Tiền vệ Real Madrid đang trải qua những ngày tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp. Quan trọng hơn, anh giờ đây không còn là một kẻ tội đồ trong mắt người hâm mộ bóng đá Croatia.
Lọt vào danh sách top 3 đề cử cho giải “The Best” ở hạng mục Cầu thủ hay nhất năm do FIFA bình chọn, Luka Modric đang bước vào ngôi đền của những tiền vệ huyền thoại. Đó là thành quả xứng đáng cho những bước chạy không biết mệt mỏi của anh trong màu áo Real Madrid cũng như việc trở thành “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt ĐTQG Croatia vào tới chung kết World Cup 2018.
Luka Modric không còn là một chàng trai phải tìm kiếm bàn tay người vợ để lấy dũng khí trước sự choáng ngợp của Bernabeu như trong ngày đầu tiên đặt chân lên thảm cỏ sân vận động này. Người đàn ông 33 tuổi nay đã có thừa tự tin để đứng trên bục vinh danh, nhận cú đúp danh hiệu cá nhân Tiền vệ hay nhất năm và Cầu thủ hay nhất năm trong buổi lễ trao giải của UEFA.
Âu đó cũng là sự cố gắng vươn lên của một cậu bé lớn lên trong khói lửa chiến tranh. Để có được ngày hôm nay, Modric đã phải trải qua không ít cay đắng, tủi hờn. Anh đã chọn bảo vệ ân nhân và từ đó trở thành “đứa con ghẻ” của cả dân tộc. Song thay vì chấp nhận số phận, tiền vệ người Croatia từ kẻ tội đồ trở thành người hùng bằng chính tài năng chơi bóng của mình.
Chia sẻ với Bleacher Report, Ivan Rakitic, đối thủ của Modric ở La Liga nhưng đồng thời là đồng đội của anh ở ĐTQG Croatia, nhận định: “Cầu thủ hay nhất thế giới và có lẽ ở mọi thời đại là Leo Messi. Thế nhưng tôi nghĩ năm nay là năm của Luka Modric. Anh ấy xứng đáng với tất cả các danh hiệu”.
Casemiro, đồng đội và là người thi đấu bên cạnh cựu cầu thủ Tottenham Hotspur, lại thực tế hơn khi so sánh Modric với ông thầy cũ Zidane, vị chiến lược gia giúp Real Madrid giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. “Modric tiệm cận với đẳng cấp của Zidane ngày trước. Và Zidane là một trong những cầu thủ hay nhất mọi thời đại”, tiền vệ người Brazil đánh giá.
Khi danh sách rút gọn cho giải “The Best” của FIFA được công bố, nhiều bình luận và tranh cãi đã được nổ ra trên mạng xã hội. Luka Modric, Cristiano Ronaldo và Mohamed Salah là 3 cầu thủ được xướng tên ở hạng mục này. Đây cũng là những ứng cử viên cho danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm do UEFA bình chọn, cuộc đua mà Modric đã giành chiến thắng cách đây ít lâu ở buổi lễ bốc thăm vòng bảng Champions League.
Giới chuyên môn nói nhiều về Ronaldo ở khả năng cạnh tranh danh hiệu cá nhân trong một mùa giải tiền đạo người Bồ Đào Nha tỏ ra hụt hơi ở giai đoạn đầu. Cùng với đó, việc chuyển tới Juventus thi đấu phần nào cho thấy sự thống trị của bộ đôi Ronaldo - Messi tại châu Âu đang dần bị lật đổ.
Trong suốt một thập kỷ, 2 kẻ “kỳ phùng địch thủ” đã chia nhau mỗi người 5 Quả bóng vàng. Đây là một con số đẹp để khép lại cuộc đua của 2 cầu thủ hàng đầu thế giới bóng đá đương đại, nhất là trong bối cảnh những tài năng trẻ như Neymar, Kylian Mbappe, Eden Hazard… đang trưởng thành từng ngày.
Về phần Salah, người hâm mộ cho rằng đây là quyết định có phần bất công của FIFA khi thẳng tay loại Lionel Messi sau một mùa giải giành cú đúp danh hiệu quốc nội tại Barcelona. Trong khi đó, với 44 bàn thắng ghi được trong màu áo Liverpool, tiền đạo người Ai Cập dù đưa đội bóng thành phố cảng vào tới chung kết Champions League, vẫn phải chịu thất bại trước Real Madrid.
Ở cấp độ ĐTQG, Salah và các đồng đội thậm chí còn phải chấp nhận dừng bước ở vòng bảng khi anh bị ảnh hưởng bởi chấn thương vai dai dẳng do Sergio Ramos gây ra ở trận chung kết trước đó. Tiền đạo người Argentina thì khác, dù không thể đăng quang ở một giải đấu được đặt nhiều kỳ vọng, chí ít đội bóng của Messi vẫn tiến được tới vòng 1/8.
Tờ ESPN nhận định: “Messi không có tên bởi anh đã quá ổn định”. Nếu như Mo Salah được đánh giá cao nhờ sự tiến bộ vượt bậc và khả năng truyền cảm hứng trên toàn cầu, Leo Messi, xét trên bình diện một cầu thủ hàng đầu thế giới, không gây được quá nhiều ấn tượng ở mùa giải vừa qua.
Dù vậy, điều đáng nói ở đây là tuyệt nhiên không có ai tranh cãi về Luka Modric. Dường như một vị trí trong top 3 đề cử đã được “đo ni đóng giày” cho tiền vệ người Croatia, thậm chí xa hơn là danh hiệu “The Best”. Không ghi quá nhiều bàn thắng, không có nhiều pha kiến tạo song vai trò của Modric ở cả CLB lẫn ĐTQG là không thể thay thế.
Ở thời đỉnh cao của Barcelona, bộ đôi Xavi Hernandez - Andres Iniesta từng khuynh đảo trời Âu với một người có khả năng chuyền bóng, một người có kỹ thuật cá nhân và giữ bóng thượng thừa. Có thể nói Luka Modric là sự tổng hòa của 2 con người này. Sự cơ động, nhãn quan chiến thuật cùng nền tảng thể lực sung mãn giúp anh trở thành một thứ dầu bôi trơn, đảm bảo cỗ máy Real Madrid cũng như Croatia hoạt động trơn tru.
Bằng chứng là ở mùa giải vừa qua, Luka Modric chỉ ghi 1 bàn và có 6 pha kiến tạo tại La Liga. Ở đấu trường Champions League, tiền vệ này đá 11 trận và ghi 1 bàn trước khi có 2 pha lập công cùng 1 đường kiến tạo ở World Cup 2018.
Thế nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chức vô địch Champions League lần thứ 3 liên tiếp, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của “Kền kền trắng” dưới thời Zinedine Zidane và ngôi á quân thế giới của đội tuyển Croatia sau giải đấu trên đất Nga. Bản thân Modric cũng giành được Quả bóng vàng World Cup 2018 là “ẵm” luôn 2 danh hiệu cá nhân trong buổi lễ trao giải của UEFA.
Trước khi nói đến hành trình trở thành người hùng dân tộc của Luka Modric, cần phải điểm qua một chút về lịch sử bóng đá Croatia với thế hệ vàng gồm Zvonimir Boban, Davor Suker, Robert Prosinecki hay Alen Boksic, những người đã đưa ĐTQG nước này vào tới bán kết World Cup 1998 trên đất Pháp.
Zvonimir Boban, thần tượng của Luka Modric, không đơn thuần là một ngôi sao bóng đá mà còn biểu tượng cho tinh thần dân tộc và tự do của đất nước Croatia. Ông từng trở thành người hùng trong một trận đấu làm thay đổi lịch sử thế giới, bằng cú đá mở ra chương mới cho cả dân tộc.
Ngày 13/5/1990 chứng kiến cuộc đối đầu giữa Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade, 2 thế lực của bóng đá Nam Tư thời bấy giờ trên SVĐ Maksimir của thành phố Zagreb. Liên bang Nam Tư từng được mệnh danh là “Brazil của châu Âu” bởi họ không chỉ sở hữu những cầu thủ giỏi mà còn có lực lượng cổ động viên hùng hậu, dĩ nhiên không loại trừ những phần tử quá khích.
Thời điểm diễn ra trận đấu cũng là lúc chiến tranh chuẩn bị bùng nổ ở Nam Tư. Mối quan hệ giữa các nước trong khu vực ngày một trở nên căng thẳng khi Croatia một mực muốn rút khỏi Serbia để trở thành quốc gia độc lập. Kể từ sau Thế chiến II, đây là lần đầu tiên bầu không khí khói lửa bùng lên tại châu Âu.
Croatia lúc bấy giờ đã tổ chức cuộc bầu cử đa đảng lần đầu tiên trong hơn 50 năm với phần thắng thuộc về Franjo Tuđman, người sau đó đứng đầu phe Croatia trong cuộc chiến tranh Nam Tư, đồng thời trở thành tổng thống đầu tiên khi nước này độc lập. Tuđman cũng chính là thành viên của lực lượng hooligan khét tiếng mang tên “Bad Blue Boys” hậu thuẫn Dinamo Zagreb.
Trong khi đó, đối thủ của ông bên kia chiến tuyến là hơn 3.000 cổ động viên được trang bị gậy gộc, dùi cui… thuộc lực lượng “Delije” do Zeljko Raznatovic, người bị Tòa án quốc tế liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh và cũng là cánh tay mặt của Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, cầm đầu.
Chẳng phải nói cũng biết bầu không khí trên sân khi đó sặc mùi chính trị ra sao. Chỉ sau vài phút bóng lăn, 2 nhóm cổ động viên bắt đầu ném đá, vung gậy và thóa mạ nhau trên sân với những ngôn từ thô tục. Ai không tham gia vào cuộc ẩu đả cũng tích cực đả kích phe đối lập với những khẩu hiệu như “Zagreb là của Nam Tư”, “Lũ Serbia hãy cút khỏi đây”…
Mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm khi lực lượng cảnh sát trên SVĐ Maksimir, chủ yếu là người Serbia, bắt đầu phang dùi cui vào nhóm cổ động viên của Dinamo Zagreb nhằm kiểm soát trật tự. Trong khung cảnh hỗn loạn ấy bất chợt hiện lên một hình tượng của người anh hùng dân tộc, vùng lên chống lại áp bức. Đó chính là Zvonimir Boban.
Tiền vệ người Croatia đã tung cú đá kung-fu vào đầu viên cảnh sát khi gã này có ý định phang dùi cui vào một thanh niên trẻ tuổi. Ngay sau đó, các cổ động viên “Bad Blue Boys” của Dinamo Zagreb đã kéo đến xếp thành vòng tròn bao quanh Boban để bảo vệ cầu thủ này trước sự trả đũa của hàng chục cảnh sát người Serbia.
Sau này, trong bộ phim tài liệu The Last Yugoslav Football Team của đạo diễn Vuk Janic, huyền thoại bóng đá Croatia chia sẻ: “Đám hooligan từ Belgrade tràn vào sân vận động. Cảnh sát khi đó, những kẻ rõ ràng đã được huấn luyện cho tình huống này, lại không có một sự ngăn chặn nào cả. Đó là tôi, một gương mặt quen thuộc sẵn sáng mạo hiểm tính mạng, sự nghiệp và nổi tiếng. Tất cả chỉ phục vụ một mục đích, một lý tưởng duy nhất: lợi ích của người Croatia”.
Đây là một trong những hình ảnh tiêu biểu, ấn tượng và đáng nhớ nhất trong cuộc hỗn loạn trên sân Maksimir hôm đó. Zvonimir Boban đã trở thành người hùng dân tộc ở tuổi 21. Trận đấu giữa Dinamo Zagreb và Red Star Belgrade cũng trở thành 1 trong 5 trận đấu làm thay đổi lịch sử thế giới. Bởi lẽ, không lâu sau cuộc bạo loạn, chiến tranh đã nổ ra ở Liên bang Nam Tư và kết quả là sự ra đời của nhà nước Croatia.
Nói vậy để thấy bóng đá có tầm ảnh hưởng lớn thế nào tới Croatia, đất nước phải chịu đựng bom đạn chiến tranh suốt một thời gian dài và lấy môn thể thao vua làm niềm cảm hứng. Song, cũng chính bởi lý do đó mà Luka Modric, một trong những tiền vệ hay nhất của bóng đá thế giới, phải chịu sự ghẻ lạnh của cả dân tộc.
Mối quan hệ với Zdravko Mamic, “ông trùm” bóng đá Croatia, giúp Modric được nhiều hơn mất. Nhờ Mamic, anh có được sự nghiệp ở Dinamo Zagreb, Tottenham Hotspur để làm bàn đạp chuyển tới Real Madrid. Cũng nhờ cựu phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Croatia, Modric gặp được vợ anh, Vanja Bosnic, nhân viên dưới trướng Mamic và giờ là người đại diện của tiền vệ 33 tuổi.
Dù vậy, cuộc sống tưởng chừng viên mãn ấy bỗng chốc biến thành ác mộng chỉ sau một khoảnh khắc vào tháng 6/2017. Zdravko Mamic sau những cáo buộc về tham nhũng, lạm dụng chức quyền nhằm gây ảnh hưởng tới việc triệu tập cầu thủ lên ĐTQG đã phải ra hầu tòa, còn Modric “đổi trắng thay đen” lời khai theo chiều hướng có lợi cho bị cáo.
Dĩ nhiên, Mamic sau đó đã thoát tội và trốn sang Bosnia & Herzegovina hưởng một cuộc sống an nhiên. Trong khi đó, tiền vệ Real Madrid phải đối diện với mức án 5 năm tù. Kinh khủng hơn, anh bị chính người dân Croatia dè bỉu và coi như một kẻ phản bội. Từ chỗ là tài năng hàng đầu của bóng đá Croatia, Modric bước thẳng xuống địa ngục với vị thế một “đứa con ghẻ”.
Thời điểm trước khi World Cup khởi tranh, mối quan hệ của Modric với những cổ động viên quê nhà vẫn không có gì cải thiện. Ngay cả tiền vệ này cũng không biết liệu một kỳ World Cup thành công có thể giúp anh thay đổi những định kiến vốn đã “đóng đinh” trong tâm trí người dân Croatia. Trước một vết nhơ không thể gột rửa, giờ đây Modric chỉ còn biết cố gắng hết sức.
Phút 107 trong trận tứ kết với đội tuyển Nga ở World Cup 2018, khi thể lực của toàn đội đã bị bào mòn do thiếu phương án dự phòng, Luka Modric, người gần như không nghỉ ngơi suốt giải đấu, có một pha chạy nước rút khiến cổ động viên trên sân không khỏi ngỡ ngàng.
Từ pha phá bóng trúng chân Modric của hậu vệ đội chủ nhà trong bối cảnh Croatia đang dẫn trước 2-1, anh bứt tốc và cứu bóng thành công ngay sát đường biên ngang, không cho đối thủ cơ hội có bóng để triển khai tấn công. Đáng chú ý, đây là pha bứt tốc ở phút 107, khi các đồng đội của anh đã quá mệt mỏi dẫn đến hậu quả là chưa đầy 10 phút sau, không cầu thủ nào theo kèm để Dzagoev thoải mái bật cao đánh đầu quân bình tỷ số.
Những bước chạy không biết mệt mỏi trên thảm có sân vận động Fisht ngày hôm đó đã lay động hàng triệu con tim Croatia. Đó không đơn thuần là nỗ lực giữ bóng nhằm bảo toàn tỷ số mà còn là những cố gắng nhằm chứng tỏ sự cống hiến của bản thân với mong muốn được người hâm mộ nước nhà tha thứ.
Croatia đã dừng bước ở vị trí á quân tại World Cup 2018 sau hành trình đầy quả cảm của Luka Modric và các đồng đội. Dù không thể đăng quang ngôi vô địch, họ đã làm tốt hơn những gì thế hệ vàng của Zvonimir Boban thể hiện trước đó. Quan trọng hơn, World Cup 2018 là giải đấu mà Modric được “rửa tội”.
Kể từ khi trở về từ nước Nga, câu chuyện về mối quan hệ giữa Modric và Mamic, bằng một cách nào đó đã không còn xuất hiện trên mặt báo. Người dân Croatia đã cùng nhau tha thứ cho đứa con lầm đường lạc lối của dân tộc.
Dẫn dắt cả đội tuyển đi tới trận chung kết World Cup 2018, Luka Modric, sau Zvonimir Boban, đã trở thành người hùng trong thời bình của Croatia. Người hâm mộ bóng đá nước này biết rằng lúc này, điều cần làm là bảo vệ người hùng của mình, thay vì chỉ trích anh.
“Cảm ơn Croatia! Cảm ơn Zagreb!”, thuyền trưởng Luka Modric hét lớn trước không khí náo nhiệt tại quảng trưởng Jelacic Square nơi quê nhà. Hơn nửa triệu cổ động viên đã đổ ra đường để chào đón thầy trò HLV Zlatko Dalic trở về từ nước Nga, lấp đầy các con phố trải dài từ sân bay tới quảng trường chính. Xe buýt của đội bóng đi từ từ chậm rãi qua đám đông trước khi màn ăn mừng ngẫu hứng của Modric và các đồng đội diễn ra.
Dưới khung cảnh ngập cờ và hoa, các cầu thủ cùng người hâm mộ hát vang quốc ca Croatia để vinh danh màn trình diễn tốt nhất của đất nước chỉ hơn nửa triệu dân này. Một lần nữa, họ lại thất bại trước những người Pháp, song như lời Modric nói: “Chúng tôi đã đạt được ước mơ của mình”, tất cả chỉ có thể thấy một bầu không khí vui vẻ và náo nhiệt, một niềm hạnh phúc chưa từng có trong lịch sử.
Các cầu thủ Croatia đã làm nên một điều phi thường khi chiến thắng hàng loạt đối thủ mạnh và chỉ chấp nhận thất bại ở trận chung kết. Thể lực của họ đã bị bào mòn sau 3 trận đấu liên tiếp chơi trọn vẹn 120 phút, song chẳng phải vì thế mà những chiến binh của Zlatko Dalic không chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong thành công ấy, Luka Modric đóng vai trò quan trọng như “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt đội bóng.
Tiền vệ khoác áo Real Madrid vừa bước sang tuổi 34 cách đây ít ngày. World Cup 2018 nhiều khả năng sẽ là giải đấu lớn nhất hành tinh cuối cùng mà anh góp mặt. Những đồng đội của anh trên ĐTQG như Ivan Rakitic, Mario Mandzukic, Ivan Perisic… cũng đều sẽ bước sang phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp sau đây một vài năm.
Modric đã góp phần khép lại thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Croatia sau thời của Davor Suker, Zvonimir Boban, Robert Prosinecki… bằng những kỷ niệm đẹp. Người dân Croatia có thể làm ngơ 4 chức vô địch Champions League của cầu thủ này trong màu áo Real Madrid nhưng không thể phủ nhận những cống hiến của người đội trưởng tận tụy này cho ĐTQG.
Ánh mắt đượm buồn của Luka Modric trên đường bước lên bục nhận giải sẽ là một hình ảnh đầy tiếc nuối khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ bóng đá Croatia. Thế nhưng cùng với đó, hình ảnh Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic ôm lấy Modric cũng tượng trưng cho sự an ủi của cả dân tộc. Đó là cái ôm của sự ghi nhận, của sự động viên và trên tất cả là sự tha thứ.
Bằng tài năng và sự cố gắng của mình, Luka Modric từ một cậu bé chăn cừu sống dưới bom đạn chiến tranh đi lên trở thành một trong những cầu thủ hay nhất thế giới. Bóng đá đã giúp tiền vệ Real Madrid trở thành ngôi sao số một của bóng đá Croatia. Thế nhưng cũng chính nó đã tước đi tất cả trước khi một lần nữa đưa anh trở thành người hùng của dân tộc.
Liệu Luka Modric có phải người đầu tiên chấm dứt sự thống trị của bộ đôi Lionel Messi - Cristiano Ronaldo trong suốt một thập kỷ qua trên bản đồ bóng đá thế giới? Với màn trình diễn tuyệt vời ở mùa giải trước, người hâm mộ hoàn toàn có quyền tin vào luận điểm này. Nhất là khi Croatia đã chứng minh họ là một đất nước nhỏ, nhưng có thể tạo ra những cơn sóng lớn.