Theo kết quả khảo sát của Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM đã kết hợp và Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), có đến 80% các cửa hàng nắm rõ kiến thức về Luật sở hữu trí tuệ cũng như những rủi ro từ việc sử dụng phần mềm không có bản quyền... Kết quả khảo sát này được thực hiện trên một loạt hệ bán lẻ máy tính lớn trên địa bàn TP.HCM như Phong Vũ, Nguyễn Kim, FPT, Pico...
Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Trưởng Đại diện của Cục bản quyền tại TP.HCM, nhờ các hoạt động tích cực chống vi phạm phần mềm bản quyền trong những năm qua mà tỷ lệ vi phạm bản quyền máy tính ở Việt Nam đã giảm từ 92% xuống còn 81%. Mặc dù tỉ lệ này vẫn còn cao (so với ngưỡng trung bình 60%) của khu vực nhưng đây là tín hiệu rất đáng mừng
Ông Quý cũng cho biết thêm: "Ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý và đưa ra các chế tài cụ thể nhằm xử lý về vấn đề vi phạm bản quyền, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng vẫn là hướng giải quyết chính và triệt để cho những sai phạm về sử dụng phần mềm lậu vẫn diễn ra bấy lâu. Và một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả nhất chính là từ hệ thống các cửa hàng bán lẻ máy tính, bởi đây là đầu mối thông tin trực tiếp đầu tiên về các sản phẩm bản quyền đối với người tiêu dùng sau nhà sản xuất. Kết quả khảo sát không chỉ là một tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam mà còn thể hiện sự ngày càng chuyên nghiệp trong kinh doanh của các đơn vị bán lẻ máy tính. Điều này rất cần được khuyến khích và nhân rộng giữa giai đoạn tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn là một vấn nạn khiến các cơ quan chức năng và các chủ sở hữu bản quyền phần mềm đau đầu"
Kiểm tra việc thực hiện Luật sở hữu trí tuệ tại một cửa hàng bán lẻ ở TP. HCM. Ảnh: T.A. |
Việc vi phạm phần mềm bản quyền không chỉ mang lại rủi ro về kinh tế và đầu tư cho doanh nghiệp, người tiêu dùng như mất hết dữ liệu, lộ thông tin tài khoản ngân hàng, bí mật thương mại... mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh thương hiệu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chưa kể những rủi ro về mặt pháp lý mà người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt nếu sử dụng phần mềm không có bản quyền. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều phần mềm lậu xuất hiện trên thị trường đã bị nhiễm sẵn các loại mã độc như các loại virus, chương trình xâm phạm riêng tư (trojans), phần mềm gián điệp (spyware)... Chỉ cần không có kiến thức nhất định thì người dùng sẽ bị thiệt hại rất nhiều.
Theo bà Rebecca Hồ, Giám đốc sở hữu trí tuệ của Microsoft, tất cả người dùng máy tính nên rèn luyện thói quen cẩn trọng như thường xuyên cập nhật và sử dụng phần mềm máy tính chính hãng, bật tường lửa, sử dụng các chương trình diệt virus hoặc công nghệ bảo vệ máy tính khỏi mã độc. Khi mua máy tính người tiêu dùng cũng nên thận trọng; phải luôn đảm bảo rằng máy tính vừa mua đi cùng với phần mềm bản quyền.
Trong thời gian sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành liên tục các cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi toàn quốc nhằm kiểm soát tình hình tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức. Những hành động cụ thể gần đây được cho là một trong những động thái quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao độ của chính phủ trong việc cắt giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống còn 70% trong 05 năm tới.