Theo dự báo của IBC, tình hình xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ khó phục hồi như trước đây. Ipsos dự đoán tổng số heo hơi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vào năm 2018 vẫn giữ ở mức thấp khoảng 2,41 triệu.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ thịt heo nội địa vẫn tiếp tục tăng đều trong năm tới. Nguồn cung sẽ được khống chế nhưng vẫn tăng nhẹ.
Đơn vị này cũng cho rằng lượng heo thịt dư thừa trên thị trường giảm từ 7,05 triệu con năm 2016 xuống khoảng 100.000 con năm 2018.
Sản lượng thịt heo qua các năm. Đồ họa: Hiếu Công. |
Đặc biệt, IBC không tính đến khả năng xuất khẩu heo chính ngạch từ Việt Nam đi Trung Quốc. Nếu thỏa thuận thành công thì sản lượng xuất khẩu chính ngạch được dự đoán sẽ rất nhỏ.
Theo nghiên cứu của IBC, tổng số lượng heo thịt của Việt Nam tăng chậm dần đều từ 39,85 triệu con lên 54,46 triệu con trong giai đoạn 2013-2016. Riêng trong năm 2016, nguồn cung heo thịt từ các trang trại nuôi theo mô hình khép kín ước tính chiếm 14% tổng đàn heo thịt.
Về tiêu thụ nội địa, thịt heo vẫn sẽ chiếm tỷ trọng cao trong rổ thực phẩm ở Việt Nam. IPC thống kê tiêu thụ nội địa ước tính vào khoảng 2,5 triệu tấn thịt xẻ (khoảng 35,76 triệu con) trong năm 2016.
Về xuất khẩu, heo thịt xẻ chính ngạch đang xuất đi Hong Kong và Malaysia với lượng vào khoảng 15.000-20.000 tấn (tương đương khoảng 200.000 con) trong giai đoạn 2013-2016. Trong giai đoạn này, xuất khẩu heo hơi tiểu ngạch đi Trung Quốc qua đường biên giới cũng tăng mạnh. Riêng trong năm 2016 đạt gần 12 triệu con. Trung bình mỗi ngày xuất đi khoảng 33.000 con.
Tình hình tiêu thụ của thịt heo Việt Nam giai đoạn 2013-2016. Đơn vị: Triệu con. Đồ họa: Hiếu Công. |
IPC đưa ra dự báo 2 viễn cảnh tiêu cực và tích cực cho ngành sản xuất thịt heo của Việt Nam trong năm 2017. Với viễn cảnh tích cực, xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch sẽ đạt 2,41 triệu con trong năm 2017, và giảm 80% so với 2016. Như vậy, IPC ước tính khoảng 104.750 con heo dư thừa.
Với viễn cảnh tiêu cực, xuất khẩu tiểu ngạch sẽ vẫn giữ ở mức thấp trong nửa cuối năm nay. Ước tính xuất được khoảng 1,17. Như vậy lượng heo dư thừa chỉ khoảng 1,34 triệu con trên thị trường.
IPC cũng đưa ra những dự báo diễn biến tiếp theo của tình trạng khủng khoảng thịt heo hiện nay tại Việt Nam.
Thứ nhất, khủng hoảng thị trường hiện tại dẫn đến việc treo chuồng của các trại nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, thị phần của các trại nuôi nhỏ lẻ do vậy sẽ giảm và dần dịch chuyển sang cho thị phần của trại nuôi theo mô hình khép kín.
Thứ hai, khi đàn heo nái Việt Nam được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung so với nguồn ra thị trường của heo thịt sẽ được cân bằng hơn trong tương lai gần. Điều này sẽ đẩy giá heo hơi tại trại tăng trở lại. Việc tăng giá này như một dấu hiệu để tái và tăng đàn nái thay vì cắt giảm. Vòng khủng hoảng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến.
Thứ ba, mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đang hướng tới việc hoàn thành kế hoạch cải tổ trang trại trong năm 2017. Tổng đàn heo nái Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi và tăng trưởng trong tương lai. Điều này chứng tỏ tình hình xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch từ Việt Nam qua Trung Quốc sẽ khó có khả năng đạt như thời kỳ đỉnh điểm của năm 2015-2016.
Thứ tư, việc giảm đàn heo nái sẽ tạo ra cơ hội cho trang trại nuôi heo tập trung vào việc tăng cường năng suất và hiệu quả trong tương lai. Các trại nuôi heo có thể cắt giảm chi phí nhờ vào việc thực thi một số phương thức như sử dụng thuốc thú y rẻ hơn, giảm tỉ lệ chích vắc xin, áp dụng biện pháp an toàn sinh học, hoặc trộn thức ăn với một vài nguyên liệu thay thế phù hợp…