Dưới đây là cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt.
Thu nhập đã khá hơn
- Tính đến quý II/2014, việc làm, thu nhập của người lao động ngành giao thông có hơn năm trước không, thưa ông?
- Đến nay, ngành GTVT vẫn phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2013 và 2014, việc làm cho người lao động được cải thiện đáng kể. Với khối xây dựng cơ bản, hàng chục dự án được khởi công mới. Tình trạng không có việc làm (như ở Cienco8 là do doanh nghiệp (DN) không có năng lực tài chính, không đủ lao động để đảm nhiệm) là rất ít. Còn đa phần các tổng công ty xây dựng cơ bản của ngành đều trúng thầu nhiều dự án giao thông lớn, một số đơn vị làm không hết việc nên phải tăng ca, tăng kíp, làm thêm giờ cho kịp tiến độ. Do vậy, thu nhập, đời sống người lao động rất khả quan.
Ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch công đoàn GTVT Việt Nam. |
Những tháng đầu năm 2014, thu nhập bình quân toàn ngành đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng (năm 2013 đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng). Khối các DN hàng không, hàng hải, dịch vụ đạt trung bình 7 triệu đồng/người/tháng, có đơn vị đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Khối công nghiệp, các đơn vị đã nỗ lực ký kết các hợp đồng mới, giải quyết được một số lao động phải nghỉ việc không thường xuyên trước đây. Ngành công nghiệp ô tô thu nhập trung bình 4,6 triệu đồng/người /tháng. Công nghiệp đóng tàu 3,6 triệu đồng/người/tháng, công ty đóng tàu Sông Cấm trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Khối xây dựng cơ bản, các DN triển khai nhiều dự án mới, số lao động không có việc làm đã giảm so với năm 2013. Thu nhập bình quân 4,9 triệu đồng/người/tháng (năm 2013 là 4,5 triệu đồng/người/tháng). Khối Quản lý sửa chữa đường bộ 3,9 triệu đồng/người/tháng (năm 2013 là 3,6 triệu đồng/người/tháng), tuy không cao nhưng ổn định và không có nợ lương và bảo hiểm xã hội.
Người lao động có nhiều cơ hội hơn khi cổ phần hóa
- Xây dựng cơ bản là khối có số người lao động lớn nhất trong ngành GTVT. Từ đầu năm, nhiều DN lớn trong khối này đã tiến hành IPO đồng loạt. Việc này tác động như thế nào đối với người lao động?
- Cổ phần hóa mang lại cho doanh nghiệp không ít lợi thế, nhất là vốn liếng, kinh nghiệm, máy móc thi công, có thể đấu thầu tham gia nhiều dự án ODA của các nhà tài trợ. Tới đây, một số tổng công ty sẽ có Chủ tịch HĐQT là các nhà đầu tư tư nhân mới tham gia. Tuy nhiên, ông chủ nào cũng cần người lao động, nên tinh giản cũng sẽ một số ít thôi. Vấn đề là DN có hợp đồng, có nhiều việc làm, đời sống người lao độngsẽ được cải thiện tốt hơn.
Đảm bảo có việc làm, thu nhập người lao động tăng. |
Một trong những lý do để nhà đầu tư tư nhân bỏ số tiền lớn tham gia vào cơ cấu các doanh nghiệp xây dựng cơ bản của ngành GTVT là do khối này còn nhiều tiềm năng. Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã khởi công 22 dự án, cả năm 2014 là 58 dự án với tổng số vốn giải ngân trên 80.000 tỷ đồng. Do đó, việc làm trong thời gian tới đây vẫn được duy trì và đảm bảo, đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp này có chuyên môn cao.
Nhà đầu tư nào muốn đạt hiệu quả phải nghĩ đến việc nuôi quân tốt. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, quản trị sẽ phải mạch lạc hơn. Lương người lao động không cao ngất ngưởng nhưng ổn định và có tính cạnh tranh. Hiệu quả làm việc đến đâu sẽ được trả công tương xứng. Như vậy mới công khai, minh bạch, doanh nghiệp có điều kiện phát triển hơn.
70% lao động dôi dư ngành đóng tàu đã được giải quyết chế độ
- Thời gian qua, sau khi tái cơ cấu các doanh nghiệp đóng tàu, số lao động dôi dư khá lớn. Việc giải quyết chế độ chính sách đối với những người lao động này ra sao?
- Quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho người lao động phải nghỉ chế độ sau quá trình tái cơ cấu các đơn vị công nghiệp đóng tàu là một trong những trọng tâm công tác của Bộ GTVT và công đoàn GTVT VN suốt thời gian qua.
Đến thời điểm này, sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổng liên đoàn, công đoàn ngành đã cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề lớn đối với các đơn vị công nghiệp đóng tàu. Có những đơn vị tình hình tốt hơn nhiều trước. Đơn cử như nhà máy đóng tàu Sông Cấm, Hạ Long, Thịnh Long và một số đơn vị khu vực TP. HCM. Chế độ chính sách cho người lao động dôi dư đến nay cũng đã giải quyết đến 70%, còn 30% đang tiếp tục tiến hành.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đầu tháng 4/2014 đã trực tiếp xuống làm việc với các đơn vị. Quan điểm của Bộ trưởng là cố gắng hỗ trợ tối đa các đơn vị tổ chức phát triển sản xuất có hiệu quả,đi đôi với đó là tổ chức sắp xếp lại lao động cho phù hợp.
Số lao động dôi dư được bố trí để giải quyết chế độ, nhằm tạo sự ổn định, linh hoạt, giúp doanh nghiệp tổ chức hiệu quả dây chuyền sản xuất. Đến giai đoạn này, nhiều đơn vị đảm bảo đủ việc làm và đang hướng đến phát triển các bạn hàng mới.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thời gian qua cũng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt giải quyết nợ của hàng hải, đóng tàu, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn. Các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh cũng rất ủng hộ, giúp tìm thị trường cho sản phẩm. Các tổ chức công đoàn kêu gọi, hỗ trợ, khích lệ động viên người lao động, cùng phối hợp tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Quan điểm của Bộ GTVT là người làm việc trong dây chuyền phải được bảo đảm đời sống, người nghỉ chế độ phải được giải quyết tối đa các chế độ chính sách để ít bị thiệt thòi nhất.
Ngoài ra, việc Bộ GTVT chủ trì triển khai thực hiện siết chặt chở quá tải đường bộ và thúc đẩy các ngành vận tải phát triển hài hòa, phát huy ưu thế từng ngành, sẽ có tác động tích cực đến toàn bộ các ngành vận tải và công nghiệp một cách rất tích cực. Tới đây, các phương thức vận tải khác như hàng hải, đường thủy, đường sắt, hàng không sẽ phải đầu tư, phát triển hơn để “chia lửa” cho đường bộ. Cước vận tải cũng sẽ công khai, minh bạch hơn và thiết lập mặt bằng giá cước mới hợp lý.