Vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 24/10 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Văn Giáp (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) làm 6 người tử vong.
Bên cạnh sự bàng hoàng của người dân là nỗi thất vọng về ý thức lưu thông đường bộ của một số tài xế. Đa số cho rằng ý thức kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả rủi ro trong quá trình di chuyển của nhiều người.
'Tử thần vẫn còn xa lắm?'
Bức xúc trước ý thức tham gia giao thông của một số người dân, bạn đọc Sơn Long khẳng định nhiều tài xế hiện nay còn coi thường luật lệ khi nghĩ rằng kinh nghiệm lái xe đã có đủ. Sự cẩu thả và suy nghĩ chủ quan đôi khi trở thành nguyên nhân khiến bản thân và những người xung quanh mất mạng.
Thành viên Tuấn Nguyễn thẳng thắn chia sẻ: "Không thể chấp nhận lái xe coi thường tính mạng người khác. Anh lái xe này không có trách nhiệm, vô ý thức khi tham gia giao thông".
Hiện trường vụ tai nạn ở nút giao nhau giữa đường sắt và đường bộ tại Thường Tín - Hà Nội làm 6 người tử vong. Ảnh: Hoàng Lam. |
Thực tế đây không phải lần đầu tiên người dân run sợ vì những vụ tai nạn đường sắt thảm khốc. Trước đó tại Hà Nội, đã có nhiều trường hợp phải chết đau đớn chỉ vì không quan sát khi băng qua đường.
Cụ thể, tháng 3/2011, xe khách 16 chỗ đã bị tàu đâm phải khi đi từ Thái Nguyên rẽ về hướng chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) khiến 8 người chết tại chỗ và 3 người bị thương nặng.
Cùng thời điểm, tàu khách SE7 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn đến địa phận tỉnh Thanh Hoá cũng đã đâm phải một người băng qua đường ngang khiến người này tử vong tại chỗ. Trường hợp này dù có cảnh báo tự động, lái tàu tuýt còi và phanh gấp nhưng vẫn không thể tránh khỏi va chạm.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp dù còi tàu thét vang nhưng người điều khiển phương tiện giao thông vẫn cố tình qua đường sắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều hành khách trên tàu.
Cụ thể, hồi tháng 4/2016, cộng đồng mạng đã có một phen hoảng hồn khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm người dân chen lấn qua ray đường sắt trên quốc lộ 21B, đoạn giao vào ga Hà Đông (Hà Nội).
Đoàn tàu chở hàng buộc phải dừng từ xa khi hàng chục người điều khiển xe máy vượt rào chắn băng đường ray trên quốc lộ 21B sáng 13/4.. Ảnh: Lê Anh Tú. |
Theo đó, dù có cảnh báo tàu sắp đi qua nhưng không ít lái xe vì chen lấn dẫn đến hậu quả tắc đường nghiêm trọng. May mắn nữ nhân viên gác chắn đã phát tín hiệu dừng tàu, tránh tai hoạ xảy ra.
Thực tế hiện nay, nhiều người tham gia giao thông thường chủ quan, không coi trọng tài sản và tính mạng của bản thân. Dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo nhưng không hiếm trường hợp vẫn cố tình vượt qua đường sắt mặc cho tàu đến gần, với suy nghĩ "tử thần hẵng còn xa lắm". Theo nhiều bạn đọc, chính ý thức tham gia giao thông kém là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm.
Không ít độc giả gửi tới Zing.vn lời khuyên tới các lái xe hãy có trách nhiệm với tính mạng của bản thân và những người ngồi trên xe. Không nên vì vội vàng, bất chấp nguy hiểm mà phải trả giá bằng cả tính mạng.
"Là người cầm lái, cầm trong tay mạng sống của người khác mà không có trách nhiệm thì đừng tham gia giao thông", độc giả Vũ Nguyễn nhấn mạnh.
Lái xe cần cẩn trọng hơn
Sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại đường tàu khiến 6 người tử vong, nhiều ý kiến nghĩ rằng pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những lái xe coi thường tính mạng bản thân và những người khác để tránh điều đáng tiếc tiếp tục xảy ra.
Chia sẻ quan điểm, độc giả Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ: "Nếu tài xế này còn sống, tôi hy vọng pháp luật có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, làm gương cho những lái xe khác".
Bạn đọc Lam Trí, Hoàng Anh, Khắc Hùng cũng cùng quan điểm khi cho rằng thông thường ở các nút giao có đèn, còi báo hiệu, nhiều tài xế lái xe ôtô vượt ẩu không quan sát hoặc cố tình vượt vì nghĩ sẽ băng qua đường ray trước khi tàu đến.
Theo nhiều bạn đọc, hầu hết các vụ tai nạn xảy ra đều do người tham gia giao thông thiếu quan sát hoặc cố tình chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu... Ngoài ra, việc các lái xe mải mê nghe nhạc cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu để ý, sang đường bất ngờ...
Bức xúc trước tình trạng trên, độc giả Huy Long cũng đưa ra yêu cầu, mong muốn các lái xe cần yêu bản thân và có ý thức tôn trọng những người tham gia giao thông khác. Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng pháp luật cần có một số biện pháp xử lý với các tài xế thiếu trách nhiệm như tước bằng lái xe và yêu cầu học lại luật giao thông để tránh các sự việc thương tâm xảy ra.
Sáng 24/10, vụ tai nạn đường sắt tại đoạn giao cắt với đường dân sinh, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) làm ít nhất 5 người tử vong, khiến người dân địa phương bàng hoàng.
Tới 15h, cơ quan chức năng xác định 6 người thiệt mạng trong vụ tai nạn trên gồm: Nguyễn Duy Minh (41 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội); Bùi Văn Cẩn (25 tuổi, Gia Viễn, Ninh Bình); Nguyễn Phương Huyền (19 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội); Đặng Duy Tùng (24 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) và hai chị em ruột Nguyễn Thị Kim Dung (29 tuổi), Nguyễn Thị Mai (19 tuổi, đều ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội). Nạn nhân bị thương đang được cấp cứu tại bệnh viện là Nguyễn Xuân Quý (33 tuổi, ở thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội).