Gần đây, câu chuyện về một người phụ nữ giấu tên đã ly dị chồng vì anh không cho phép đứa con mới sinh nhận họ của cô đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Cô cho biết bố mẹ chồng và gia đình cô đều phản đối quyết định này vì phong tục gia trưởng ở đất nước tỷ dân. Hiện bài đăng đã thu hút hơn 47.000 lượt chia sẻ sau hơn 2 tuần đăng tải.
“Ngay cả khi anh ta có vẻ là một người chồng tốt, anh ta vẫn hưởng tất cả đặc quyền trong hôn nhân, kể cả họ của con trai chúng tôi. Tôi muốn được tự do”, tác giả bài đăng viết.
Theo lệ thường, một đứa trẻ vừa sinh ra sẽ mang họ cha, chỉ trừ những tình huống bất đắc dĩ mới được dùng họ của mẹ. Truyền thống này được cả phương Đông lẫn phương Tây áp dụng từ xưa đến nay.
Như trong nhiều xã hội phụ quyền, danh tính của trẻ em ở Trung Quốc hầu hết gắn liền với họ của cha. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi hiện nay khi phụ nữ ngày càng nắm nhiều vai trò chủ chốt trong xã hội.
Nhiều người bức xúc với việc con phải mang họ cha và mong muốn thay đổi truyền thống này. Trong khi một số khác đồng ý quy tắc này nên được tiếp tục áp dụng.
Đa số trẻ em trên thế giới đều được đặt tên theo họ của cha. |
“Cô này là người hơi cực đoan. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của bạn, nhưng vui lòng đừng gọi đó là nữ quyền”, một bình luận bên dưới phản bác.
“Việc đổi sang họ mẹ cho đứa trẻ là một điều quan trọng. Là phụ nữ, chúng tôi mới là những người sinh ra đứa trẻ, vì vậy chúng tôi xứng đáng với quyền đó”, một tài khoản tỏ ý ủng hộ.
Trong một cuộc thăm dò trực tuyến của hãng truyền thông Phoenix Weekly, có hơn một nửa trong số 42.000 người tham gia đồng ý với ý kiến “đó không phải vấn đề, miễn là các cặp vợ chồng thống nhất trước với nhau”, 13% kịch liệt bảo vệ quan điểm mang họ cha và 12% ủng hộ việc cho con mang họ mẹ.
Nhiều học giả chỉ ra rằng ngay cả cái tên của đứa trẻ cũng mang tính chất “trọng nam” ở Trung Quốc. Tên của một bé gái có thể hàm ý cầu mong đứa trẻ sau được sinh ra sẽ là con trai. Chỉ trừ khi bé gái xuất thân từ gia đình giàu có, quyền lực thì cái tên có thể khác hơn.
Những năm gần đây, xu hướng cho con mang họ kép của cha và mẹ trở nên thịnh hành trong xã hội Trung Quốc. Thay vì đau đầu suy nghĩ, nhiều cặp vợ chồng thống nhất lấy cả 2 họ và tìm một cái tên thật hay để kỷ niệm cho đứa bé.
Trong một nghiên cứu năm 2019 về tên tiếng Trung, hơn 1,1 triệu người Trung Quốc mang cả họ cha và mẹ, tăng gấp 10 lần so với năm 1990.
Ngày nay, nhiều đứa trẻ được mang họ kép để tránh gây mâu thuẫn trong gia đình. |
Lai-Zhang Jinghan (25 tuổi, đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) là một trong số đó. Cô cho biết cha cô tin rằng họ của ông - họ Lai - có ý nghĩa tiêu cực (trong tiếng Trung chữ này có thể mang nghĩa là không biết xấu hổ hay bất hợp lý).
Vì lo con gái sẽ bị bắt nạt, nên cha của Jinghan định chuyển tên của cô sang họ của vợ. Cuối cùng, khi làm giấy khai sinh, ông quyết định thêm cả họ của mình vào.
“Bố tôi muốn đặt tên cho tôi có họ của mẹ - họ Zhang. Dù thế nào đi nữa, nếu quay trở về những năm 90, thế hệ ông bà của tôi sẽ rất hạnh phúc khi cháu gái của mình mang họ ngoại. Vì vậy, họ quyết định giữ cả 2 họ”, Jinghan nói với Sixth Tone.
Zheng Shiyin, tốt nghiệp Đại học Cambridge, cho rằng văn hóa truyền họ lại cho con được hình thành bởi hệ thống gia trưởng từ hàng nghìn năm nay. Mặc dù việc chuyển sang họ vợ là một suy nghĩ cấp tiến, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào quyết định của các thành viên nam trong gia đình.
Ngay cả trong những gia đình tiến bộ như nhà Jinghan, yếu tố nguyên gốc của truyền thống vẫn được đặt lên hàng đầu. Bà Zhang Rong, mẹ của Jinghan, cho biết bà đã thỏa thuận với chồng trước khi đứa con chào đời: Con gái sẽ mang họ mẹ còn con trai mang họ cha.
“Đây là một chủ đề rất phức tạp. Các cuộc tranh luận trên mạng không chỉ đấu tranh chống lại các quy tắc truyền thống, mà còn nâng cao nhận thức của mọi người về sự bất bình đẳng trong hôn nhân”, Zheng cho hay.