Vào ngày 25/1, chủ nhân của chiếc vương miện Miss Universe sẽ lộ diện. Suốt hai tuần tranh tài vừa qua, cuộc thi có quy mô lớn thứ hai thế giới trở thành tâm điểm của truyền thông cũng như thu hút quan tâm của đông đảo khán giả hâm mộ. Những lùm xùm đầu tiên về sân chơi Miss Universe đã được ghi nhận.
Chuyên gia phản đối cuộc thi để bảo vệ quyền cho nữ giới
Theo dự kiến, đêm chung kết sẽ diễn ra tại khán đài của trường Đại học Quốc tế bang Florida. Tuy nhiên, cuộc thi đang đối mặt với những phản đối từ phía sinh viên, nhân viên của trường. Lý do chính được đưa ra theo Giáo sư Susanne Zwingel, chuyên gia về quyền phụ nữ và bình đẳng giới: "Chúng tôi không nghĩ một trường đại học dạy các thanh niên cách trở thành người đàn ông tốt lại là nơi phô bày cơ thể người phụ nữ được". Vị giáo sư này còn nhấn mạnh: "Nước Mỹ tốt hơn hết là nhìn thẳng vào vấn đề quyền phụ nữ thay vì tuyên truyền và hô hào mang tính khẩu hiệu".
Bên cạnh đó, chi phí mà trường đại học của bang Florida phải bỏ ra để trở thành đơn vị đăng cai lên tới 540.000 USD, trong đó hệ thống âm thanh và ánh sáng mới ngốn tới 400.000 USD. Đổi lại, trường sẽ được chú ý hơn khi khán giả trên toàn thế giới truy cập vào trang chủ và trong phóng sự ngắn đêm chung kết họ cũng xuất hiện trong vòng 10 giây. Tuy nhiên, để giảm bớt căng thẳng, ban lãnh đạo trường đã cố gắng rút ra khỏi cuộc thi bằng cách tránh tự xưng là nhà tài trợ, rút logo ra khỏi trang web Miss Universe.
Nhiều thí sinh có hình thể kém chuẩn và nhan sắc thảm họa
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay bị "ném đá" khá nhiều vì để các hoa hậu kém sắc tham dự. Số thí sinh lộ những nhược điểm về hình thể như eo bánh mỳ, ngực lép hay ba vòng chảy xệ lên tới 30 người. Các hoa hậu bị chê nhiều nhất về hình thể kém chuẩn có thể kể tên như thí sinh Jaynene Jno Lewis của quốc đảo British Virgin Islands, Queen Celestine đến từ Nigeria, Brittany Bell đến từ Guam, Nale Boniface đến từ Tanzania…
Hoa hậu British Virgin Islands với hình thể đồ sộ. |
Hoa hậu Nigeria với vòng 2 ngoại cỡ. |
Bên cạnh đó, các hoa hậu của Thụy Sĩ, Slovenia, Sri Lanka, Croatia… được xem là những thảm họa nhan sắc. Họ liên tiếp "đội sổ" trong các bảng xếp hạng của chuyên trang Globalbeauties. Hoa hậu Slovenia Urška Bračko có gương mặt quá dài, trong khi người đẹp Thụy Sỹ Zoé Metthez luôn xuất hiện với vẻ mặt bơ phờ thiếu ngủ. Hoa hậu Croatia Ivana Mišura khiến nhiều khán giả "thất thần" vì có nhan sắc giống người đẹp chuyển giới.
Nhan sắc khiến nhiều khán giả "thất thần" của hoa hậu Croatia. |
Nhan sắc đội sổ của Hoa hậu Thụy Sĩ. |
Hoa hậu bị đe dọa mạng sống vì chụp hình với người đẹp khác
Trong những ngày qua, việc Hoa hậu Lebanon bị khán giả tại quê nhà chỉ trích dữ dội vì chụp ảnh chung với thí sinh của Israel đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông. Lebanon và Israel là hai quốc gia thù địch, bất kỳ liên lạc nào với nhà nước Do Thái ở Lebanon cũng bị xem là bất hợp pháp. Hoa hậu Lebanon Saly Greige đã chịu sự chỉ trích nặng nề từ phía dư luận, nhiều người đòi tước danh hiệu của cô và "mỉa mai" cô nên trở thành công dân của Israel.
Bức hình gây sóng gió của hoa hậu Lebanon. |
Ngay sau đó, Saly Greige đã lên tiếng bảo vệ mình, cô đã rất cẩn thận khi nhiều lần từ chối chụp ảnh chung với thí sinh của Israel, và đây chỉ là một sự cố ngoài ý muốn. Khi tin tức được lan truyền, dư luận Thế giới đều lên tiếng bảo vệ hai hoa hậu. Họ cho rằng hai cô gái này không đáng phải chịu sự chỉ trích lớn như vậy bởi họ đang cùng nhau tham dự một cuộc thi sắc đẹp.
Vấn đề chính trị và tôn giáo luôn làm khó ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, trong đó Hoa hậu Hoàn vũ không là ngoại lệ. Trong lịch sử, các hoa hậu Lebanon luôn được dặn dò tránh xa các đại diện của Isarel, thậm chí hoa hậu Lebanon 2002 Christina Sawaya đã từ chối tham dự Miss Universe vì Hoa hậu Israel cũng tham dự cuộc thi này. Hai quốc gia khác "không đội trời chung" là Kosovo và Serbia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2011, Hoa hậu Kosovo và Hoa hậu Serbia đã gặp rắc rối khi chụp hình chung tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Năm 2013, khi Miss Universe diễn ra ở Nga, các nước Kosovo, Albania đã quyết định không tham dự vì những bất đồng với nước chủ nhà.