Những ngày qua, dư luận xôn xao vì trên tuyến phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), UBND quận Thanh Xuân quy định: Hệ thống biển hiệu được lắp đặt theo thiết kế đồng bộ với chiều cao biển là 1,1 m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình; vị trí mép dưới biển hiệu là 3,0-3,2 m. Đáng chú ý, màu sắc được thiết kế 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng.
Trao đổi với báo chí về quy định này, TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: “Cơ sở luật pháp nào cho phép thành phố can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bây giờ người ta có biển quảng cáo điện tử, kích cỡ khác, đặt ở vị trí khác thì cấm hay sao?".
“Phố nhà quê”
Các thương hiệu nổi tiếng như Vietnam Airlines, Vinmart đều bị sai quy chuẩn thiết kế lẫn màu sắc sau khi tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn cho lắp đặt biển hiệu quảng cáo đồng bộ. Ảnh: Lê Hiếu |
Đồng quan điểm với ông Doanh, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang phân tích: Luật Quốc tế cho phép bảo hộ màu sắc riêng của mỗi thương hiệu và chuyện đó đã được thừa nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ trên toàn thế giới.
“Quy hoạch về kích thước, vị trí, độ an toàn của biển hiệu quảng cáo thì được chứ màu sắc thì không. Có những chỗ cấm không cho quảng cáo (tùy theo mỗi quốc gia, mỗi địa phương) hoặc cấm quảng cáo một số nội dung.
Người ta có quyền chủ động về ý tưởng quảng cáo, kỹ thuật quảng cáo. Quy hoạch kiểu phố Lê Trọng Tấn là kiểu phố nhà quê”, ông Quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, các quy định trên đã được nêu rõ trong các văn bản luật của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và của Hiệp hội quảng cáo Việt Nam. UBND quận Thanh Xuân đi ngược lại với quy định trên là “phạm luật”.
"Đồng phục" biển quảng cáo thể hiện tư duy cào bằng
Luật sư Trần Tuấn Anh. Ảnh: TA |
Trong khi đó, luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, pháp luật cũng như thực tiễn đều cho thấy, biển quảng cáo chính là tấm danh thiếp của cơ sở kinh doanh nói riêng và của bất kỳ một cơ quan, đơn vị hay thậm chí là của từng hộ gia đình, cá nhân.
Nó dùng để phân biệt giữa cơ sở này với cơ sở khác, và trong nhiều trường hợp còn phản ánh tư duy sáng tạo của chủ doanh nghiệp.
Chính vì điều đó, theo luật sư Tuấn Anh, pháp luật về quảng cáo luôn để các doanh nghiệp được tự do lựa chọn màu sắc, cách trang trí, kích thước và một số tiêu chí khác trên biển. Đây chính là biểu hiện sơ khai nhất của quyền tự do kinh doanh.
Luật sư này khẳng định, pháp luật chỉ quy định về biển quảng cáo như thế nào thì phải xin phép, biển quảng cáo như thế nào thì không cần phải xin phép và tương ứng với đó là xin phép ở đâu, cơ quan nào có quyền cấp phép cho từng loại biển quảng cáo.
“Chẳng có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp chỉ được treo biển màu trắng, đen, vàng, đỏ. Điều này đơn giản được hiểu là vì cuộc sống muôn màu vậy nên không thể buộc biển quảng cáo chỉ có hai màu”, luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc buộc doanh nghiệp chỉ được treo biển quảng cáo theo màu quy định với kích thước như nhau thể hiện “tư duy cào bằng” trong tư tưởng người lãnh đạo.
Ở một góc nhìn khác, nhiều ngày qua, trên website của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, ngay vị trí trang chủ có đăng bài viết: “Phiếu điều tra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời”.
Ngày 31/10/2013 Bộ Xây dựng đã có Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời. Sau một thời gian thực hiện, Hiệp hội và nhiều cơ sở đã phản ánh với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch về một số điểm bất cập của Quy chuẩn.
Để khắc phục việc này, Bộ Xây dựng giao cho Viện Kiến trúc Quốc gia soát xét, điều chỉnh, bổ sung QCVN 17:2013/BXD. Nay Viện Kiến trúc Quốc gia có văn bản đề nghị Hiệp hội và các hội viên góp ý kiến đánh giá, đề xuất bổ sung, điều chỉnh nội dung nội dung của Quy chuẩn.
Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp quảng cáo - đặc biệt là các doanh nghiệp làm quảng cáo ngoài trời, được trực tiếp góp ý với cơ quan soạn thảo Quy chuẩn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.