các đường ống và đổ vào đó chất lỏng ngăn sự đông sáp. “Nếu không thực hiện các công tác bảo trì trước khi đóng, nó có thể gây ra hậu quả nặng nề với hoạt động của các đường ống dưới biển.”, McLennan nói.
Các công ty nhỏ chịu nhiều thiệt hại
Mặc dù OPEC mới đồng ý giảm sản lượng dầu vào 1/5, nhiều nhà sản xuất ở Mỹ đã bắt đầu đóng các giếng từ nhiều tuần trước đó khi giá dầu giảm sâu. Hoạt động đóng hàng loạt này được thực hiện bởi khoảng 2.000 công ty tư nhân nhỏ ở Mỹ, những công ty sản xuất ít hơn 20.000 thùng/ ngày.
Cuộc họp trực tuyến giữa người đứng đầu OPEC và bộ trưởng các nước liên quan hồi tháng 4. |
“Các công ty nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Điều này là tất yếu khi giá dầu giảm, nhưng thảm họa mà Covid-19 mang lại giống như rơi xuống Trái Đất mà không có dù vậy”
Ông Lawerence, Phó Chủ tịch Kinh tế và Các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội Dầu khí Độc lập của Mỹ
Các công ty tư nhân nhỏ không có nhiều lợi thế như các công ty lớn như BP hay ConocoPhillips. Các công ty toàn cầu được ưu tiên sử dụng các đường ống hoặc kho trữ. Hơn nữa, họ không chỉ sản xuất dầu, họ còn lọc dầu, vận chuyển và hơn thế nữa.
"Các công ty nhỏ, ngược lại, doanh thu hoàn toàn phụ thuộc vào giếng khoan", ông Frederick Lawerence, Phó Chủ tịch Kinh tế và Các vấn đề quốc tế tại Hiệp hội Dầu khí Độc lập của Mỹ nói. Không có kho trữ lớn, họ không có cách nào khác là đóng cửa giếng khi không ai mua dầu.
Các công ty lớn có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều khi nhu cầu giảm, nhưng không có nghĩa là họ không phải đóng giếng. Theo báo cáo của The Wall Street Journal vào cuối tuần rồi, các giàn khoan ngoài khơi đã bắt đầu đóng cửa các giếng. Họ sẽ đóng nhiều hơn nữa trong thời gian tới để đạt mục tiêu giảm năng suất mà Mỹ và các nước đã đồng ý.
Việc đóng cửa hàng loạt ở cả giếng truyền thống hay giếng đá phiến là điều chưa từng có. Ông Lawerence dự đoán làn sóng đóng cửa này sẽ dẫn đến sự hợp nhất giữa các công ty nhỏ hoặc bị mua lại bởi công ty lớn. “Covid-19 sẽ không giết được ngành dầu khí ở Mỹ, nhưng những gì đã xảy ra sẽ thay đổi bản chất ngành công nghiệp", ông Lawerence tuyên bố.