Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật TCTD sửa đổi: Hệ thống ngân hàng kỳ vọng sẽ 'thay da đổi thịt'

Luật TCTD sửa đổi có hiệu lực từ 15/1, đưa ra nhiều quy định hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém, hứa hẹn sự thay da đổi thịt ngoạn mục của các ngân hàng trong thời gian tới.

Từ ngày 15/01, Luật các Tổ chức Tín dụng (TCTD) sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành. Nhân dịp này, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu đã có những trao đổi xung quanh các quy định mới của luật này.

- Với Luật TCTD (sửa đổi), nhiều ý kiến dự báo các ngân hàng yếu có thể kỳ vọng được thay da đổi thịt và hệ thống ngân hàng sẽ phát triển theo hướng dễ dàng tái cấu trúc hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Luật sửa đổi đưa ra một trình tự để kiểm soát và xử lý một ngân hàng yếu kém. Một ngân hàng trở nên yếu kém sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp sớm để vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, ngân hàng này có thể bị NHNN đặt vào kiểm soát đặc biệt nếu có nguy cơ mất khả năng thanh toán, lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hay tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục, và xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục.

Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ áp dụng 6 phương án cơ cấu lại, gồm: phục hồi, sáp nhập hay hợp nhất, chuyển nhượng từng phần hoặc toàn phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản. Phương án cuối cùng là cho phá sản nếu tất cả phương án trước đó không cứu được ngân hàng.

Khởi đầu của tiến trình cơ cấu lại là phương án phục hồi được quy định tại điều 148 Luật sửa đổi. Trong 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chủ trương cơ cấu lại của NHNN, TCTD phải trình Ban kiểm soát đặc biệt của NHNN phương án phục hồi. Nếu được phê duyệt, TCTD sẽ được NHNN hỗ trợ với những biện pháp đặc biệt bao gồm vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, và được nhận tiền gửi hoặc vay của TCTD hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi...

Như vậy có thể thấy, trong thời gian kiểm soát đặc biệt, NHNN có nhiều công cụ giúp ngân hàng cải thiện thanh khoản, đảm bảo cho ngân hàng đó đủ “máu” để hoạt động. Vấn đề bơm thanh khoản là cực kỳ quan trọng để ngân hàng có cơ hội phục hồi trước khi NHNN đưa ra phương án xử lý đặc biệt khác.

Ngan hang TMCP Quoc Dan anh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu.

- Với những giải pháp hỗ trợ sớm của NHNN, liệu có kỳ vọng ngân hàng vào diện yếu kém sẽ có khả năng phục hồi?

- Tôi tin rằng TCTD sau khi vào vòng kiểm soát đặc biệt có thể thoát ra được và hoạt động bình thường như các TCTD khác. Một điều rất đáng quan tâm là luật sửa đổi nhằm vào việc xử lý ngân hàng yếu kém nhưng đồng thời cũng đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phục hồi và thoát ra khỏi vòng yếu kém.

3 ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng trước khi luật sửa đổi ban hành (tháng 11/2017) đang cố gắng khắc phục hậu quả. Một trong số những ngân hàng tái tổ chức thành công là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Ngân hàng này dù trước đây quy mô hoạt động nhỏ nhưng thời gian qua, do tái cơ cấu mạnh mẽ, đã tăng được vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu hội đồng quản trị, ban điều hành, tăng cường sản phẩm, dịch vụ. Với nỗ lực đó, NCB đã có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017, thậm chí còn có phương án tăng cường vốn để tiến vào hàng ngũ những ngân hàng hàng đầu.

- Ông có nói một điểm rất hay là luật liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém nhưng cũng đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phát triển và thoát ra khỏi vòng yếu kém. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quy định trong luật sửa đổi bao trùm mọi bước mà một ngân hàng yếu kém phải trải qua, từ việc phải khắc phục yếu kém như thế nào, NHNN can thiệp ra sao trước khi phá sản.

Trong thời gian qua tôi đã có dịp chứng kiến bộ phận thanh tra của NHNN làm việc suốt đêm ngày tại một ngân hàng yếu kém khi họ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Nếu vẫn không có dấu hiệu khả quan thì theo luật sửa đổi, NHNN sẽ đưa ngân hàng này vào diện cơ cấu lại, bao gồm 6 phương án, khởi đầu bằng phương án phục hồi (về vốn, điều hành, cơ cấu tổ chức, các hoạt động khác).

Nếu không có tiến triển, NHNN sẽ đưa ra phương án sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp. Nếu phương án này không khả quan, ngân hàng sẽ bị đặt vào tình trạng giải thể từng phần hoặc toàn phần, hoặc áp dụng phương án chuyển giao bắt buộc. Cuối cùng, nếu tất cả phương án đều không thực hiện được mới đi đến phương án phá sản.

- Như vậy tức là những quy định từ Luật TCTD (sửa đổi) sẽ góp phần tái cơ cấu nhanh hơn?

- Đó là điều hiển nhiên. Luật các TCTD và luật sửa đổi là khung pháp lý cao nhất cho hệ thống ngân hàng. Với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện công tác tổ chức và quản trị doanh nghiệp (corporate governance) việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cùng với Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15/1, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đều ban hành năm 2017, sẽ giúp 2018 thành năm bản lề trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thêm vào đó, đề xuất của NHNN áp dụng hệ thống xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng theo tiêu chuẩn CAMELS (vốn, chất lượng tài sản, năng lực điều hành, lợi nhuận, thanh khoản và rủi ro thị trường) và từ đó xếp hạng năng lực của các ngân hàng theo thang điểm 1-5 (1 là bậc tốt nhất).

CAMELS sẽ giúp NHNN thẩm định sức khỏe và năng lực các ngân hàng khách quan và chính xác, từ đó quản lý các ngân hàng toàn diện và hiệu quả. Đặc biệt một ngân hàng được xếp hạng 4-5 sẽ nhận thức được mức độ nghiêm trọng cần phải tái cơ cấu nếu muốn tiếp tục tồn tại.

Sơn Trà

Bạn có thể quan tâm