Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lý do Ba Lan đòi Đức bồi thường hậu quả chiến tranh hơn 1.000 tỷ USD

Đối với người Ba Lan, những tổn thất nặng nề trong Thế chiến II về nhân khẩu học, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp và văn hóa vẫn kéo dài đến ngày nay.

Ba Lan doi boi thuong anh 1

“Họ (lính Đức quốc xã) giết hại thường dân một cách vô đạo đức”, Winicjusz Natoniewski nhớ lại. Ông chỉ mới 6 tuổi khi lính quốc xã đốt cháy làng Szczecyn của gia đình ông ở Lublin vào ngày 2/2/1944.

Một vài ngôi làng xung quanh cũng chịu số phận tương tự. Tổng cộng khoảng 1.300 người đã chết trong ngày hôm đó. Natoniewski sống sót nhưng bị bỏng nặng. Những vết sẹo và tổn thương ở lại cùng ông mãi mãi.

Đây là một trong những chiến dịch tàn bạo nhất do Đức quốc xã thực hiện ở vùng nông thôn Ba Lan, Karol Nawrocki, Viện trưởng Viện Tưởng niệm Quốc gia, kể lại.

Sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền Tây Đức và Liên Xô tự thỏa thuận khoản bồi thường cho các quốc gia Đông Âu vào năm 1953. Tuy nhiên, Ba Lan bị loại khỏi danh sách nhận bồi thường, thậm chí phải nộp thêm, theo BBC.

“Chính phủ Ba Lan khi đó bắt buộc phải rút các yêu sách đáng lẽ họ có thể nêu ra tại Hội nghị Potsdam”, Magdalena Bainczyk, giáo sư sử học Ba Lan, nói vào năm 2019.

Ngày 1/9, Phó thủ tướng Jaroslaw Kaczynski ước tính thiệt hại tài chính của Ba Lan trong Thế chiến II là 1.300 tỷ USD và chuẩn bị yêu cầu Đức bồi thường. Ông khẳng định số tiền được tính toán bằng phương pháp thận trọng nhất và có thể cao hơn nữa.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu Đức mở các cuộc đàm phán về việc bồi thường”, ông Kaczynski nói.

Ông phát biểu thêm rằng việc yêu cầu bồi thường là “con đường dài và rất khó khăn” nhưng “một ngày nào đó sẽ thành công”. Động thái này sẽ phục vụ cho “sự hòa giải thực sự giữa Ba Lan và Đức”.

Ba Lan doi boi thuong anh 2

Lãnh đạo của đảng Luật pháp và Công lý Jaroslaw Kaczynski tham dự lễ đặt vòng hoa ở Warsaw. Ảnh: AP.

Nỗi đau chiến tranh

Ngày 1/9, Viện Nghiên cứu Tổn thất Chiến tranh Ba Lan Jan Karski đã công bố một báo cáo về những tổn thất nước này phải hứng chịu trong Thế chiến II. Hàng chục nhà sử học, nhà kinh tế học và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã tham gia nghiên cứu kể từ năm 2017.

Ba Lan gánh chịu mất mát về người và của tại châu Âu chỉ sau Liên Xô và Đức.

“Sự chiếm đóng của Đức quốc xã tàn nhẫn đến mức khó tin, gây ra những tác động vẫn kéo dài đến ngày nay”, Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS), nói.

Bản báo cáo cho rằng nếu không có Thế chiến II, Ba Lan sẽ ở một vị thế hoàn toàn khác trên bản đồ châu Âu và thế giới.

“Do Thế chiến II, Ba Lan đã mất cơ hội phát triển. Chúng ta đã mất đi những người ưu tú, những kỹ sư và nhà khoa học xuất sắc. Toàn bộ nền kinh tế và nhà nước Ba Lan không thể phát triển bình thường”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói.

Bản báo cáo gồm ba phần. Phần thứ nhất mô tả và ước tính thiệt hại về nhân khẩu học và cơ sở vật chất. Phần thứ hai chứa tài liệu hình ảnh về chiến tranh và quá trình chiếm đóng của Đức quốc xã. Phần cuối cùng liệt kê những vụ hành quyết, giết người hàng loạt và phá hủy làng mạc của quân đội phát xít.

Ngày 1/9/1939, Ba Lan rơi vào vòng xoáy chiến tranh khi Hitler phát động chiến dịch tấn công theo thỏa thuận phân chia lãnh thổ giữa Liên Xô và Đức quốc xã. Quân đội Ba Lan chỉ trụ được từ ngày 8/9 đến 28/9 trước khi Warsaw thất thủ.

Ba Lan doi boi thuong anh 3

Trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã giam giữ nhiều phụ nữ và trẻ em. Ảnh: TASS.

Các tài liệu sử học ghi nhận gần 6 triệu người Ba Lan thiệt mạng trong Thế chiến II, bao gồm 3 triệu người Do Thái. Trước cuộc chiến, Ba Lan là quốc gia đông người Do Thái nhất châu Âu, theo TVP World.

Warsaw bị Đức quốc xã san phẳng sau khi một cuộc khởi nghĩa bị đàn áp năm 1944 với gần 200.000 thường dân thiệt mạng. Khi quân Đức quốc xã rút lui vào đầu năm 1945, thủ đô Ba Lan chỉ có khoảng 1.000 cư dân, một con số quá khiêm tốn so với 1,3 triệu dân vào năm 1939, báo cáo cho hay.

“Sự mất mát của hơn 5,2 triệu người thực sự khó tưởng tượng. Không ai có thể bù đắp sự mất mát này cho các gia đình, người thân. Họ không thể sống lại”, ông Morawiecki nói.

Sau khi chiếm đóng Ba Lan, Hitler cho sáp nhập nhiều tỉnh phía tây vào nước Đức. Hàng triệu công dân Ba Lan phải lao động khổ sai hoặc bị đưa vào trại tập trung.

Phần còn lại của Ba Lan bị đặt dưới sự cai quản nghiêm ngặt của quân đội. Lính Đức quốc xã thường bắt người dân trên phố để xử bắn, trả thù cho các vụ tấn công của du kích Ba Lan. Nhóm dân cư gốc Đức hoặc có liên hệ lịch sử với Đức bị bắt buộc cung cấp nhân lực cho quân đội và các dự án của Hitler.

Tại một sự kiện tưởng niệm, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định cuộc chiến là “một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất trong lịch sử của chúng ta”.

“Không chỉ vì nó đã lấy đi tự do của chúng tôi, không chỉ vì nó đã lấy đi nhà nước của chúng tôi, mà còn bởi vì cuộc chiến đã giết hàng triệu người Ba Lan và gây ra những mất mát không thể bù đắp cho quê hương và quốc gia của chúng tôi”, ông nói.

Chặng đường dài và khó khăn

Đây không phải lần đầu tiên các chính khách Ba Lan yêu cầu Đức bồi thường vì tội ác của quân đội phát xít.

Năm 1953, chính quyền Ba Lan khi đó đã đồng ý không đưa ra bất kỳ yêu sách nào nữa đối với Đức. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo sau này kiên quyết rằng cái gật đầu đó là do chịu áp lực.

Báo cáo ước tính thiệt hại do Đức quốc xã gây ra trong Thế chiến II đối với Ba Lan là 6.200 tỷ zloty (khoảng 1.320 tỷ USD). Con số này vượt xa so với ước tính 850 tỷ USD do một nghị sĩ Ba Lan đưa ra vào năm 2019.

Những chi tiết về thiệt hại tài chính của Ba Lan được liệt kê đầy đủ trong phần I của bản báo cáo, đã bao gồm những mất mát về GDP, cơ sở hạ tầng, đầu tư, lao động và nhiều lĩnh vực khác. Con số do phía Ba Lan đưa ra cũng được tính sẵn dựa trên lạm phát của đồng USD và zloty.

Vào năm 2015, khi đưa ra chương trình tranh cử, đảng PiS cũng nhắc đến việc đòi bồi thường từ Đức. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chính quyền Ba Lan đưa ra yêu cầu chính thức với một báo cáo chi tiết.

“Hôm nay, chúng tôi có nghĩa vụ phải tính toán những tổn thất này chính xác nhất có thể. Dựa trên những tính toán này, chúng tôi sẽ đưa yêu cầu bồi thường tới những kẻ có tội”, Thủ tướng Morawiecki nói.

Ba Lan doi boi thuong anh 4

Tổng thống Ba Lan có bài phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 83 năm Thế chiến II bùng nổ. Ảnh: Agencja Wyborcza.pl.

Các cơ quan chính phủ của Đức luôn tránh vấn đề bồi thường cho Ba Lan. Berlin khẳng định vấn đề bồi thường quân sự đối với những thiệt hại gây ra cho Ba Lan đã khép lại từ lâu, theo Euronews.

Đức khẳng định tiền bồi thường đã được trả cho các quốc gia khối Đông Âu trong những năm sau chiến tranh. Các vùng lãnh thổ Ba Lan mất ở phía Đông được bồi thường bằng một số vùng đất của Đức. Vì vậy, chính quyền Berlin cho rằng vấn đề này đã khép lại.

Ngày 2/9, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định quan điểm chính phủ nước này vẫn không thay đổi.

“Vào năm 1953, Ba Lan đã từ bỏ các khoản bồi thường tiếp theo và đã nhiều lần xác nhận điều này”, Bộ Ngoại giao Đức phản hồi AP qua email về báo cáo mới của Ba Lan.

“Đây là nền tảng quan trọng đối với trật tự châu Âu ngày nay. Đức ủng hộ trách nhiệm của mình đối với Thế chiến II về mặt chính trị và đạo đức”, email nói thêm.

Tuy nhiên, ông Kaczynski tuyên bố rằng nhiều người Đức phạm tội ác chiến tranh vẫn không bị trừng phạt.

“Đức chưa bao giờ thực sự tính đến tội ác của mình đối với Ba Lan”, ông nói.

Bức tường trong quan hệ song phương

“Tôi đã nghe từ một chính trị gia người Đức rằng sẽ không có chính phủ nào của Đức đồng ý với điều này”, ông Kaczynski tiết lộ.

Hiện tại, Đức là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của Ba Lan. Cả hai quốc gia đều là đồng minh trong NATO và EU. Dù vậy, thủ tướng Ba Lan khẳng định hai quốc gia không thể có quan hệ bình thường nếu không có bồi thường.

Vấn đề bồi thường được coi là một trong những con bài của đảng PiS nhằm thu hút cử tri. Yêu cầu này có tác động tiêu cực đến quan hệ giữa Ba Lan và Đức.

“Khi nói chuyện với các nghị sĩ Đức, chúng tôi thấy rằng họ không nhận thức đầy đủ về Thế chiến II và người Đức đã làm gì tại Ba Lan”, Elżbieta Witek, chủ tịch hạ viện Ba Lan, nói.

“Ngày 1/9 vẫn là một ngày tội lỗi và xấu hổ với người Đức. Nó nhắc nhở chúng ta hết lần này đến lần khác rằng đừng quên những tội ác do Đức thực hiện là chương đen tối nhất trong lịch sử”, Dietmar Nietan, một quan chức của chính phủ Đức về hợp tác Đức - Ba Lan, tuyên bố.

Ba Lan doi boi thuong anh 5

Các cựu chiến binh quân đội Ba Lan tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa tại Warsaw. Ảnh: AP.

Ông cũng khẳng định rằng điều này vẫn ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

“Hòa giải là cơ sở để chúng ta có thể cùng nhau hướng tới tương lai với một châu Âu thống nhất”, ông Nietan nói.

Một cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng khoảng một nửa dư luận Ba Lan ủng hộ vấn đề bồi thường. Nhiều gia đình vẫn lưu giữ ký ức sống động về những người đã mất trong chiến tranh, theo Washington Post.

Grzegorz Schetyna, một nhà lập pháp đối lập, cho rằng báo cáo chỉ là “một trò chơi trong chính trị nội bộ”, khẳng định Ba Lan cần xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Berlin.

Bên cạnh Ba Lan, Hy Lạp cũng từng đặt ra vấn đề đòi khoản bồi thường hàng trăm tỷ euro từ Đức. Năm 2016, Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu Đức bồi thường 300 tỷ euro.

Tháng 10/2018, tổng thống Đức chính thức xin lỗi Hy Lạp vì những thiệt hại quân đội Đức quốc xã gây ra. Vài tháng sau, thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel cũng thể hiện sự thông cảm đối với nỗi đau của người Hy Lạp, BBC cho biết.

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo nước Đức đều không đề cập đến yêu cầu bồi thường hàng trăm tỷ euro của Athens.

Ông Blinken bất ngờ đến Kyiv

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 8/9 bất ngờ đến thủ đô Kyiv của Ukraine trong thời điểm Mỹ công bố thêm gói viện trợ 2,7 tỷ USD giúp nước này.

Ba Lan đòi Đức bồi thường hơn 1.000 tỷ USD hậu quả Thế chiến 2

Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski ngày 1/9 tuyên bố nước này ước tính thiệt hại do Đức gây ra trong Thế chiến 2 là 6.200 tỷ zloty (khoảng 1.320 tỷ USD).

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm