Lưu Huỳnh suýt 'bán mình' để kiếm số tiền lớn
Quyết liệt trên trường quay và làm đến tận cùng những giấc mơ từ nhỏ, nhưng đạo diễn "Lấy chồng người ta" có lúc cũng không tránh khỏi bị lung lay vì cuộc mưu sinh.
Tôi đến gặp đạo diễn Lưu Huỳnh trước rất nhiều lời "cảnh giới" về sự khó tính lẫn khó chịu của anh. Diễn viên Kathy Uyên vừa khen, vừa nhắc khéo: "Sao chị gặp được Lưu (Lưu Huỳnh) hay vậy? Chị hỏi khéo khéo không là anh ấy đứng dậy liền đấy nha".
Đạo diễn phim Lấy chồng người ta khác hẳn tôi hình dung, trang phục jean, chiếc mũ lưỡi trai đen cụp xuống quá nửa mặt, dấu hiệu của một người không thích ra mặt ở chỗ đông người. Thế nhưng, thỉnh thoảng khuôn mặt lại được dịp giãn hết các cơ khi gặp được điều thú vị trong câu chuyện với người đối diện.
"Tôi ghét nghệ sĩ lắm"
- Anh trò chuyện hay, lại đầy say mê, mà sao ít "xuất đầu lộ diện" với báo chí như vậy?
- Nói thật là tôi không thích công việc này. Tôi ghét nghệ sĩ lắm, họ suốt ngày lên báo khoe nào là chồng khen vợ, vợ khen chồng, chồng mua cho vợ đôi giày, vợ mua cho chồng cái áo... Tôi chẳng hiểu tại sao. Tôi nhớ ngày xưa nghệ sĩ không có vậy, nghệ sĩ bây giờ kỳ quá!
- Nhưng anh vẫn lấy một cô người mẫu?
- Cô ấy là "người rừng", Tây Ninh mà, không phải là người mẫu. Tôi lấy cô này có một lý do là cách đây khoảng 7, 8 năm, tôi đi theo đám đệ tử qua nhà một nhạc sĩ và gặp cô ấy. Sau đó, tôi làm phim, cô này đi thử vai, nhưng phim đó cuối cùng không làm được. Có dịp gặp lại, thấy cô này có hiếu với gia đình, tự nhiên mình có cảm tình.
Tôi ở nước ngoài nhiều năm, hiểu được giá trị tình cảm của người xa gia đình thế nào. Tôi lại nghĩ, mình là con trai, có thể vượt qua bất cứ thứ gì, nhưng cô là con gái, đặt trường hợp nếu nhẹ dạ chỉ có nước chết, hết đường (cười).
Đạo diễn Lưu Huỳnh |
- Nghĩ về phụ nữ vậy, chẳng trách khi anh chuẩn bị có phim mới, khán giả ồ lên: "Lưu Huỳnh lại làm phim về phụ nữ, về cái nghèo đây". Phim của anh, tại sao phụ nữ cứ phải khổ, cơ cực thế?
- Phim không đẩy lên tới nơi sẽ chẳng có gì để nhớ. Tôi không thích kết thúc có hậu, vì vậy, để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ đơn giản là gu. Tôi nhìn ở chiều khác về cái nghèo, sự đau khổ mà bạn nói là một vẻ đẹp. Nghe đến Mỹ, cứ nghĩ là giàu lắm, nhưng không phải, Mỹ có nhiều chỗ cũng nghèo như Việt Nam. Đừng nghĩ những người sống cả đời trên triền sông hoặc chiếc thuyền lênh đênh họ không vui, không hạnh phúc. Biết đâu họ vui, hạnh phúc hơn mình nhiều. Lấy chỉ tiêu "hạnh phúc" ra so sánh, có khi mình... bất hạnh hơn cả họ.
- Đạo diễn Phước Sang (em trai Lưu Huỳnh) hay kể về tuổi thơ nghèo, thiếu thốn của các anh. Còn anh từng du học Mỹ, vì sao anh có thể đi nước ngoài được?
- Nói tôi du học cảm giác sang dễ sợ (cười). Tôi có bà dì không lấy chồng, giàu hơn mẹ ruột. Khi Phước Sang mười mấy tháng tuổi, dì đưa tôi về nuôi để mẹ bớt gánh nặng, miệng ăn. Khoảng 7-8 tuổi, tôi thường trốn học vào nhà hát. Ở với dì một thời gian, kinh tế gia đình dì cũng sa sút. Năm 15 tuổi, thấy nhiều người nói đến Mỹ, Hollywood, tôi sướng lắm, ao ước sang Mỹ để học làm phim.
Tôi theo người quen sang Mỹ một mình, khi còn tuổi vị thành niên có chính phủ lo, vừa 18 tuổi tôi bắt đầu tự bươn chải. Tôi hãnh diện là sang đó tuy không có gia đình, nhưng dù chơi với đủ loại bạn bè từ xì ke, ma túy đến bốc vác, phu phen, nhưng tôi không sa ngã vì có giấc mơ quá lớn là điện ảnh kéo lại.
Điều duy nhất tôi tiếc là mất 1,5 năm theo đuổi một thứ ngoài giấc mơ. Lúc đó nhiều người bảo: "Ồ, qua đây còn mơ mộng học điện ảnh, vớ vẩn. Học kỹ sư 4 năm ra trường, đi làm 30.000 USD/ năm (khoảng 600 triệu đồng) là tốt". Tự nhiên tôi bị chi phối, bày đặt đi học Toán - Lý - Hóa để thi kỹ sư nhưng đều rớt hết. Thực tế là tôi không tập trung học mấy thứ đó. May mà tôi tỉnh sớm. Tôi chấp nhận thương đau, quyết đi con đường mình chọn, cắt cỏ, rửa bát kiếm tiền học điện ảnh tiếp. Thời gian đó ở Mỹ tôi được hưởng chính sách cho sinh viên vay tiền đi học.
- Hóa ra anh được thoát nghèo sớm hơn anh Sang?
- Khi tôi đi, Sang vẫn còn cuốc đất, nhặt cỏ ở đây. Bên kia đất nước, tôi cũng cuốc đất, nhặt cỏ, thành ra hai cái nghèo có lẽ giống nhau, nhưng tôi có cơ hội xây dựng giấc mơ của mình. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, vẫn với giấc mơ ấy, nhưng nếu không đi xa liệu bây giờ mình có kiến thức như thế này không. Ngược lại nếu qua bên kia, không biết Sang có "trớt quớt" như bây giờ không.
- Môi trường ở Mỹ khắc nghiệt, trường đời hay ai đó đã dạy anh thành con người hôm nay?
- Không có ai, nhưng tôi may mắn là 7 - 8 tuổi đã vạch được con đường mình đến cuối cuộc đời. Tôi không mất thời gian tìm hiểu xem mình thích gì. Đến lúc này, tôi khá tự tin vì hầu hết các giấc mơ trong đời đều đã thực hiện, chỉ còn một giấc mơ lớn nhất từ thuở ấu thơ, chưa thực hiện được. Bao giờ làm được tôi kể cho (cười).
- Anh đã thấy hài lòng với mình chưa?
- Chữ hài lòng xem ra bao la quá. Nếu một ngày nào đó bạn thấy hài lòng, tôi tin bạn sẽ chán... thấy mồ (cười).
Nữ diễn viên Đinh Y Nhung - bà xã Lưu Huỳnh. |
5 năm bán từng chiếc xe để... ăn
- Sau khi học xong điện ảnh ở Mỹ, anh bắt đầu thực hiện giấc mơ bằng cách nào?
- Tôi đi quay cho các đạo diễn, quay cho một trung tâm ca nhạc hải ngoại thời gian khá dài. Sau đó, tôi về Việt Nam để có cơ hội... làm sai! Trường dạy gần như toàn lý thuyết, dù đến các phim trường lớn nhưng không được chạm vào thực tế.
- Anh kể về cái "làm sai" đầu tiên của mình đi?
- Tôi làm Đường trần, ra Hà Nội duyệt, họ bắt cắt cảnh này, cảnh kia, tôi không cắt. Bốn năm sau tôi gửi sang Hong Kong cho một nhà đầu tư qua Bưu điện TP.HCM. Bà giám đốc bưu điện thấy tựa lạ nên mở ra xem. Xem xong bà gửi ra Hà Nội, Cục Điện ảnh mới kêu tôi mang ra duyệt. Suốt 4 năm đó, Đường trần của tôi được dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nhưng mãi sau này tôi mới biết.
Lạ là sau 4 năm, phim được duyệt thẳng tưng, chẳng bị cắt cảnh nào. Thời gian đầu ở Việt Nam, tôi nghĩ cái sai lớn nhất của tôi là cho rằng mọi người nghĩ giống mình. Khi đã chấp nhận làm việc gì đó, người ta trả một USD, tôi cũng làm như được trả triệu đô la. Sau này tôi hiểu, nhưng mỗi lần phim bị cắt, tôi vẫn đau lắm.
- Cái sai đó dẫn tới hậu quả là 4 năm không có cơ hội mới, anh có nản chí không?
- Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao lúc đó vẫn ở lại Việt Nam đến hôm nay. Chuyện đó buồn, nhưng không khiến tôi đau khổ bằng dự án Áo lụa Hà Đông. Năm 1999, tôi ra Hà Nội chuẩn bị xong hết, mời quay phim từ Đức về và tự nhiên đùng cái đối tác quay lưng. Mọi việc đổ vỡ hết, tôi mất số tiền lớn.
Về Sài Gòn tôi buồn chán, đi bar suốt ngày, sống thu vào im lặng, chỉ viết kịch bản. Hồi trước, có tiền tôi chơi xe môtô, 5 năm đó (2000 - 2005) tôi bán từng chiếc nuôi sống bản thân. Tôi cứ lang thang ở Huế, Hội An... Đó cũng là thời gian đau khổ nhất trong đời tôi. Sau này phim được 3 nhà sản xuất là BHD, Công ty của Trương Ngọc Ánh và Phước Sang làm.
Suýt "bán mình" để mua nhà cho con
- Đổi lại, sau 5 năm đau khổ ấy tên anh vụt lên thành ngôi sao sáng. Cái giá ấy có thể coi là không đắt chứ?
- Tôi có thể làm những phim như Phước Sang trong tích tắc và nếu dành khoảng 2 - 3 năm làm phim như thế, gom một cục tiền là có thể mua cái gì cho con. Đấy là kiểu "lấy ngắn nuôi dài". Cái dở của tôi là không làm được điều đó. Tôi chấp nhận, cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Bây giờ, tôi vẫn đi cái xe Honda Air Blade tàng tàng, không có xe hơi, nhưng không quan trọng.
- Nhưng anh là đàn ông, còn có gia đình ở phía sau?
- Đúng rồi. Ngày xưa chỉ có mình, giờ trong nhà có thêm hai miệng ăn. Nhất là con, thương lắm. Tôi cũng không biết mình có thể theo đuổi dòng phim này được bao lâu. Tiền đâu có gì xấu, ai cũng cần hết. Mấy năm trước cần tiền mua cái nhà cho con, tôi định "bán mình" cho một công ty làm mấy phim hài trong 2 - 3 năm để có số tiền lớn. Họ chấp nhận "mua" rồi, chỉ mình có chịu "bán" nữa không. Trằn trọc mãi nhiều đêm liền, tôi hỏi vợ. Vợ bảo: "Tùy anh, em không có ý kiến". Mấy người bạn bảo thôi đừng. Tôi cũng nhận ra, khi ngập ngừng là biết mình không đúng rồi. Thế là thôi.
Phước Sang - em trai đạo diễn Lưu Huỳnh. |
- Vậy anh làm như thế nào để sống?
- Tôi theo các đạo diễn nhỏ nhỏ để quay phim cho họ. Tôi thích một cậu đạo diễn trẻ, tôi bảo để anh đi quay cho em, cậu ấy hỏi: "Anh đi quay cho em hả?". Tôi bảo: "Ừ, anh đi quay cho em, có sao đâu".
Đạo diễn Trần Anh Hùng từng chia sẻ với tôi rằng, bạn không thể tưởng tượng cảm giác mình sắp hết tiền nó thú vị đến mức nào đâu! Các anh luôn lý giải về sự thiệt thòi, khó khăn theo cách rất thú vị? Nhiều người đi theo con đường của tôi, chẳng hạn như Di (Phan Đăng Di). Tôi quý Di lắm, con đường Di đi khó hơn tôi cả chục lần. Trên thế giới có Trần Anh Hùng đấy, nhưng Hùng vẫn còn đường sống vì anh ấy ở Pháp, có nhiều tổ chức, quỹ sẵn sàng đầu tư.
Ở Việt Nam khắc nghiệt hơn, nhưng tôi không thấy thiệt thòi, tôi thấy rõ con đường mình đi và thấy mình có thể đi theo.
- Còn tôi ngưỡng mộ chị Đinh Y Nhung, vợ anh. Chị ấy đẹp thế, từng thi hoa hậu, là người mẫu sáng giá, lại có thể sống với người đàn ông khó tính, lại còn nghèo!
- Tôi nghĩ ai sống với mình cũng khó lắm. Tôi là người khó chịu, dù về công việc. Chẳng hạn nếu xem Lấy chồng người ta ở khía cạnh nào đó, họ sẽ thấy Nhung ổn đấy. Cô ấy đóng phim này rất cực khổ, nếu diễn viên khác chưa chắc họ làm nổi. Nhưng thực ra tôi đâu ép cô ấy, từ khi quen tôi, cô ấy muốn làm gì thì làm. Bạn biết con hổ trong tôi sẽ xuất hiện lúc nào không? Bình thường tôi cũng thích la cà nơi góc phố như bao người, là con mèo hiền lành, tôi chỉ là hổ lúc làm việc.
- Trong lúc khó khăn nhất, anh có bao giờ muốn... chửi đổng một tiếng không?
- Không. Tôi vẫn tìm kiếm cơ hội để làm phim lớn đã ấp ủ, tìm chưa thấy sẽ tiếp tục. Còn về vật chất cho cuộc sống, tôi không mơ mộng gì cao sang. Điều tôi muốn để lại cho con không phải vật chất mà là quá nhiều tình yêu, một tư duy sáng tạo tử tế.
- Anh nói về giấc mơ điện ảnh của mình đầy hào hứng. Vậy đến lúc này, trật tự cuộc sống của anh có thay đổi gì so mới thời chưa có gia đình không?
- Ngày xưa, ưu tiên của tôi là phim ảnh, xe môtô, phụ nữ. Bây giờ là con gái, phim ảnh, xe môtô (cười). Có con, tôi thay đổi nhiều. Con cũng là lý do khiến tôi không làm những phim tôi nghĩ là không nên làm. Tôi không muốn sau này con lớn lên, nó bảo: "Ồ, ba làm phim này sến quá" (cười).
- Nếu con anh đi tiếp con đường của cha, anh có vui?
- Tôi tin con không theo nghề ba vì 7 tuổi đã lộ rõ thiên hướng. Con bé không thích đám đông mà mê vẽ hơn, cháu vẽ suốt ngày. Tôi nhớ hoài một chuyện là khi tôi chở con bé đi học về, tôi bảo: "Ivy ráng học giỏi nghe con". Con bé hỏi lại: "Thế ngày xưa ba có học giỏi không?". Tôi trả lời: "Ba học giỏi lắm", con bé hỏi luôn: "Ba học giỏi sao giờ ba nghèo vậy?". Tôi nói: "Đời ba... xui" (cười).
Là anh em nhưng chúng tôi có hai con đường khác nhau
- Phước Sang (ảnh) lúc nào lên báo cũng nói về anh đầy yêu thương, ủng hộ. Còn anh lại hay "tố" anh ấy?
- Thực ra phim đầu tiên tôi làm ở Việt Nam Em và Michael là món quà tôi tặng Sang. Tôi viết xong kịch bản, định gửi cho cậu ấy tìm đạo diễn làm, nhưng cậu ấy không tìm được ai nên bảo: "Thôi anh làm đi". Thế là tôi làm.
Là anh em nhưng chúng tôi có hai con đường khác nhau. Sang làm về thương mại, còn thương mại với tôi là con số không. Cả hai làm với nhau hay khắc khẩu về quan điểm sáng tạo lắm. Cái nhìn quá lệch, tôi thích con chó, cậu ấy thích con mèo, nhưng có điều nếu đã làm cùng nhau, cậu ấy bị... lép.
Thật ra, tôi sòng phẳng lắm, luôn coi đây là cuộc chơi, phải tuân thủ một số luật. Tất cả những thứ liên quan đến sáng tạo tôi quyết, Sang được quyền góp ý. Ngược lại, cậu ấy đưa phim hài, đồng ý làm tôi sẽ chấp nhận luật chơi. Lúc nào cần làm với tôi nghĩa là Sang cần "phở", nếu cần phở phải theo ý tôi (cười lớn).
Tôi nghe nói, mỗi lần ai làm phim với Sang, cậu ấy mê tín cực kỳ, phải xem người đó tuổi có hợp với mình không, hợp làm ăn trong năm đó không. Phim cần 90 phút, làm đến 90 phút cắt luôn. Tôi ít xem phim của Sang, chỉ xem Đẻ mướn được chừng 15 phút.
- Anh đối với Phước Sang như vậy có bao giờ khiến anh ấy nổi máu "tự ái" không?
- Sang tự ái thì tôi chịu. Tôi xem Đẻ mướn không thấy hợp gu nên bỏ ra ngoài. Tôi không chê. Nói về khía cạnh kiếm tiền, phim cậu ậy làm lời cả chục tỷ đồng, phim mình làm chắc gì huề vốn.
Theo Mốt & Cuộc sống