Bức bích họa của họa sĩ John Reinhard Weguelin miêu tả một nữ tu sĩ người Ai Cập đang dâng thức ăn cho xác ướp của một con mèo đặt trên bàn thờ. Ảnh: Public Domain. |
Là hiện thân của một thứ tự do và hạnh phúc mà con người chưa từng biết đến, mèo là những sinh vật xa lạ trong thế giới loài người. Nếu chúng được coi là những sinh vật “phi tự nhiên” thì đó là vì chúng sống theo bản chất của mình. Vì không thể tìm thấy lối sống như vậy ở loài người, nên mèo dần được coi là quỷ hoặc thần.
Để hiểu được việc thờ cúng mèo ở Ai Cập cổ đại, bạn phải gạt sang một bên những khái niệm có vẻ tự nhiên với chúng ta ngày nay. Như Jaromir Malek đã viết:
"Sự phân biệt giữa con người và động vật mà chúng ta tạo ra theo bản năng thực chất không dễ để cảm nhận được và trên thực tế, khái niệm “động vật: cũng không tồn tại. Nói cách khác, “các sinh vật” (living beings) ở đây bao gồm cả các vị thần, con người và động vật. Một luận thuyết thần học đã được ghi lại dưới thời Shabako (716-702 TCN), nhưng có lẽ đã được soạn thảo sớm nhất vào thiên niên kỷ III TCN, đã mô tả trái tim và lưỡi của thần sáng tạo Ptah hiện diện trong “mọi vị thần, mọi người, mọi gia súc, tại mọi loài giun, tất cả những thứ có sự sống".
Cũng giống như con người, động vật được tạo ra bởi thần sáng tạo, tôn thờ (theo cách riêng của chúng) và được ngài chăm sóc.
Trong hệ thống thần thoại duy lý này, Ai Cập cổ đại là một xã hội được trao cho tư duy phép thuật. Không thể phân biệt được sự khác biệt giữa suy nghĩ của họ và thế giới tự nhiên, những con người sống ở thời xa xưa này đã xóa nhòa sự khác biệt giữa sự sống và cái chết, thần thánh và chính phủ. Tuy vậy, điều này cũng thể hiện sự phóng chiếu những ý tưởng và niềm tin của con người cổ đại.
Người Ai Cập cổ đại không hề có quan niệm về ý nghĩa của việc làm người như người hiện đại chúng ta. Địa vị của con người trong thế giới này không có gì độc đáo hơn so với các loài động vật khác. Họ không có những quan niệm cho rằng trí tuệ con người là gần nhất với trí tuệ thần thánh, cũng không có bất cứ ý tưởng nào về “tôn giáo” như ở Hy Lạp và La Mã sau này. Sự phân tách của địa phận thờ phụng linh thiêng ra khỏi địa phận “thế tục” của cuộc sống hàng ngày không hề tồn tại. Nếu bạn hỏi một người Ai Cập cổ đại xem họ theo tôn giáo nào, họ sẽ không hiểu bạn đang nói gì.
Ý tưởng về một thế giới siêu nhiên - xuất phát từ thuyết độc thần - cũng không tồn tại. Người Ai Cập kế thừa thuyết vật linh truyền thống, trong đó thế giới đầy rẫy những linh hồn. Trong những truyền thống này, con người không vượt trội so với các loài động vật khác. Không tồn tại đồng thời hai trật tự hoàn toàn khác biệt của sự vật hiện tượng - một của vật chất vô tri vô giác và một của những linh hồn phi vật chất - mà chỉ có chung một trật tự trong đó cả linh hồn động vật và con người đều cùng tồn tại. Rất nhiều tư tưởng cơ bản và những hiểu biết dường như là hiển nhiên nhất của chúng ta hoàn toàn vắng mặt trong hệ tư tưởng cổ xưa này. [...]
Xác ướp động vật Ai Cập trong Bảo tàng Anh. Ảnh: British Museum. |
Từ việc là người hỗ trợ trong nhà và bạn đồng hành, mèo đã trở thành điềm báo của vận may và con vật linh thiêng. Bùa hộ mệnh cho thấy mèo được đeo trên người hoặc trên quần áo. Vào thời Tân Vương quốc (sau năm 1540 TCN), mèo được đặt trong các lăng mộ hoàng gia để canh giữ thần Mặt trời trong hành trình hàng đêm của ngài qua thế giới ngầm.
Trong “Những cuốn sách về thế giới bên kia” xuất hiện ở thời kỳ này, những con mèo được miêu tả là đang canh chừng kẻ thù của thần và đứng như những lính canh ở cánh cổng cuối cùng mà con người phải vượt qua trong hành trình trở lại cuộc sống cùng ánh sáng. Các bức tượng thể hiện những con mèo đồng hành cùng các vị thần, hỗ trợ hoặc bảo vệ họ. Có lúc con người xuất hiện, quỳ lạy trước mèo.
Đến thế kỷ IV trước Công nguyên, có một “ngôi đền của mèo sống” ở nghĩa địa Hermopolis, với một kho lớn những con mèo được ướp xác gần đó. Mèo không đơn độc trong việc ướp xác; theo sau đó là cầy mangut, cò, kền kền, diều hâu và cá sấu, tất nhiên là cả con người. Tuy nhiên, mèo là loài được ướp xác với số lượng lớn và vào cuối thế kỷ XIX, những chuyến tàu chất đầy những xác ướp như vậy đã được chuyển đến châu Âu. Khi thị trường trở nên thừa mứa, xác ướp mèo thường được dùng làm phân bón hoặc thậm chí làm vật liệu lót cho tàu biển, trong khi nhiều xác ướp khác bị phá hủy hoặc thất lạc.
Herodotus viết rằng khi một ngôi nhà ở Ai Cập bị cháy, cư dân quan tâm đến những con mèo hơn là tài sản của họ. Khi một thành viên của phái đoàn La Mã đến thăm Ai Cập và vô tình giết một con mèo vào năm 59 TCN, người này đã bị giam giữ bất chấp sự can thiệp của nhà vua. [...]
Ở Ai Cập cổ đại, mèo có nhiều vai trò: đôi khi, chúng là bạn đồng hành của con người khi họ sang một thế giới khác; có lúc, chúng là biểu hiện của thần linh; lúc khác lại là người bảo vệ thần thánh. Việc chúng có thể trở thành tất cả những điều này cùng lúc chứng tỏ sự tinh tế trong tâm trí của người Ai Cập cổ đại. Nhưng nó cũng nói lên sự hiện diện của chính loài mèo. Mèo tượng trưng cho một sự khẳng định về sự sống trong một thế giới luôn bận tâm về cái chết.
Tôn giáo Ai Cập phản ứng với cái chết bằng cách chuẩn bị cho cuộc sống ở một thế giới khác, nhưng sự chuẩn bị này cần đến loài mèo để duy trì cảm giác được sống ở thế giới bên kia nấm mồ. Vì chỉ biết sống cho đến khi sắp chết nên mèo không bị cái chết cai trị. Người Ai Cập có lý do chính đáng khi muốn mèo tham gia cùng họ trong cuộc hành trình xuyên qua thế giới bóng tối.
Khi nói đến cái chết, người và mèo đã ở trên cùng một con thuyền. Không ai ở Ai Cập cổ đại tin rằng con người có linh hồn mà loài mèo thì lại không. Nhưng nếu linh hồn không thể bị cái chết xâm phạm, linh hồn loài mèo chắc hẳn gần với sự bất tử hơn bất cứ linh hồn loài người nào.