Chia sẻ với Zing.vn, đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines cho biết, với những vé đã đặt mua mà được cho là sẽ đi trên các chuyến Vietnam Airlines, hãng sẽ hỗ trợ tối đa việc tra cứu thông tin tình trạng vé, để hành khách có những xử lý thích hợp.
Khó hỗ trợ
Thủy Lê, đại diện của một công ty tư vấn du học, kiêm đại lý bán vé máy bay, cho biết đơn vị này vừa tiến hành kiểm tra hộ mã vé của hơn 100 khách hàng từng đặt mua qua Facebook Vi Tran. Theo đó, 85 mã đã bị hủy, gồm hủy cả hành trình, hủy chiều về, hoặc một mã được bán cho nhiều khách cùng lúc.
Theo Thủy Lê, nhiều khách hàng của Vi Tran đã từng được cảnh báo về mức giá bất thường, cũng như hành vi mua bán có dấu hiệu lừa đảo, nhưng số lượng khách đặt mua qua địa chỉ Facebook này vẫn rất lớn.
Vé máy bay của Vi Tran rẻ một cách đáng ngờ, nhưng nhiều khách hàng vẫn mắc lừa. |
Trong khi đó, anh Phạm Việt Anh, admin của trang tư vấn vé máy bay Baynhe cho biết, tình trạng khách hàng bị lừa mua vé đã xảy ra nhiều năm. Hai hình thức lừa phổ biến là đặt vé, chụp màn hình code, nhận tiền, nhưng ngay sau đó lại làm thủ tục hủy trong 12 tiếng; hoặc không đặt vé cho khách nhưng vẫn nhận tiền, sau đó thông báo đó là vé bán quá số lượng của hãng nên khách hàng sẽ không thể làm thủ tục lên máy bay.
Phần lớn các trường hợp, khách hàng đều quá tin tưởng vào các trang web bán vé không chính thống, người mua hộ trôi nổi trên mạng, thông qua Facebook, hoặc các đại lý lừa đảo. Trong khi đó nếu xảy ra sự cố, các hãng bay rất khó hỗ trợ trực tiếp cho các trường hợp trên, nhất là khi nơi xuất vé, mua hộ không phải là đại lý chính thức của hãng.
"Theo nguyên tắc, tiền mua vé chưa chuyển về hãng hàng không thì các công ty này sẽ coi như chưa đạt thỏa thuận. Với các đại lý cấp 1, hãng làm việc trực tiếp, chịu trách nhiệm trực tiếp.
Trong khi đó, đại lý cấp 1 được quyền tuyển các cá nhân để làm đại lý cấp thấp hơn. Đội quân đại lý cấp 2 này không có ràng buộc trực tiếp với hãng bay. Do đó khi xảy ra sự cố, hãng bay chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp thông tin họ biết tới cơ quan công an, chứ khó có thể chịu trách nhiệm hay hỗ trợ trực tế cho khách hàng", anh Việt Anh thông tin.
Theo luật sư Trịnh Cẩm Bình, trong trường hợp khách hàng chuyển tiền bằng ngân hàng, nếu nghi ngờ có hoạt động phạm pháp thì có thể yêu cầu ngân hàng thực hiện biện pháp ngăn chặn từ xa. "Không nên chờ cho tới khi có quyết định của tòa án mới thực hiện các biện pháp ngăn chặn này. Bởi ngân hàng có thể hỗ trợ các nghiệp vụ này dễ dàng khi nhận được cảnh báo từ bất cứ cá nhân, tổ chức nào", ông Bình nói.
Khó xác định danh tính kẻ lừa đảo
Anh Hoàng Quý, giám đốc một công ty cung cấp vé máy bay cho rằng, việc mua vé qua mạng hiện rất đơn giản, để tránh bị lừa đảo, khách hàng nên tự thực hiện các thao tác đặt vé trực tuyến. Nếu không thể đặt được vé qua hình thức này, khách nên tìm tới các trang web được Bộ Công Thương cấp phép (thể hiện bằng logo tại nguồn website) để giao dịch, nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
"Việc bán vé quá số ghế là thông lệ kinh doanh quốc tế, trong khi cho phép hủy mã đặt chỗ lại là cách để các hãng bay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Rất khó để các hãng siết được quy định này nhằm tránh bị lợi dụng, nên khách hàng phải cẩn trọng, tự biết cách bảo vệ chính mình, nhất là khi thấy vé chênh lệch tới 30% so với niêm yết như trường hợp trên", anh Quý nhắn nhủ.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này, do người bị hại khi bị lừa đang cư trú ở nước ngoài (kẻ lừa đảo cũng ở nước ngoài) và vụ án xảy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nên trước hết phải xác định thẩm quyền của cơ quan điều tra. Hiện Việt Nam chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Australia, nên theo quy định của Bộ luật Hình sự, vụ án này không thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Việt Nam. Do vậy, người bị hại phải trình báo và đề nghị cơ quan cảnh sát có thẩm quyền của Australia điều tra, xử lý kẻ lừa đảo.
Cảnh sát Australia vào cuộc điều tra vụ lừa đảo vé máy bay Tết của Vi Tran. |
"Trên thực tế, khi xử lý các vụ việc này thường gặp nhiều khó khăn, bởi rất khó xác định danh tính thực sự của kẻ lừa đảo. Một số trường hợp, số tiền người bị hại đã thanh toán để mua vé cũng bị đi lòng vòng qua các tài khoản khác nhau, và thường bị rút ngay khi tiền về tài khoản mà kẻ lừa đảo lựa chọn nên càng khó giải quyết", ông Vinh chia sẻ.
Vietnam Airlines chỉ hỗ trợ tra thông tin tình trạng vé
Chiều 7/1, Vietnam Airlines đã phát thông báo khẳng định Vi Tran không phải là đại lý chính thức có hợp đồng thương mại với hãng.
Do vậy, hãng không kiểm soát được các giao dịch này. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin về vụ việc, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc trực tiếp, trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Hội du học sinh Việt Nam tại nước này cùng một số nạn nhân và cảnh sát để thu thập thông tin và tìm hướng giải quyết. Đơn vị này cam kết, với những vé đã đặt mua mà được cho là sẽ đi trên các chuyến Vietnam Airlines, hãng sẽ hỗ trợ tối đa việc tra cứu thông tin tình trạng vé, để hành khách có những xử lý thích hợp.
Vietnam Airlines cũng khuyến nghị các giao dịch mua vé chỉ nên thực hiện tại website của hãng, phòng vé hoặc đại lý được ủy quyền có đăng ký kinh doanh hợp pháp tại nước sở tại. Khi có vấn đề gì phát sinh, đề nghị liên hệ trực tiếp với văn phòng chi nhánh Vietnam Airlines tại Úc, số điện thoại +00 612 9285 4700.
Theo đánh giá của cảnh sát Australia, việc mua bán giữa khách hàng với Vi Tran là các giao dịch dân sự giữa các cá nhân. Cảnh sát khuyến cáo các nạn nhân đưa vụ việc ra cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (Fair Trading) để đòi lại quyền lợi.