Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật chưa quy định phạt hành vi 'buông vô lăng ăn mì'

Theo Phó chủ nhiệm Hội luật gia TP.HCM, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông không có quy định xử phạt hành vi "buông vô lăng để ăn mì".

Tài xế buông hai tay khi lái xe để ăn mì Tài xế một nhà xe ở Lâm Đồng buông hai tay khi điều khiển phương tiện để ăn mì bất chấp tính mạng của hành khách.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội luật gia TP.HCM, cho biết Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chưa có quy định xử lý về hành vi "buông vô lăng khi lái xe" của người điều khiển phương tiện.

Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ có quy định xử lý các hành vi mất an toàn có liên quan đến việc điều khiển vô lăng như dùng chân điều khiển vô lăng, vừa lái xe vừa nghe điện thoại…

Trong khi đó, điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

buong hai tay khi lai xe anh 1
Tài xế Dân ăn mì trong quá trình điều khiển xe khách. Ảnh: Cắt từ clip.

Còn thiếu sót

Đối với hành vi buông cả hai tay khi điều khiển xe ôtô thì pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý nên không thể xử phạt.

"Nghị định 46/2016/NĐ-CP còn thiếu sót, chưa quy định đầy đủ các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông nói riêng và những người tham gia giao thông đường bộ nói chung. Trong đó có trường hợp buông cả hai tay khi điều khiển ôtô, cho nên vẫn chưa thể xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này", luật sư Hậu nói.

Luật sư cho biết thêm hành vi buông hai tay khi lái xe là đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng những người trên xe và cả người đang tham gia lưu thông trên đường. Tài xế lái xe cẩu thả, không lường trước được những hậu quả, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào do hành vi này mang lại.

Trong trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông, tài xế có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm.

"Do đó, tôi đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng không nên quy định quá chi tiết các hành vi vi phạm liên quan đến hành vi cầm lái của các tài xế lái xe như dùng chân điều khiển vô lăng, vừa lái xe vừa nghe điện thoại…, như vậy dễ dẫn đến bỏ sót hành vi vi phạm, ví dụ điển hình như trường hợp nêu trên", vị luật sư phân tích.

Sáng 5/12 trao đổi với phóng viên, đại tá Hồ Văn Lai, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lâm Đồng), cho biết trường hợp tài xế buông hai tay để ăn mì khi lái xe theo luật không thể xử phạt hành chính.

Luật không quy định buông hai tay là sai

Theo đại tá Lai, luật không quy định trường hợp buông hai tay khỏi điều khiển. Nếu có bị xử phạt thì trong quá trình lái xe, tài xế buông hai tay dẫn đến hậu quả hoặc luật có quy định.  

"Theo hiến pháp thì mọi công dân đều có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Tương tự đó, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ xử phạt những hành vi nào pháp luật có quy định. Nếu xử phạt không đúng thì người bị phạt sẽ kiện", đại tá Lai nói.

Ông nói thêm trước đây ngành CSGT đã kiến nghị chính phủ bổ sung hành vi này vào luật nhưng chưa được. "Sắp tới phòng sẽ tiếp tục thu thập những trường hợp tương tự để kiến nghị chính phủ đưa vào luật", đại tá Lai nói.

Ông Võ Quang Vũ, Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng), cho biết khi phát hiện sự việc đơn vị đã yêu cầu Công ty TNHH Tài Thắng báo cáo vụ việc.

"Sáng nay, công ty này đã có quyết định buộc thôi việc đối với lái xe. Về vấn đề xử phạt hành chính đối với tài xế thì luật không qui định hành vi buông hai tay. Do đó, phòng đang tham mưu các cơ quan liên quan và đưa ra hình thức xử lý", ông Vũ nói.

Tương tự, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, nói thêm Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không nêu việc buông hai tay là vi phạm.

"Tuy nhiên, Sở đang phối hợp với Phòng CSGT để tìm hướng xử lý đối với trường hợp tài xế buông hai tay khi điều khiển phương tiện để ăn mì", ông Hiệp nói.

Sáng cùng ngày, Công ty TNHH Tài Thắng có quyết định buộc thôi việc đối với tài xế Hồ Thanh Dân (tài xế buông hai tay ăn mì khi điều khiển xe khách) bắt đầu từ 5/12.

Không thể xử phạt hành vi ăn mì khi lái xe

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Lâm Đồng, không thể xử phạt hành vi tài xế buông hai tay ăn mì khi lái xe vì luật chưa quy định.

Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm