Sáng 10/2 (29 Tết), tại một cửa hàng rửa ôtô trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), lượng xe ra vào liên tục, đỗ kín bãi. Nhân viên của cửa hàng phải làm việc hết công suất. |
Trung bình, chăm sóc một chiếc ôtô mất khoảng 30-40 phút, gồm nhiều công đoạn như rửa xe, hút bụi, dọn dẹp nội thất và lau khô. |
“Vào những ngày cận Tết, trung bình mỗi ngày chúng tôi rửa khoảng hơn 100 chiếc. So với năm ngoái, lượng xe có phần ít hơn. Làm việc nốt sáng 30 Tết, tới trưa tôi sẽ về quê”, anh Mùi (Phú Thọ), nhân viên rửa xe chia sẻ. |
Do hôm trước mưa nên khách tới rửa ôtô đông hơn dự kiến, một nhân viên tại tiệm phải hẹn chiều quay lại. “Ngày thường tại cửa hàng chỉ khoảng 6-7 người, nhưng những ngày giáp Tết, số lượng người làm tăng lên gấp đôi để đảm bảo phục vụ liên tục. Giá rửa ôtô 4 chỗ là 150.000 đồng, 7 chỗ là 200.000 đồng”, anh Nguyễn Văn Thái nói. |
Anh Phạm Anh Thái (Tây Sơn) cho rằng giá rửa ôtô như vậy quá cao nhưng vẫn đành chấp nhận để có xe sạch sẽ đi chơi Tết. |
Tại một cửa hàng trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khu vực rửa xe kín ôtô. Nhân viên cho biết lượng khách vẫn giảm nhiều so với năm ngoái. |
Giá rửa xe thay đổi theo từng ngày, tăng gấp 2-3 lần từ 27-29 Tết. |
Một cửa hàng rửa xe khác trên phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông, Hà Nội) đảm bảo dịch vụ xuyên Tết cho khách hàng. |
Trong khi đó, giá rửa xe máy cũng tăng, dao động khoảng 30.000-50.000 đồng/chiếc, còn ngày thường chỉ 15.000-20.000 đồng. |
“Những ngày này tôi chỉ nhận rửa xe, thay dầu chứ không có thời gian làm bảo dưỡng. Tôi chỉ lấy giá rửa xe máy là 30.000 đồng/chiếc, cao hơn ngày thường 10.000 đồng vì làm quanh năm, lấy cao quá dễ mất khách. Từ sáng tới giờ tôi rửa được 20 chiếc, cố gắng rửa khoảng 50 chiếc rồi thu dọn để mai về quê ăn Tết”, anh Lê Mạnh Quỳnh, chủ cửa hàng rửa xe ở Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. Anh Quỳnh cho biết thêm năm nay vì dịch bùng phát ngay trước Tết, sinh viên về quê sớm nên lượng khách giảm nhiều so với năm ngoái. |