Lực lượng cứu hộ quốc tế đổ về Lào sau vụ vỡ đập thủy điện
Thứ bảy, 28/7/2018 12:59 (GMT+7)
12:59 28/7/2018
Lực lượng cứu hộ quốc tế cùng nhiều phương tiện chuyên dụng và lương thực, thuốc men đã đến Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy (tỉnh Attapeu).
Ngay sau khi thông tin về sự cố vỡ đập thủy điện ở Attapeu (Lào) được loan ra hôm 24/7, chính phủ Thái Lan đã chỉ đạo lực lượng vũ trang lên đường hỗ trợ Lào. Hai ngày qua, hàng chục nhân viên cứu hộ, y tế và thợ lặn đã lên đường tới tỉnh Attapeu.
Ngày 25/7, chính phủ Thái Lan đã viện trợ khoản tiền mặt 5 triệu baht (tương đương 147.000 USD) cho các nạn nhân. Ngoài ra, Thái Lan còn viện trợ nước uống, lương thực, thuốc men và lều cho các nạn nhân vùng lũ ở địa phương này.
Trao đổi với Zing.vn, Chanwit Nitsaphan, nhân viên cứu hộ Thái Lan, cho hay trong hai ngày qua, hơn 30 nhân viên cứu hộ, thợ lặn đã đến Attapeu tiếp tế lương thực, thuốc men và tham gia tìm kiếm người chết, mất tích ở các bản làng bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngày 27/7, nhóm thợ lặn trong vụ cứu hộ đội bóng nhí ở Thái Lan đã giải cứu thành công 14 nạn nhân mắc kẹt trong lũ ở Lào.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cũng cử 100 nhân viên cứu hộ cùng thiết bị và thuốc men đến hỗ trợ địa phương này.
Nhiều ôtô, ca nô cứu hộ chuyên dụng đang có mặt tại huyện Sanamxay.
Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội Lào Khampheng Saysompheng cho hay cảnh sát, quân đội và các cơ quan liên quan khác được huy động tối đa lực lượng. “Các tỉnh Champasak, Sekong và Salavan cũng đang cử lực lượng hỗ trợ tới. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm người thiệt mạng và mất tích”, ông này nói.
Mưa lớn kéo dài, đường sá lầy lội cũng gây trở ngại cho việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ quốc tế. Đại sứ quán Nhật Bản tại Vientiane cho biết Tokyo đã viện trợ lều và chăn mền cho người ở vùng lũ Attapeu thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Sau khi xảy ra sự cố vỡ đập ở Lào, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ giúp đỡ Lào tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ, nhân viên y tế Việt Nam đã đến Attapeu trong vài ngày qua.
Đến trưa 28/7, nhiều bản làng ở huyện Sanamxay vẫn còn ngập sâu trong bùn đỏ. Theo lãnh đạo Attapeu, địa phương này đã tiếp nhận hơn 2 tỷ kip Lào, hàng hóa cùng hàng trăm nghìn USD do các quốc gia, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyên góp, giúp đỡ người dân vùng lũ.
Ngày 27/7, tập đoàn SK Group của Hàn Quốc cũng cho biết họ đề nghị được đóng góp 10 triệu USD vào công tác cứu hộ sau vụ vỡ đập. SK Engineering & Construction (SK E&C), nhà thầu của công trình dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, là công ty con của SK Group. Trong ảnh, lực lượng cứu hộ dùng xuồng máy cao su tìm kiếm người chết, mất tích ở bản Mày, huyện Sanamxay.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ số tiền 500.000 USD và một số vật dụng trị giá 500.000 USD để hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả thảm họa. Các nhu yếu phẩm cứu trợ sẽ được chuyển đến vào ngày 28/7 bằng máy bay vận tải quân sự của Hàn Quốc.
Quân đội Lào huy động trực thăng về vùng lũ Sanamxay tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Các bác sĩ Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai khám bệnh, cấp thuốc cho người dân vùng lũ huyện Sanamxay.
Đập vỡ, nước cuốn trôi nhà cửa, tài sản cũng như người thân chỉ sau một đêm, một phụ nữ Lào tại huyện Sanamxay bật khóc nức nở khi chia sẻ với Zing.vn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối lệnh bắt giữ, trong khi Thủ tướng Canada tuyên bố sẽ tuân thủ mọi phán quyết của ICC, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế.