Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH khẳng định: tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với VN mà đối với tất các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, việc tính toán tăng lương tối thiểu 2017 và những năm tiếp theo không phải là điều đơn giản.
Ông Huân cho biết, về lộ trình lương tối thiểu là 3 năm: 2016, 2017, 2018. Nếu trong trường hợp DN sức ép quá lớn, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, những DN sử dụng đông lao động thì các cơ quan của Chính phủ cũng như Tổng liên đoàn, bản thân giới chủ cũng phải có đánh giá xem xét để có kiến nghị làm sao chúng ta vừa thực hiện được chính sách điều chỉnh lương tối thiểu tăng để đảm bảo đúng luật nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo để DN hoạt động và phát triển.
- Rút bài học kinh nghiệm từ cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia năm 2015, năm nay, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia ông có “kế sách” gì để giúp các bên có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói chung?
- Dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho đợt tăng lương 2017. Cụ thể, Hội đồng sẽ khảo sát đánh giá các yếu tố để tính mức sống tối thiểu của người lao động, khảo sát thực tế tình hình thu nhập của người lao động, đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với cuộc sống người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH đang phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội để tìm hiểu những tác động của việc tăng lương tối thiểu tới các DN. Đặc biệt là những DN sử dụng đông lao động và hoat động trong những lĩnh vực gia công may mặc, da giày, chế biến thủy sản… Qua đó, nắm bắt tình hình thực tế, giao bộ phận kỹ thuật chuẩn bị lại các số liệu tính toán, kể cả nền nhu cầu trên mặt bằng mới sao cho dung hòa lợi ích giữa hai bên.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, trong chủ trương tăng lương tối thiểu của Hội đồng tiền lương quốc gia luôn luôn hướng tới yếu tố cân bằng hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Theo thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, mức lương tối thiểu vùng 2017 sẽ đạt 60% lương trung bình. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. |
- Tuy nhiên, gốc rễ của việc tăng tiền lương tối thiểu lại đang đụng chạm đến nhiều vấn đề của nền kinh tế như: năng suất lao động, cơ cấu, chất lượng nền kinh tế, thưa ông?
- Bài toán về tiền lương, đứng về phía người lao động thì đấy chính là thu nhập của họ, khi họ bỏ công sức ra thì được đồng lương thế nào cho phù hợp với công sức đó. Trong cơ cấu lương, chúng tôi đang chỉ đạo lương tối thiểu theo xu hướng chi phí cho lương thực, thực phẩm giảm đi, các chi phí khác phải lớn hơn. Có thời kỳ lương tối thiểu mà chi cho lương thực, thực phẩm chiếm tới 70%. Nhưng sắp tới, chúng tôi nghĩ chi phí cho lương thực, thực phẩm chỉ 40%…
Khi đặt vấn đề tổng thể trong mối quan hệ đó thì chúng ta phải tính đến cốt lõi lương đấy lấy ở đâu? Có phải lấy từ chi phí của DN, mà chi phí của DN thì lấy cái gì? Chi phí của DN liên quan rất chặt với chi phí đầu vào và giá thành đầu ra. Các hiệp định thương mại mà chúng ta cam kết với các nước, các sản phẩm của họ có lợi thế so với chúng ta vì năng suất lao động của họ cao hơn. Năng suất lao động cao hơn thì chi phí của họ thấp. Còn VN năng suất lao động thấp hơn cho nên khả năng cạnh tranh rất khó khăn, dẫn đến DN không có nhiều điều kiện để trả lương cao.
Dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho đợt tăng lương 2017.
Gốc rễ của vấn đề là phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hiện đại, chuyển dịch dần, hướng tới những sản phẩm có giá trị cao gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Khi năng suất lao động cao lên, sản phẩm người lao động làm ra có giá trị cao thì tiền lương cũng sẽ cao hơn. Bài toán chúng ta đang kiên trì đi là tăng lương cho người lao động, tăng dần lương tối thiểu, nhưng cũng cần có lộ trình, để DN có sức tích lũy, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Bản thân người lao động tự nâng cao trình độ để có năng suất lao động cao thì mới có thể nhận lương cao được.
Nhìn về góc độ quốc gia thì đó là yếu tố cạnh tranh. Tất nhiên, chúng ta không có chủ trương dùng chi phí nhân công thấp để nhằm lợi thế cạnh tranh. Nhưng rõ ràng, điểm xuất phát của chúng ta thấp cho nên chúng ta phải tăng dần chứ không thể tăng đột ngột.
- Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, sẽ rất khó để tìm được sự đồng thuận trong đợt điều chỉnh mức lương tối thiểu lần này cũng như những năm tiếp theo. Quan điểm của ông?
- Tính toán về lương tối thiểu không đơn giản. Ban đầu khi nghiên cứu và xây dựng Bộ Luật Lao động, chúng ta cũng đề xuất tới việc đưa mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Nhưng hiện nay trong quá trình hội nhập, các tổ chức quốc tế còn đưa thêm một khái niệm mới, là: Lương theo năng suất và chỉ số giá cả. Do đó, việc điều chỉnh lương các năm sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt khi chúng ta hội nhập.
Trong bối cảnh hiện nay, các bên cần tăng cường thảo luận và đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa. Một mặt nâng dần đời sống của người lao động, mặt khác, tính tới yếu tố khả năng thực tế của DN. Thậm chí, chúng ta phải tính thêm cả yếu tố cạnh tranh quốc gia. Nếu chúng ta hội nhập khu vực và quốc tế mà năng suất lao động quá thấp thì rất nguy hiểm và sẽ là bài toán luẩn quẩn. Hội đồng tiền lương quốc gia rất trăn trở về thực tế này.
- Như vậy, tăng lương sẽ phải đồng nghĩa với tăng năng suất lao động, thưa ông?
- Về nguyên lý, tiền lương gắn chặt với năng suất lao động. Theo lý thuyết chung của thị trường lao động, tốc độ tăng lương bao giờ cũng thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Khi đó, phải tạo ra năng suất từ đó mới có điều kiện để tăng lương. Hiện nay, năng suất lao động của người lao động VN đã được quan tâm, nhưng có lẽ phải củng cố hơn bộ phận tính toán cho tốt hơn.
Các thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đang kiến nghị Chính phủ thành lập Hội đồng nghiên cứu năng suất lao động, nhằm đảm bảo đời sống lao động và đề xuất những giải pháp cạnh tranh của lao động VN tốt hơn. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, năng suất lao động đánh giá năng lực cạnh tranh DN và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế của quốc gia.
Bởi vậy, năng suất gắn chặt với tiền lương. Đơn cử, khi nghiên cứu quan hệ lao động tại một số quốc gia như: Indonesia để đảm bảo tính cạnh tranh quốc gia, chính phủ Indonesia cũng đã tính lương theo năng suất lao động và chỉ số giá cả.
-Theo quan điểm ông, dự kiến mức tăng lương tối thiểu lần này sẽ đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu của người lao động?
- Kinh nghiệm của Tổ chức lao động quốc tế thì mức lương tối thiểu bằng khoảng 40-60% mức lương trung bình. Nếu quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với lương trung bình thì gần như không có cơ chế thương lượng, lúc đó chủ và thợ chỉ thấy mức lương tối thiểu đó mà áp vào.
Chúng ta sẽ xây dựng mức lương tối thiểu sao cho đạt 60% lương trung bình, tỷ lệ còn lại dành để thỏa thuận, thương lượng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!