Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lưng nhân viên y tế ở Bắc Giang phồng rộp vì mặc đồ bảo hộ kín mít

Bị dị ứng cồn, cộng với làm việc trong đồ bảo hộ kín mít, thời tiết nắng nóng, lưng của Đăng Ninh phồng rộp, đỏ ửng.

Nguyễn Phúc Đăng Ninh (sinh năm 1999) là sinh viên năm cuối, lớp KY5, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Ngày 16/5, ngay khi nhận được lời kêu gọi từ nhà trường, cậu và các bạn cùng lớp đã tình nguyện đến Bắc Giang chống dịch.

chang trai 2 lan tham gia chong dich anh 1

Lưng của Đăng Ninh đỏ ửng, bỏng rát do dị ứng cồn và mặc đồ bảo hộ kín mít.

Chia sẻ với Zing, Ninh cho biết vừa đến Bắc Giang chi viện được 4 ngày, khắp lưng cậu bị bỏng rát do mặc đồ bảo hộ kín mít và dị ứng với cồn sát khuẩn.

Dù đau đớn, cậu nhất quyết không bỏ vị trí, hàng ngày vẫn cùng các nhân viên y tế lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân ở tâm dịch.

“Trước đây, khi chống dịch ở Hải Dương, do mặc đồ bảo hộ liên tục, mình từng bị dị ứng nhưng không nặng như lần này. Hàng ngày, mỗi khi cởi áo bảo hộ ra, mình phải sát khuẩn bằng cách xịt cồn lên toàn thân. Hiện tại, dù khá đau rát, nhưng do vẫn ở trong tâm dịch, mình chưa đi khám được", Ninh nói.

2 lần tham gia chống dịch

Cuối tháng 1/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hải Dương, Đăng Ninh cũng cùng 23 thành viên khác trong lớp viết đơn tình nguyện, xin tham gia hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến đầu.

"Đợt đó, cả lớp chỉ có khoảng 20 phút để chuẩn bị tư trang, quần áo rồi lên đường. Sau một số buổi tập huấn, chúng mình được phân công đi làm nhiệm vụ, có người còn bỏ cả bữa cơm sum họp cùng gia đình trong ngày đầu năm mới”, Ninh kể.

Đoàn tình nguyện lần này đến Bắc Giang có 212 sinh viên và một số giảng viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Theo Ninh, đợt dịch lần này ở Bắc Giang, mọi người phải làm việc với cường độ và hoàn cảnh khắc nghiệt hơn nhiều. Ngay ngày đầu, cậu cùng các bạn của mình đã phải làm việc liên tục từ 7h đến 2h sáng hôm sau.

“Thời tiết ở Bắc Giang nắng nóng nên mọi người mau xuống sức. Sáng 26/5, khi lấy mẫu xét nghiệm ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, một bạn đã ngất xỉu vì say nắng. Thậm chí, có nhiều bạn cả người đỏ ửng hết lên, phải nằm tạm xuống đất nghỉ ngơi", Ninh chia sẻ.

chang trai 2 lan tham gia chong dich anh 2

Sinh viên ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương bị ngất xỉu vì sốc nhiệt.

Hơn nữa, phần lớn đối tượng lấy mẫu xét nghiệm lần này đều là F1, nguy cơ lây nhiễm cao.

"Thời gian đầu, đi làm xét nghiệm cho công nhân tại khu công nghiệp, mình cũng lo lắng vì không biết họ có dương tính với SARS-CoV-2 hay không. Thế nhưng, lo lắng là để mình có biện pháp phòng tránh, có tinh thần làm việc cẩn trọng, chỉn chu hơn. Đặc biệt, chúng mình phải đảm bảo an toàn trong quá trình lấy mẫu để bảo vệ bản thân cũng như công nhân và mọi người xung quanh”.

Dù nhiệm vụ vất vả, cộng với thời tiết nắng nóng, nhưng đổi lại, ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến, cán bộ, y bác sĩ cùng các bạn học viên như Ninh luôn được ưu ái chỗ nghỉ ngơi thoáng mát, mỗi bữa cơm đều được chuẩn bị tươm tất.

Thương các y bác sĩ vất vả, bà con Bắc Giang còn đến tận nơi mang theo nhiều đồ ăn, thức uống tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu.

“Bữa nào, chúng mình cũng được bà con mang hoa quả, rau xanh, nước uống, bánh kẹo đến tặng. Nhận những món quà thân thương, ấm áp của người dân, chúng mình rất xúc động. Trước khi đến Bắc Giang, cả nhóm đều xác định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ".

Hiện tại, điều mong muốn lớn nhất của chàng trai sinh năm 1999 là Bắc Giang sớm hết dịch, để cậu được về thăm gia đình.

"Trở thành bác sĩ ngoại khoa giỏi là ước mơ của mình. Những lúc như này chính là thời điểm mình học hỏi, rèn luyện thêm sự chỉn chu, cẩn thận khi làm nghề. Còn vết phồng rộp ở lưng, bao giờ chống dịch xong, về nhà, mình chữa sau vậy", Ninh nói.

Viết đơn xin làm tình nguyện viên ở tâm dịch Bắc Giang

Nói với Zing, Gia Long cho biết khi viết đơn xin đi chống dịch, anh không sợ nhiễm bệnh mà chỉ sợ mình không được nhận.

Kiều Trang

Bạn có thể quan tâm